Quảng Nam:
Bổ sung thanh niên xung phong và giáo viên trường tư được hỗ trợ Covid-19
(Dân trí) - Sở LĐ-TB&XH Quảng Nam vừa có báo cáo gửi Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Quảng Nam về việc xin chủ trương của Ban thường vụ Tỉnh ủy bổ sung đối tượng hỗ trợ gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19.
Ông Trần Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, Quảng Nam cho biết, trước đó vào đầu tháng 9, tỉnh Quảng Nam tổ chức một cuộc họp gồm lãnh đạo UBMTTQVN tỉnh, Ban văn hóa - xã hội, Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh, lãnh đạo các Sở VH-TT&DL, Tài chính, GD-ĐT…
Tại cuộc hộ này, các sở, ngành đã nghe đại diện Sở LĐ-TB&XH tỉnh báo cáo kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và đề xuất bổ sung đối tượng hỗ trợ.
Theo đó, Sở LĐ-TB&XH Quảng Nam đề xuất bổ sung hỗ trợ nhóm đối tượng là thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến đang hưởng trợ cấp hàng tháng và giáo viên, nhân viên tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập (trừ cơ sở giáo dục thuộc doanh nghiệp được hỗ trợ theo Nghị quyết 42/NQ-CP.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các sở, ngành đều thống nhất đề xuất bổ sung nhóm đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và xin chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Theo đó, đại diện Sở LĐ-TB&XH Quảng Nam đề xuất bổ sung hỗ trợ nhóm đối tượng là thanh niên xung phong đang hưởng trợ cấp hàng tháng, số người đề nghị hỗ trợ là 287 người với số tiền trên 412 triệu đồng.
Bổ sung hỗ trợ nhóm đối tượng là giáo viên, nhân viên làm việc tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập là 1.091 người với số tiền hỗ trợ là hơn 1,77 tỉ đồng.
Tổng kinh phí theo đề xuất bổ sung hỗ trợ cho 2 nhóm đối tượng này hơn 2,18 tỉ đồng. Nguồn kinh phí đề xuất từ nguồn quỹ vận động phòng, chống dịch bệnh Covid-19 do UBMTTQVN tỉnh quản lý.
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Quảng Nam cho biết, đến ngày 11/9/2020, tỉnh Quảng Nam đã cơ bản hoàn thành việc hỗ trợ đối với người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng, đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng, người thuộc hộ nghèo và người thuộc hộ cận nghèo.
Nhóm đối tượng này có gần 220 ngàn người được hỗ trợ; đạt tỉ lệ 99,63% tổng số người được phê duyệt với tổng kinh phí chi trả hơn 254 tỉ đồng. Số người chưa nhận hỗ trợ là 803 người với tổng kinh phí còn lại trên 757 triệu đồng. Lý do là những người này đi làm ăn xa không có mặt tại đại phương, đang điều trị bệnh…
Đối với nhóm người lao động, hộ kinh doanh, theo ông Trần Văn Chiến cho biết, đến ngày 11/9/2020 đã có quyết định hỗ trợ của cấp huyện gần 49 nghìn người/hộ kinh doanh với tổng số tiền chi trả hơn 51,5 tỉ đồng. Tổng số người/số hộ đã chi trả trên 31,6 nghìn người/hộ với tổng số tiền đã chi trả trên 31,6 tỉ đồng.
Cụ thể, hỗ trợ người lao động làm việc theo hợp đồng lao động trong doanh nghiệp phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương trên 2.800 người, số tiền chi trả trên 5,2 tỉ đồng; hỗ trợ hộ kinh doanh: đã chi trả 989 hộ, kinh phí trên 962 triệu đồng.
Hỗ trợ người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp: đã chi trả 104 người, kinh phí chi trả 132 triệu đồng. Hỗ trợ người lao động không giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm: đã chi trả gần 28 nghìn lao động, kinh phí đã chi trả hơn 27,7 tỉ đồng.
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Quảng Nam cho biết, đây là chính sách hỗ trợ có ý nghĩa thiết thực thể hiện tính nhân văn của Đảng, Nhà nước đối với người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 đã được nhân dân, doanh nghiệp quan tâm, ủng hộ.
“Việc tổ chức triển khai thực hiện ở các địa phương đảm bảo đúng đối tượng, công khai, minh bạch, đến thời điểm hiện nay chưa xảy ra tình trạng khiếu nại, tố cáo của công dân, doanh nghiệp đối với cán bộ, cơ quan thực hiện”, ông Trần Văn Chiến cho hay.