Bí mật tuyển dụng của các doanh nhân thành công
Hãng CNBC mới đây đã thực hiện buổi phỏng vấn với các nhà sáng lập, CEO về việc làm thế nào họ phát hiện ra nhân tài chỉ trong một (hoặc vài lần) gặp gỡ. Dưới đây là 8 bí mật tuyển dụng được tiết lộ bởi các doanh nhân thành công:
1. Cho một tuần thử việc
Theo Rusenko - Nhà đồng sáng lập, CEO Webbly, một tuần thử việc vẫn đủ thời gian đánh giá khả năng làm việc của ứng viên. "Bạn bước vào công ty, cũng là lúc bước vào guồng quay thực sự trong công việc. Đây là cơ hội để bạn chứng tỏ bản thân và khả năng làm việc trước mặt đồng nghiệp tương lai", ông nói.
Rusenko cho biết, tại Webbly, ứng viên vẫn được trả tiền lương thử việc và "đây cũng là cơ hội giúp ứng viên cảm nhận không khí làm việc thực sự sau này".
2. Tuyển người giỏi hơn mình
Nhà sáng lập FUBU Daymond John muốn xây dựng một đội ngũ gồm những người ông cho rằng họ thông minh hơn mình trong nhiều lĩnh vực. "Đôi khi người cố vấn của bạn có thể chỉ là một chàng trai trẻ 20 tuổi nhưng cậu ấy lại am hiểu mọi thứ về truyền thông xã hội hơn bất kỳ nhân viên tài năng nào khác mà bạn biết", John nói.
Ngoài ra, nhà đầu tư nổi tiếng trong chương trình truyền hình thực tế Shark Tank còn cho biết, cách làm trên còn tạo cảm giác thoải mái cho nhân viên, giúp họ tự do phát triển năng lực chuyên môn, khả năng tư duy cùng nhiều kỹ năng khác.
3. Đưa ra những tình huống "khó nhằn"
Hồ sơ xin việc là công cụ đắc lực giúp nhà tuyển dụng biết ứng viên là ai. Tuy nhiên, để hiểu được họ vốn là chuyện không dễ.
Liz Wessel - Nhà đồng sáng lập, CEO WayUp chọn cách đặt ứng viên vào những tình huống "khó nhằn" và xem cách họ xử lý chúng. Theo bà, việc này giúp họ bộc lộ bản thân rõ hơn và giúp nhà tuyển dụng quan sát khả năng giữ bình tĩnh của nhân viên tương lai.
"Tôi dùng cách này không phải vì vui thích hay muốn gây khó dễ với họ. Tôi cần thấy được khả năng giữ bình tình của nhân viên mình trước những tình huống không mong đợi xảy ra và cách họ giải quyết chúng. Trong thế giới startup thực, không phải mọi thứ đều diễn ra như mong đợi", cô nói.
Wessel đã từng thử chê bài một vài sản phẩm do ứng viên thiết kế, đưa ra những bình luận khó nghe hay hỏi thẳng về lý do bất đồng giữa họ và đồng nghiệp cũ. Cô cho biết, từ cách họ phản ứng, cô sẽ phần nào nhìn thấy được suy nghĩ thật sự của họ. "Ứng biến linh hoạt là một kỹ năng cực kỳ quan trọng, đặc biệt nếu bạn làm việc trong môi trường có nhịp độ làm việc nhanh như startup. Mọi thứ luôn biến động không ngừng", Wessel nhận định.
Những người thành công thường thích ứng rất nhanh trong nhiều trường hợp.
4. Để nhân viên tự lắp bàn ghê
Tính tháo vát là một trong những đức tính được nhiều công ty đánh giá cao. Nhà đồng sáng lập, CEO OfferUp Nick Huzar có cách kiểm tra khá thú vị khi ông để nhân viên tự thiết kế, lắp bàn, ghế ngay trong ngày đầu tiên làm việc.
"Chúng tôi muốn nhân viên của mình là người không ngại xắn tay áo lên và làm việc một cách chăm chỉ", Huzar chia sẻ.
5. Quyết định từ ấn tượng đầu tiên
"Một trong những đặc tính tôi luôn tìm kiếm khi tuyển dụng ứng viên là phong thái tự tin của họ. Tôi muốn chọn người có thể gây ấn tượng với tôi ngay từ phút gặp gỡ đầu tiên", nhà đồng sáng lập, trưởng nhóm sản phẩm SevenRooms, Allison Page, tiết lộ với CNBC.
Cô cho biết, có những nhân viên lúc đầu đến phỏng vấn cho một vị trí khác nhưng sau đó lại được chọn làm việc cho một công việc hoàn toàn mới "vì chúng tôi tin rằng họ có thể giúp công ty tạo ra sức ảnh hưởng", Page nói.
Điều quan trọng mà cô rút ra được là luôn tin vào phán đoán của mình. Việc có ai đó nói họ cần 6 tháng mới hoàn thành xong công việc hay họ không cho rằng kết quả sẽ sớm có trong nay mai, luôn là dấu hiệu cảnh báo đối với bộ phận tuyển dụng.
"Trong một công ty startup , việc nhân viên dự báo không sớm thu được kết quả sẽ giúp bạn biết được kế hoạch đó thành công hay thất bại. Chúng tôi học được rằng chỉ nên thuê người sẵn sàng lao vào công việc", cô nói.
6. CEO CoachUp: Liên tục hỏi một câu duy nhất
CEO CoachUp John Kelley lại có cách độc đáo khi tuyển dụng ứng viên , đó là liên tục hỏi họ một câu duy nhất. "Tôi đẩy họ vào tình huống trả lời những câu hỏi "Tại sao". Tại sao bạn lại chọn trường đại học đó, sao lại học ngành đó? Tại sao lại làm việc cho công ty đó hay chọn nguyên tắc sống như vậy? Tại sao bạn muốn nhảy việc?...", ông chia sẻ.
Ông nhận định cách làm này giúp bản thân có cái nhìn sâu sắc hơn về mục tiêu công việc và động lực cuộc sống của ứng viên. "Từ đó tôi sẽ biết được liệu CoachUp và họ có hợp tác được với nhau hay không", Kelley tiết lộ.
7. Chú ý ngôn ngữ cơ thế
Thông thường, mọi người sẽ nói bất cứ điều gì họ nghĩ bạn muốn nghe trong buổi phỏng vấn. Do đó bạn cần đưa những câu hỏi hàm ý, không hỏi họ một cách trực tiếp như họ đang mong đợi. Và từ cách họ phản ứng, bạn có thể nhìn thấy câu trả lời thực sự mà họ đưa ra thông qua ngôn ngữ cơ thể. Đó là cách làm được nhà sáng lập, chủ tịch Treeline Treenut Cheese, Michael Schwarz áp dụng.
"Bạn phải đọc được ngôn ngữ cơ thế, lắng nghe điều họ thực sự nói và sử dụng trực giác của mình để phán đoán. Khi câu chuyện của họ nghe có vẻ không đúng, hay ngôn ngữ cơ thể của họ không khớp với hàm ý câu trả lời, hãy bỏ qua và tiếp tục với những ứng viên khác", ông thẳng thắn nói.
8. Chọn người khiêm tốn
Nhà đồng sáng lập Noosa Yoghurt, Koel Thomae, chia sẻ, bạn hoàn toàn có thể tuyển người giỏi hơn mình, nhưng ít ra họ cũng nên biết cách tỏ ra khiêm tốn .
"Đây là điều cực kỳ quan trọng trong môi trường kinh doanh. Bạn sẽ cần những nhân viên thực sự làm việc, kể cả đó có thể là những công việc đơn giản họ từng làm lúc mới chập chững vào nghề trong khi vẫn là một chuyên gia trong lĩnh vực hiện tại và có thể giúp đỡ đồng nghiệp xung quanh", Thomae nói.
Theo Vân Thảo/Doanh nhân Sài gòn