Bình Dương: Hơn 20.000 công nhân nhận trợ cấp thất nghiệp sau dịch Covid-19
(Dân trí) - Nhiều công ty tại Bình Dương phải thu hẹp sản xuất, ngưng sản xuất do không có đơn hàng mới, thiếu nguyên liệu sản xuất. Điều này khiến số công nhân phải ngừng việc sau dịch Covid-19 tăng lên.
Theo lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh Bình Dương, tháng 4/2020, hơn 6.000 người lao động đã đến nhận nộp hồ sơ trợ cấp thất nghiệp (TCTN).
Tính riêng quý 1/2020, Bình Dương có hơn 20.000 người đến nộp hồ sơ TCNT do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh.
Tới thời điểm này, tổng số lượng người tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại tỉnh này là khoảng hơn 902.000 người, hơn 12.000 doanh nghiệp tham gia.
Số tiền chi trả TCTN đợt này là 1,3 tỷ đồng, gồm: Khoảng 2.500 người ở địa phương khác nộp hồ sơ đề nghị hưởng và hơn 1.000 hồ sơ không đủ điều kiện. Trong khi đó, số người tạm dừng trợ cấp thất nghiệp là 1.400 người.
Nguyên nhân người lao động thất nghiệp chủ yếu do doanh nghiệp giải thể hoặc hết hạn hợp đồng lao động. Số lượng lao động bị sa thải khoảng 100 người và khoảng 200 người đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Chị Lê Thị Thơm - nhân viên hành chính tại Bình Dương - cho biết, công ty nơi chị làm rất khó khăn trong mùa dịch vừa qua. Hầu hết các đơn hàng của công ty đều bị ngưng trệ do các thị trường xuất, nhập khẩu bị đóng băng.
Chính vì thế nên mức lương đã bị giảm sút mạnh. Do chị còn đang chăm sóc con nhỏ nên chị xin nghỉ việc và chờ tìm công việc mới.
"Tôi đến nhận trợ cấp thất nghiệp, thủ tục ở đây cũng nhanh và không có khó khăn gì. Giờ gia đình cũng đang rất khó khăn nên tôi mong muốn nhận được trợ cấp thất nghiệp trong khoảng 30 ngày", chị Thơm cho hay.
Chị Nguyễn Thị Thanh Thùy - một lao động đăng ký thủ tục bảo hiểm thất nghiệp - cho biết, phải nghỉ làm do hết hợp đồng lao động. Do công ty khó khăn, chị không được gia hạn hợp đồng nên đến làm thủ tục nhận TCTN.
Mấy tháng qua, công việc ít nên lương của chị cũng giảm 50% khiến đời sống thực sự chật vật.
Chị Thùy tâm sự: "Tiền ăn, tiền nhà trọ, tiền sinh hoạt... đủ thứ tiền hết nhưng lương lại bị giảm. Khó khăn lắm, em mong sớm nhận được tiền hỗ trợ để trang trải cuộc sống. Nhận sớm ngày nào công nhân khỏe ngày đó".
Theo ông Phạm Văn Tuyên - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương, người nhận TCTN những tháng qua tăng khoảng 40% so với cùng kỳ. Hàng loạt doanh nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất nên số lượng người thất nghiệp tăng cao.
Để hỗ trợ người lao động mất việc, Sở và Trung tâm Dịch vụ - Việc làm đã sớm triển khai các biện pháp tích cực, như xử lý hồ sơ online, nộp hồ sơ qua bưu điện.
Trong thời gian giãn cách xã hội, việc nộp hồ sơ qua bưu điện đã phát huy hiệu quả tốt. Sau thời gian cách ly, Sở cũng đã khẩn trương triển khai công tác chi trả cho người lao động.
Tuy nhiên, theo ông Tuyên, việc chi trả TCTN tại Bình Dương gặp khó khăn do một số trường hợp nhận trợ cấp nhưng vẫn đi làm tại một địa điểm khác.
"Nhiều tình trạng vừa hưởng bảo hiểm thất nghiệp vừa tham gia bảo hiểm xã hội. Khi phát hiện thì việc thu hồi rất khó khăn. Thời gian qua, Sở cần thu hồi khoảng 9 tỷ tiền hưởng trợ cấp sai của người lao động nhưng đến nay cũng rất bất cập", ông Tuyên nhấn mạnh.
Cũng theo ông Tuyên, hiện chưa có chế tài nghiêm khắc đối với những đối tượng vừa hưởng TCTN vừa đi làm ở nơi khác nên tình trạng này càng ngày càng nhiều.
"Trung tâm DVVL phải cho người tới nơi người lao động đang làm việc, sau đó nhờ doanh nghiệp khuyên họ trả lại tiền TCTN. Sắp tới, kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH có hướng dẫn cụ thể để người lao động có trách nhiệm hơn trong việc hưởng TCTN", ông Tuyên đề xuất.
Xây dựng kịch bản ứng phó cho thị trường lao động
Theo Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), trong 5 tháng đầu năm 2020, cả nước có trên 430.000 người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2019). Trong tháng 5, gần 160.000 người nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, tăng 55% tháng so với tháng 4/2020 và tăng 45% so với cùng kỳ 2019.
Trên cơ sở đó, Cục Việc làm dự kiến có 3 kịch bản dự báo thị trường lao động. Kịch bản một, nếu tình hình dịch tễ thế giới diễn biến tích cực, số doanh nghiệp bị ảnh hưởng sẽ khoảng 70-75%, và từ 3-3,5 triệu lao động phải ngừng việc.
Nếu tình hình dịch bệnh trên thế giới chỉ đi ngang (không xấu, không tốt), mỗi tháng sẽ có 80.000-90.000 lao động mất việc, khoảng 80% doanh nghiệp bị ảnh hưởng và sẽ có 5-5,6 triệu lao động bị ngừng việc.
Trường hợp xấu nhất, Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Số mất việc hằng tháng khoảng 90.000-100.000 người, 90% doanh nghiệp bị ảnh hưởng và số lao động bị ngừng việc lên tới 6-7,2 triệu người.
Xuân Hinh