1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Quảng Nam: Người đàn ông hơn 30 năm làm ra thứ "mua vui" cho thiên hạ khi tết Trung thu

Khác biệt so với nhiều bạn đồng trang lứa khác trong làng, ông Mai Văn Vàng (50 tuổi, trú khối phố 6, phường Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) chọn con đường khởi nghiệp từ nghề chế tác lân - sư - rồng.

Đây là nghề mà nhiều người gọi là làm ra thứ "mua vui" thiên hạ mỗi độ tết Trung thu.

Chính tài năng thiên phú và niềm đam mê suốt thời niên thiếu đã giúp ông lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, đồng thời vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

"Lửa đam mê"

Vào những ngày cận Tết Trung thu, cơ sở sản xuất Mai Vàng Song Lân Hội của ông Mai Văn Vàng luôn hoạt động nhộn nhịp, hối hả cho kịp những đơn hàng đặt trước.

Từ đầu ngõ vào đến sân nhà, mọi khoảng trống đều được lấp đầy bởi những con lân đa dạng sắc màu, kích cỡ. Tuy diện tích sản xuất khá hạn hẹp, nhưng đây lại là nơi tạo ra những tác phẩm nghệ thuật mang đậm dấu ấn tuổi thơ của biết bao thế hệ.

Quảng Nam: Người đàn ông hơn 30 năm làm ra thứ mua vui cho thiên hạ khi tết Trung thu - 1

Cận Tết Trung thu là thời điểm cơ sở sản xuất Mai Vàng Song Lân Hội luôn tất bật, nhộn nhịp.

Ngắm nghía con lân vừa hoàn thành xong, ông Vàng tâm sự: "Tiếng trống lân, ngọn đuốc tre và những điệu múa lân của mỗi độ Trung thu về luôn làm tôi thổn thức, thúc giục tôi phát triển niềm yêu thích mãnh liệt. Thuở ấy, cứ rảnh rỗi sau giờ học là tôi lại tìm tòi, bắt tay vào làm thử những bộ khung sườn đầu lân từ nhỏ đến lớn. Những vật dụng quen thuộc của đời sống được tôi tận dụng để chế tác như: tre, giấy, sơn màu, bao tời, vải thừa… và cứ thế niềm đam mê với con lân trong tôi lớn dần".

Quảng Nam: Người đàn ông hơn 30 năm làm ra thứ mua vui cho thiên hạ khi tết Trung thu - 2

Ông Mai Văn Vàng đã hơn 30 năm gắn bó với nghề chế tác đầu lân.

Lân là một trong những con vật tượng trưng cho sự may mắn, thịnh vượng, hạnh phúc và múa lân là nét đẹp văn hóa truyền thống không thể thiếu trong dịp Tết Trung thu hoặc Tết Nguyên đán. Chính vì thế, nghề làm lân không chỉ yêu cầu sự tỉ mỉ, khéo léo mà còn rất cần cái tâm tình, cái "hồn" của người làm để thực sự tạo nên một tác phẩm nghệ thuật dân gian đặc sắc.

Ông Vàng cho hay, để thỏa sức niềm đam mê và tạo nền tảng cho sự sáng tạo, ông thường xuyên tìm đến những lò làm lân ở Hội An, TP.Hồ Chí Minh để học hỏi thêm kỹ thuật và kinh nghiệm chế tác của những nghệ nhân lâu năm.

Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, ông quyết định gắn bó với nghề làm lân - sư - rồng để làm kinh tế và phát triển sự nghiệp. Đến năm 1995, cơ sở sản xuất Mai Vàng Song Lân Hội do ông làm chủ được thành lập và trở thành địa chỉ sản xuất đầu lân, mặt nạ chất lượng và uy tín nổi tiếng khắp vùng.

Quảng Nam: Người đàn ông hơn 30 năm làm ra thứ mua vui cho thiên hạ khi tết Trung thu - 3

Cơ sở của ông Vàng là nơi để nhiều bạn trẻ đến làm việc, học nghề và thỏa sức sáng tạo niềm đam mê.

Cơ sở làm lân của ông Vàng sản xuất thủ công hàng chục loại sản phẩm có kích thước và mẫu mã đa dạng, bắt mắt nhằm đáp ứng thị hiếu khách hàng và sở thích của từng độ tuổi thanh thiếu niên. Khi xưởng đã có nhiều đơn đặt hàng, nguồn vốn ổn định thì ông mạnh dạn đầu tư thêm nhiều loại nguyên liệu, sáng tạo ra nhiều mẫu mã riêng biệt nhằm mở rộng quy mô và thị trường tiêu thụ.

Thu lãi 150 triệu đồng/năm

Để hoàn thiện một đầu lân thì phải trải qua rất nhiều công đoạn, yêu cầu người làm phải tỉ mỉ, khéo léo và có mắt thẩm mỹ cao. Đặc biệt là năng khiếu hội họa cùng khả năng sáng tạo phong phú, sẽ góp phần tạo nên cái hồn cốt riêng biệt, độc đáo cho từng tác phẩm và khẳng định sản phẩm chất lượng mang thương hiệu riêng của Mai Vàng.

Quảng Nam: Người đàn ông hơn 30 năm làm ra thứ mua vui cho thiên hạ khi tết Trung thu - 4

Một đầu lân có sườn được đan từ mây sẽ mất khoảng 7 ngày để hoàn thiện, có giá từ 5.000.000 đồng/bộ trở lên.

Bà Thân Thị Kim Mai (49 tuổi), vợ ông Vàng hào hứng nói: "Về làm vợ anh Vàng thì tôi được anh chỉ dạy từng công đoạn làm đầu lân, thay anh quản lý hàng hóa ra vào. Lâu dần tôi trở nên yêu thích con lân, đồng thời cảm thấy rất vui khi cơ sở tạo việc làm lúc nhàn rỗi cho hàng chục lao động là học sinh, sinh viên trong vùng. Chúng tôi luôn sẵn sàng tạo điều kiện để các em có năng khiếu vẽ, yêu thích làm lân được đến đây để học nghề, rèn luyện thêm kỹ năng".

Quảng Nam: Người đàn ông hơn 30 năm làm ra thứ mua vui cho thiên hạ khi tết Trung thu - 5

Tùy theo yêu cầu của khách hàng mà đầu lân sẽ được chế tác đa dạng với giá thành cao hơn, đặc biệt tại xưởng đã từng bán cặp lân trị giá hơn 20 triệu đồng.

Theo đó, cơ sở làm lân Mai Vàng sản xuất quanh năm, nhưng một tháng trước Tết Trung thu là hoạt động tất bật nhất. Loại đầu lân nhỏ nhất dành cho các em thiếu nhi có giá từ 65.000-70.000 đồng/bộ. Với loại đầu lân được đúc và đắp cốt theo khung từ giấy bồi thì giá dao động 700.000 - 1.300.000 đồng/bộ (tùy theo kích cỡ, mẫu mã).

Đặc biệt, các đầu lân được ông Vàng chế tác theo yêu cầu cụ thể của khách hàng sẽ có giá cao hơn, điển hình như một đầu lân có sườn được làm từ mây sẽ mất khoảng 7 ngày để hoàn thiện, có giá từ 5.000.000 đồng/bộ trở lên.

Quảng Nam: Người đàn ông hơn 30 năm làm ra thứ mua vui cho thiên hạ khi tết Trung thu - 6

Cơ sở làm lân của ông Vàng sản xuất hàng chục loại sản phẩm có kích thước và mẫu mã đa dạng, bắt mắt.

Năm nay, vì ảnh hưởng dịch Covid-19 nên số lượng đơn hàng đã giao chưa đến 10.000 cái (tính cả đầu lân và mặt nạ ông địa nhiều kích cỡ), giảm khoảng 50% so với năm ngoái.

Số lượng nhân công vào dịp cao điểm lên đến 40 người, nhưng bây giờ giảm còn hơn 10 người, với mức lương dao động từ 3.000.000-6.000.000 đồng/người/tháng (tùy theo thời gian và công việc). 

Nhờ mẫu mã đa dạng, sáng tạo đổi mới mỗi năm mà sản phẩm của cơ sở Mai Vàng Song Lân Hội được nhiều người yêu mến, vận chuyển tiêu thụ nhiều nơi như: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Ninh Bình, Nghệ An…

Trung bình mỗi năm, sau khi trừ chi phí, cơ sở của ông Vàng thu lãi khoảng 150 triệu đồng.

Quảng Nam: Người đàn ông hơn 30 năm làm ra thứ mua vui cho thiên hạ khi tết Trung thu - 7

Dưới bàn tay khéo léo và sáng tạo của ông Vàng, nhiều tác phẩm lân – sư - rồng được đông đảo khách hàng gần xa yêu thích, xuất bán nhiều nơi như: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Ninh Bình, Nghệ An.

Ông Vàng bộc bạch nói: "Để làm nên một con lân vừa đẹp vừa chất lượng thì công đoạn nào cũng quan trọng cả. Bởi vì mọi chi tiết, hoa văn trên lân đều phải chỉn chu, khi lắp lại với nhau phải tạo nên sự liên kết tổng thể, thể hiện được nét đẹp tinh tế, công phu và thần thái mà người làm đã thổi vào đó. Riêng cách chế tạo khung sườn đầu lân, cách tạo điểm nhấn cho đôi mắt lân được xem là công đoạn khó nhất mà chỉ có thợ lâu năm mới làm được".

Hơn 30 năm qua, ông Mai Văn Vàng vẫn luôn tâm huyết với nghề làm lân để cố gắng gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. "Vì em yêu thích con lân nên kỳ nghỉ hè nào cũng đến cơ sở của chú Vàng để học nghề, vẽ hoa văn, họa tiết trang trí. Đồng thời lúc rảnh rỗi, em làm những công đoạn nhỏ như cắt vải, sơn màu, gắn đèn để kiếm thêm thu nhập, phụ giúp gia đình", em Phan Phước Vương (16 tuổi) vui vẻ nói.