Quảng Nam: Mưu sinh ở làng nghề ...“đi thụt lùi”
(Dân trí) - Làng An Lạc có hàng chục hộ dân làm nghề cào hến truyền thống. Người dân nơi đây bươn chải với nghề để có chút thu nhập nuôi con học hành.
Làng hến ở thôn An Lạc (xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên) nép mình bên dòng sông Ly Ly hiền hòa. Nhiều thế hệ người dân nơi đây đã gắn liền với nghề đãi hến mưu sinh.
Không biết làng nghề có tự bao giờ, nhưng bao lớp thanh niên làng An Lạc khi sinh ra đã biết cầm sào “đi thụt lùi” cào hến theo con nước. Phụ nữ ở nhà đãi hến phục vụ mỗi buổi chợ sớm.
Vừa tới đầu làng, mùi hến ngọt bùi đã vờn quanh sóng mũi. Tiếng rây hến, tiếng gọi nhau í ới vang cả một vùng.
Trên bến sông, những người đàn ông với gương mặt đen sạm vì nắng gió vẫn thoăn thoắt chuyển hến lên bờ dẫu đã quá mệt nhọc sau một ngày ròng ngâm mình dưới nước. Từng tốp phụ nữ và trẻ nhỏ hối hả nhặt cỏ rác lẫn lộn trong các mủng hến đầy ắp.
Gia đình ông Phạm Cường - 46 tuổi, một người dân địa phương - cũng đã có 4 đời làm nghề. Nghề làm hến không kén chọn lao động, từ trẻ nhỏ cho đến cụ già 80 cũng có việc để làm.
Thanh niên làng An Lạc từ nhỏ đã được chỉ dạy cách cào, đãi hến, nhìn con nước để tìm kiếm luồng hến…
“Làm nghề cào hến này vất vả lắm, nó phụ thuộc vào yếu tố thời tiết và con nước. Khi trời lặng, nước cạn thì cào được sản lượng nhiều chứ nếu trời chuyển và nước sâu thì chẳng được mấy con, vì hến rủ nhau đi trốn sâu dưới cát”, ông Cường chia sẻ.
Bao đời gắn bó với con hến, người dân làng An Lạc ai cũng thuộc nằm lòng câu hò “Nghề hến không đói mà lo. Cái ruột, cái vỏ, cái tro cũng tiền”.
Để theo đuổi được nghề làm hến không phải là chuyện đơn giản, bởi đòi hỏi phải có sức khỏe tốt và biết chịu khó.
Đàn ông trong làng phải thức dậy đi cào hến từ lúc nửa đêm đến xế chiều mới về. Còn phụ nữ thì phải quần quật cả ngày với việc rửa hến, rồi ngâm hến trong nước khoảng 8-10 tiếng đồng hồ để hến nhả hết cặn bẩn.
Đến 3 giờ sáng hôm sau, người làm hến lại thức giấc chuẩn bị cho công việc quan trọng nhất: Nấu hến.
Theo kinh nghiệm của nhiều người có thâm niên trong nghề, khi nấu phải để lửa rất lớn, đun đủ “ba sôi, hai trào” rồi khuấy đều, nếu không khuấy thì hến sẽ câm, không nở. Hến sau khi nấu còn nghi ngút khói sẽ được đổ ra thúng, sau đó đem đi rửa lại một lần nữa cho sạch.
Lúc đãi hến, tay phải khuấy thật mạnh để cho ruột còn nằm trong vỏ bung ra. Ruột hến có thể để riêng theo từng sanh, chảo cho dễ bán. Nước hến múc đựng vào các thùng nhựa bán cho người ta nấu canh.
Còn vỏ hến thì gom lại để nung thành vôi bón ruộng hoặc bán cho người dân trong vùng xay nhỏ và trộn làm thức ăn cho gà, vịt. Tro nấu hến cũng được tận dụng để bán cho nông dân rải vườn trồng các loại hoa màu.
Bà Huỳnh Thị Ba - một người có thâm niên hơn 30 năm trong nghề làm hến tại làng cho biết, trước đây hến được nấu để bán cho các chợ trong vùng.
Nhưng dần dần tiếng lành đồn xa, hến làng An Lạc thơm ngon, đậm đà đã xuất hiện tại nhiều nhà hàng tại Tp.Hội An và được các thương lái từ Đà Nẵng đến đặt mua với số lượng lớn.
Tại các lò, hến sau khi luộc và đãi sạch sẽ bán với giá 70.000-80.000 đồng/kg kèm theo nước luộc hến. Gia đình nào bán ra ít cũng được 10 ký, nhiều thì hơn 20 ký. Nhờ nghề này mà nhiều gia đình có thu nhập khá, nuôi con ăn học đến nơi đến chốn.
“Mỗi ngày gia đình tôi thu về khoảng 400.000-500.000 đồng. Trước đây dòng sông bị ô nhiễm, hến vắng bóng, nhiều người đã chuyển nghề. Nhưng từ sau Tết Đoan Ngọ năm 2017, hến xuất hiện trở lại, nhiều gia đình vui mừng “hành nghề” tổ truyền này”, bà Ba hào hứng nói.
Dù khó khăn, vất vả phụ thuộc vào thời tiết và con nước nhưng người dân làng An Lạc vẫn quyết tâm bám nghề.
Bà Ba cho biết thêm: "Dịch Covid-19 vừa qua các chợ vắng người nên chúng tôi cũng phải nghỉ gần 1 tháng, mới nhộn nhịp trở lại thôi. Những ngày này, nhiều người gọi đến đặt hàng làm không xuể, nhất là ở Đà Nẵng".
Mừng thì mừng vậy nhưng điều mà người dân làng hến An Lạc vẫn luôn canh cánh vì sự bấp bênh của nghề. Với sự hủy diệt môi trường của con người và sự thất thường của thiên nhiên, liệu rằng mai đây hến có còn tồn tại và sinh sôi trên dòng sông Ly Ly?
Theo lời ông Ngô Văn Hà (một người dân làng hến), trước đây người ta cào hến rất thủ công. Cứ đi thụt lùi và tay giật đều chiếc cào là có hến. Nhưng bây giờ, người ta cào hến bằng những chiếc vợt sắt, khi vợt thì cứ thế mà xúc, không để lọt bất cứ con nào, kể cả hến mới ra đời.
“Việc khai thác bằng phương thức đó đang vô tình giết dần giống hến. Năm nay hến xuất hiện nhiều nhưng mấy năm nữa thì sợ hến sẽ ít dần rồi không chừng chẳng còn con nào sống nổi”, ông Hà nói.