Quảng Nam:
Người lao động khốn đốn vì bị bệnh viện nợ lương, nợ BHXH
(Dân trí) - Hàng chục y bác sĩ, người lao động Bệnh viện Đa khoa Bình An (đóng tại huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) bị nợ lương, nợ BHXH gần một năm nay.
Theo đơn thư phản ánh của hàng chục cán bộ, y bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Bình An, từ tháng 4/2022, bệnh viện thông báo chỉ trả lương 70%, nợ lại lương 30% của tất cả người lao động.
Đến tháng 6/2022, người lao động tại bệnh viện này vẫn không nhận được 30% lương tháng 4 và lương của tháng 5 và tháng 6.
Đến tháng 7/2022, sau khi bệnh viện nhận được quỹ BHXH, mới giải quyết nợ lương cho người lao động. Từ tháng 7/2022 đến nay, bệnh viện tiếp tục nợ lương, không trả lương đúng hẹn như trong hợp đồng lao động.
"Chúng tôi lên phòng kế toán để tạm ứng lương, nợ thì luôn nhận được câu trả lời là "không có tiền" và bị đuổi về", người lao động của Bệnh viện Bình An phản ánh.
Theo người lao động tại bệnh viện, hiện tại họ vẫn chưa nhận được lương tháng 10/2022, các tháng 1, 2, 4 và tháng 5/2023, trong khi bệnh viện vẫn đang hoạt động.
Ngoài ra, người lao động của bệnh viện cho biết từ tháng 10/2022, họ không được đóng BHXH; một số nhân viên xin nghỉ việc, nghỉ thai sản, nghỉ ốm đều không nhận được tiền hỗ trợ của BHXH.
Có người lao động nghỉ việc, chuyển sang bệnh viện khác phải vay mượn tiền để đưa cho Bệnh viện Bình An đóng BHXH giúp với mong muốn duy trì BHXH liên tục để về già nhận hưu trí.
Ngoài ra, có trường hợp cả hai vợ chồng làm cùng trong bệnh viện, cùng bị nợ lương, cuộc sống gia đình lâm vào cảnh hết sức khó khăn, không được đảm bảo cuộc sống nên không có tinh thần làm việc.
Người lao động cho rằng lãnh đạo bệnh viện không tôn trọng người lao động. Bệnh viện không có lời nào giải thích, không có ngày hẹn trả lương…
Về những kiến nghị của người lao động tại Bệnh viện Bình An, ông Võ Văn Chính - Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn của Bệnh viện Bình An - cho biết người lao động của bệnh viện bị nợ lương, BHXH là đúng. Chính ông cũng bị nợ lương tháng 1, 2 và tháng 4/2023.
Theo ông Chính, Bệnh viện Bình An có 200 giường bệnh, hơn 190 cán bộ, trong đó có khoảng 40 người là bác sĩ. Lúc cao điểm, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận hơn 500 người đến khám, chữa bệnh…
Sau dịch Covid-19, số lượng người bệnh đến khám giảm nhiều, chỉ còn khoảng trên dưới 100 bệnh nhân, hiện chỉ có vài chục bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện.
Do nguồn thu ít nên bệnh viện cũng không có kinh phí để trả cho cán bộ, người lao động nên họ bị nợ lương, BHXH.
Cũng theo ông Chính, ông được biết hiện nay chủ đầu tư của bệnh viện đang tìm nhà đầu tư mới có đủ tiềm lực để vực dậy bệnh viện, có tiền trả lương cho nhân viên.
Về việc nợ BHXH của Bệnh viện Bình An, theo BHXH tỉnh Quảng Nam, tính đến tháng 4/2023, số tiền chậm đóng của đơn vị là hơn 2,57 tỷ đồng. Hiện nay, BHXH tỉnh Quảng Nam đã khóa thẻ BHYT của người lao động bệnh viện do đơn vị nợ.