Bỏ nghề giáo về “nghịch” đá tảng, trai xứ Nghệ kiếm nửa tỷ/năm
Đang là giảng viên dạy bộ môn chạm khắc, anh Trần Hoàng Thao, sinh năm 1978 ở xóm 4 (Quỳnh Hưng, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) đã từ bỏ nghề dạy học để về quê chế tác đá nghệ thuật trước sự tiếc nuối của nhiều người. Sau nhiều năm nỗ lực, giờ đây những hòn đá tưởng chừng vô giá trị đã giúp anh có được của ăn của để với mức thu nhập 500 triệu đồng mỗi năm.
Năm 2004, sau khi tốt nghiệp khoa điêu khắc của trường ĐH Mỹ thuật Huế, anh Trần Hoàng Thao (xóm 4, xã Quỳnh Hưng, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) được mời về làm giảng viên bộ môn chạm khắc cho trường Trung cấp nghề tiểu thủ công nghiệp Nghệ An. Thời ấy được làm giảng viên là một công việc mà nhiều người mơ ước. Vậy mà đến năm 2018, anh Thao quyết định rời bỏ giảng đường để về quê lập nghiệp với những hòn đá tảng vô tri vô giác trước sự ngỡ ngàng của nhiều người.
"Hồi ấy, tôi nằm trong danh sách các cán bộ khoa học kĩ thuật của tỉnh Nghệ An, không ai nghĩ tôi lại từ bỏ nghề "thầy" để về làm "thợ". Tôi nghĩ mình còn trẻ thì nên thử sức, thể hiện khả năng của mình." Anh Thao cười và chia sẻ.
Anh Thao cho biết: "Làm việc gì cũng phải có đam mê. Từ nhỏ tôi đã thích nghịch đất nặn tượng hoặc đục đẽo linh tinh. Tính tôi không hợp với công việc văn phòng gò bó, sơ vin đóng thùng, chỉ khi được trực tiếp lao động, sáng tác nghệ thuật thì tôi mới cảm thấy vui và phấn chấn."
Theo lời anh Thao kể: Quê anh vốn là làng nghề thủ công đồ gỗ mỹ nghệ, các sản phẩm từ đá điêu khắc chưa có nhiều nên nó sẽ tạo lợi thế cho anh khi cung cấp các sản phẩm độc lạ. Tuy nhiên, công việc này cũng khiến anh gặp nhiều khó khăn trong việc thay đổi thói quen tiêu dùng của khách và tạo niềm tin với họ.
Anh Thao phải lặn lội nhiều nơi mới tìm được loại đá nguyên liệu đạt chất lượng. Mỗi năm xưởng của anh sử dụng gần 200 khối đá.
Để có được những loại đá đẹp và chất lượng, anh phải lặn lội đi nhiều nơi như Ninh Bình, Thanh Hóa, Quỳ Hợp (Nghệ An) …. Các loại đá anh chọn chủ yếu là đá trắng, đá đen, đá vân mây. Sau khi nghiên cứu thị trường cũng như tìm được nguồn cung cấp đá nguyên liệu chất lượng, anh mạnh dạn vay vốn ngân hàng để mở xưởng sản xuất. Anh thuê một bãi đất rộng ở xã Quỳnh Bá (Quỳnh Lưu,Nghệ An) nằm ngay tỉnh lộ 37 nơi có nhiều người qua lại để làm xưởng và là nơi để trưng bày sản phẩm. Sau đó anh đầu tư mua các loại máy cắt đá, máy đục, máy mài …để phục vụ công việc.
Khi công việc đã ổn định, anh mở rộng xưởng và thuê thêm thợ. Xưởng chế tác đá mỹ nghệ Thao Hải được đặt ở vị trí có nhiều người qua lại. Không yêu cầu bằng cấp, chỉ cần có sức khỏe, có khả năng chế tác và yêu nghề là những yếu tố anh đặt ra khi tuyển người.
Các loại đá được anh tập kết về đây rồi thuê thêm một số thợ về chế tác. Các sản phẩm về đá như: Tượng tâm linh, tượng trang trí sân vườn, đá đỡ cột nhà, ốp lát công trình… đều được anh nghiên cứu và sản xuất cho hợp với nhu cầu của thị trường. Được đào tạo bài bản từ thời đại học cộng thêm kinh nghiệm và năng khiếu về điêu khắc, nên các mẫu tượng đá anh Thao thiết kế đều rất sinh động, có hồn và được nhiều khách hàng ưa thích.
Dưới bàn tay tài hoa và điêu luyện của anh Thao, những khối đá đã trở thành chú sư tử oai phong.
Nhờ đa dạng mẫu mã, phục vụ khách hàng tốt, lại có mức giá cạnh tranh nên sản phẩm đá điêu khắc của anh ngày càng được nhiều người biết tới. Từ một xưởng nhỏ với 2 công nhân, đến nay xưởng của anh đang tạo công ăn việc làm cho 13 người với sản lượng đá nguyên liệu khoảng gần 200 khối, chủ yếu cung cấp sản phẩm cho các khách hàng trong tỉnh Nghệ An và một số vùng lân cận như Hà Tĩnh, Thanh Hóa…
Những bức tượng tâm linh được anh chế tác rất có hồn.
Những tấm bia mộ bằng đá được chạm khắc cẩn thận và cực kì tinh xảo.
Sản phẩm của anh được khách hàng sử dụng trang trí sân vườn. Những bức tượng đá trắng phau nổi bật giữa khung cảnh yên bình trở thành điểm nhấn cho ngôi nhà.
Mỗi năm, sau khi trừ hết chi phí, anh Thao nhẩm tính tiền lãi khoảng 500 triệu đồng. Công việc này không chỉ mang lại thu nhập ổn đinh, giúp gia đình anh có của ăn của để mà còn đem lại niềm vui cho anh khi được thỏa thích sáng tạo trên những tấm đá khổng lồ.
"Không phải ai cũng theo đuổi được cái nghề này vì nó thực sự rất vất vả. Những tảng đá vừa nặng vừa bụi bẩn, khi chế tác bụi đá bám đầy người rất khó chịu. Chỉ những ai có sức khỏe và đam mê, yêu thích điêu khắc thì mới gắn bó với công việc này." Anh Thao tâmm sự thêm.
Theo Bạch Dương - Tuệ Linh/Danviet.vn