Bị hành đủ kiểu nếu không... “tự nguyện tăng ca”

Mỗi năm Cty yêu cầu CN tăng ca từ 700 - 800 giờ, tháng nào ít CN cũng phải tăng ca từ 60 - 70 giờ, mỗi tháng CN chỉ được nghỉ 1 ngày chủ nhật, đau ốm xin nghỉ Cty không cho, CN không ký vào đơn “tự nguyện tăng ca” thì bị hành đủ kiểu… là thực trạng diễn ra ở nhiều Cty, khiến CN kiệt sức.

Công nhân Cty Cloth & People Vina ngừng việc tập thể đòi Cty giảm thời gian tăng ca.
Công nhân Cty Cloth & People Vina ngừng việc tập thể đòi Cty giảm thời gian tăng ca.
Chỉ ước một ngày… không tăng ca

Đây là mong muốn của gần 400 CN Cty TNHH Cloth & People Vina (KCN Tân Tạo, TPHCM), nhưng vẫn không được ban giám đốc chấp thuận. CN trình bày, nhiều tháng nay, lịch tăng ca kín suốt cả tuần. Mỗi ngày CN phải làm việc từ 7h30 - 16h30, sau đó tăng ca đến 20h30, riêng chủ nhật vẫn phải đi làm nhưng được về lúc 16h30.

Bảng lương của CN thể hiện bình quân mỗi tháng, họ phải tăng ca hơn 70 giờ. Vào đợt cao điểm như tháng 12.2014, CN phải tăng ca hơn 90 giờ/tháng, gấp 3 lần so với quy định.

“Chúng tôi nhiều lần đề nghị với Cty, thứ bảy phải cho CN về từ lúc 16h30. Chủ nhật ai còn sức thì đi làm, nhưng Cty vẫn không đồng ý” - chị B - CN Cty - trình bày.

Tương tự, anh T - CN Cty A.W (KCX Tân Thuận, TPHCM) - cho biết, từ lúc anh vào Cty đến nay đã gần 1 năm, nhưng chưa ngày nào anh được về nhà trước 19h. Sớm thì 20h, trễ phải đến gần 22h mới về đến nhà, thậm chí chủ nhật vẫn phải đi làm.

“Cứ quần quật cắm mặt vào máy móc nhà xưởng, không biết đến cuộc sống xung quanh thế nào. Có người xỉu lên xỉu xuống. CN chỉ muốn có một ngày không tăng ca để được ăn bữa tối đàng hoàng, đi ra ngoài chơi cho khuây khỏa cũng không được” - anh T kể.

Tự nguyện hay ép buộc?
Nhiều CN không chịu nổi nên đình công, gửi đơn khiếu nại thì bị Cty hành đủ kiểu.

“Cuối tháng 12.2014, tôi bị sốt. Tôi đi khám ở Phòng khám Đa khoa Vạn Phước (Q.Bình Tân), bác sĩ cấp giấy cho tôi nghỉ bệnh 2 ngày nhưng Cty không chấp nhận, cho rằng tôi ốm giả, buộc tôi phải ký vào “đơn tự nguyện tăng ca” và tăng ca đến 21h mới về. Chịu hết nổi, tôi phải xin giấy nghỉ ốm của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Cty mới chấp thuận” - chị H - CN Cty Cloth & People Vina - trình bày.

Trước khi vào tăng ca, Cty yêu cầu CN ký vào “Đơn tự nguyện tăng ca”, đây là “bùa” mà Cty đưa ra khi bị cơ quan chức năng kiểm tra.
“Nói tự nguyện nhưng mình không tự nguyện là bị hành tới bến luôn” - anh H - CN Cty K.W (KCN Tân Bình) - nói. Ở Cty anh, CN không tăng ca sẽ bị mất cả ngày công hôm đó.

Cty này cấp cho CN 2 thẻ chấm công. Một thẻ nhựa do CN giữ, dùng để ra vào cổng và chấm công trong giờ hành chính để đối phó với cơ quan chức năng. Còn một thẻ (bằng giấy) được Cty giữ để chấm công tăng ca và làm căn cứ để tính lương. Đáng nói là thẻ giấy Cty chỉ đưa ra khi hết giờ tăng ca nên CN nào không tăng ca hoặc về giữa chừng thì không có cách nào bấm thẻ được.

“Có lần tôi mệt quá nên sau khi ký vào “Đơn tự nguyện tăng ca”, tôi vẫn xin ra về thì ngay lập tức hôm sau tôi bị tổ trưởng, phòng nhân sự, giám đốc yêu cầu viết bản kiểm điểm về việc bỏ về khi đã tự nguyện tăng ca. Sau đó Cty cắt luôn tăng ca của tôi để “dằn mặt” những CN khác vì tội “chống lệnh tăng ca” - anh P - CN Cty S.K, quận Thủ Đức - bức xúc.

Tại khoản 4, Điều 14, chương II của Nghị định 95/2013/NĐ-CP quy định rõ, phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với NSDLĐ huy động NLĐ làm thêm giờ vượt quá số giờ quy định tại điểm b khoản 2 Điều 106 của Bộ luật LĐ hoặc quá 12 giờ trong 1 ngày khi làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết và ngày nghỉ hằng tuần. Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động từ 1 tháng đến 3 tháng đối với NSDLĐ có hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 điều này” - LS Hồ Nguyên Lễ (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết.




Theo Lê Tuyết/Báo Lao Động