Bình Dương: Khoảng 150.000 lao động mất việc nếu dịch Covid-19 lan rộng
(Dân trí) - Vừa qua, khi dịch Covid-19 được kiềm chế, nhiều doanh nghiệp đã tuyển dụng trở lại với số lượng hơn 5.000 lao động. Tuy vậy, dịch Covid-19 xuất hiện trở lại khiến nhiều doanh nghiệp có thể gặp khó.
Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương, tháng 6 - 7/2020, nhiều doanh nghiệp đã tuyển dụng lao động trở lại, đặc biệt là các lĩnh vực giày da, may mặc, đồ gỗ đã tuyển dụng số lượng lao động lớn (trên 50 lao động).
Đây là tín hiệu tốt cho người lao động và doanh nghiệp tại địa phương.
Từ ngày 1 - 31/7/2020, tỉnh có 319 doanh nghiệp cần tuyển lao động tại 614 vị trí, với số lượng 5.743 người, tăng 10% so với tháng 6/2020. Yêu cầu chủ yếu là lao động phổ thông ở các ngành may mặc, gỗ nội thất, gốm sứ... Một số ít các vị trí khác đăng tuyển dụng như kỹ thuật điện, cơ khí, quản lý sản xuất, nhân viên văn phòng, sale.
Cũng trong tháng 7/2020, tỉ lệ lao động nghỉ việc nộp hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp giảm khoảng 30%: Hơn 11.000 lao động làm hồ sơ trợ cấp thất nghiệp (bằng 72,3% so với tháng 6/2020 (15.900 người) và bằng 67,9% so với tháng 5/2020 (16.900 người).
Trước tình hình dịch Covid-19 bùng phát trở lại, đại diện Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương cho biết tình hình lao động việc làm các tháng cuối năm 2020 có thể diễn ra theo 2 kịch bản sau:
Thứ nhất, trường hợp dịch Covid -19 diễn biến theo chiều hướng tích cực tác động đến tăng trưởng kinh tế - xã hội, việc kiểm soát tốt dịch tễ, tình hình doanh nghiệp khởi sắc trong những tháng cuối năm 2020.
Đây cũng là thời điểm gia tăng hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại phục vụ các dịp lễ, Tết, nhiều việc làm ngắn hạn, tạm thời thu hút lao động, điều này giúp hạn chế tình trạng lao động ngừng việc, mất việc.
Thứ hai, trường hợp dịch Covid -19 diễn biến theo chiều hướng tiêu cực tác động đến tăng trưởng kinh tế - xã hội. Các doanh nghiệp hoạt động trong một số ngành sẽ gặp nhiều khó khăn như: Khu vực dịch vụ (ngành lưu trú, ăn uống, du lịch, vận tải…); Khu vực công nghiệp – xây dựng (ngành dệt may, giày da, sản xuất trang phục, chế biến gỗ, chế biến thực phẩm, xây dựng…).
Dự kiến, khoảng 130.000 -150.000 lao động bị ảnh hưởng phải ngừng việc, nghỉ việc.