1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Quảng Nam:

Bắt con "nhỏ mà có võ", ngư dân thu tiền đều tay mỗi ngày

Ngô Linh

(Dân trí) - Với hàm lượng dinh dưỡng cao, lượng protein, canxi dồi dào, ruốc biển được mệnh danh loài "nhỏ mà có võ". Những ngày này, ruốc vào mùa, ngư dân Quảng Nam lại tất bật khai thác "lộc biển".

Gần nửa tháng nay, khi thời tiết thuận lợi, ít sóng, ngư dân vùng ven biển xã Duy Hải, Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam lại tất bật chèo thuyền thúng đi thu hoạch ruốc biển.

Bắt con nhỏ mà có võ, ngư dân thu tiền đều tay mỗi ngày - 1

Để chuyển ruốc vào bờ, ngư dân thường sử dụng thuyền thúng, vì gần bờ sóng mạnh và nước nông hơn.

Mùa ruốc thường chỉ kéo dài chừng 2 tháng. Nhiều ngư dân cho biết, năm nay, các luồng ruốc xuất hiện ít hơn mọi năm, sản lượng không cao, nhưng nhờ "lộc biển" này, làng chài cũng có thêm thu nhập mỗi ngày.

Bắt con nhỏ mà có võ, ngư dân thu tiền đều tay mỗi ngày - 2

Vào mùa ruốc biển, ngư dân tranh thủ giong thuyền đi gom "lộc biển".

Đang tất bật khuân ruốc vào bờ, ông Nguyễn Văn Chín (46 tuổi, xã Duy Hải) cho hay, ruốc biển xuất hiện từ đầu tháng 2 âm lịch. Mỗi ngày, ông cùng con trai thả lưới mành dọc bờ biển khoảng một hải lý để đánh bắt, từ 5h sáng đến 12h trưa thì xong việc.

Giá ruốc không cao, cụ thể, ruốc tươi từ 15.000 - 20.000 đồng/kg, ruốc khô có giá từ 50.000 - 80.000 đồng/kg tùy loại lớn nhỏ. Mỗi chuyến đánh bắt, trung bình gia đình ông thu về gần một tạ ruốc nhưng không phải ngày nào cũng có.

Bắt con nhỏ mà có võ, ngư dân thu tiền đều tay mỗi ngày - 3

Đàn ông phụ trách đánh bắt, phụ nữ sẽ làm công đoạn hậu cần, đưa ruốc vào bờ để bán hoặc phơi khô.

"Sản lượng năm nay giảm hơn một nửa so với mọi năm, nhưng đây là "lộc trời" cho nên ai cũng phấn khởi đánh bắt. Giá bán thấp, mà xăng dầu tăng cao nên ngư dân gặp nhiều khó khăn, lời lãi không nhiều. Chúng tôi chủ yếu mang ruốc về phơi khô để được giá hơn, dù mất công nhưng hiệu quả hơn bán tươi. Mà nghe nói ruốc khô thì giàu canxi hơn", ông Chín nói.

Ngư dân Quảng Nam vào mùa ruốc biển

Công việc đánh bắt ruốc thường dành cho cánh đàn ông "sức dài vai rộng", phụ nữ miền biển lại tất bật với phần hậu cần.

Đang đứng chờ chồng đưa ruốc vào bờ, bà Lê Thị Hồng (56 tuổi) nói với giọng đầy hào hứng: "Cứ có ruốc là chồng tôi lại gọi điện báo để ra chờ sẵn, đi chung với hàng xóm nên lượng ruốc gom được sẽ chia đều. Ngày nhiều nhất được chừng 2 tạ, ít hơn thì khoảng 50 ký. Sản lượng ruốc năm nay không cao bằng mọi năm, giá bán thấp mà xăng dầu tăng cao nên chúng tôi chủ yếu đưa vào phơi khô thôi".

Bắt con nhỏ mà có võ, ngư dân thu tiền đều tay mỗi ngày - 4

Sản lượng ruốc không bằng mọi năm, giá cũng thấp trong khi giá xăng dầu tăng cao nên ngư dân lời lãi không nhiều.

Để đánh bắt ruốc, ngư dân thường sử dụng thuyền nan tre di chuyển, dùng 2 cây gỗ cột lưới mắt nhỏ tạo thành một chiếc vợt hình tam giác lớn để xúc ruốc. Thuyền sẽ chạy cách bờ chừng một hải lý, khi nào thấy luồng ruốc kéo dày đặc thì hạ vợt xuống xúc và đổ lên thuyền. Lúc cảm thấy ruốc đã đầy, ngư dân chuyển từng sọt ruốc sang thuyền thúng đưa vào bờ, vì sóng trong bờ khá mạnh, nước nông hơn nên chỉ thuyền thúng mới dễ di chuyển.

Ruốc biển được thị trường ưa chuộng. Vào mùa ruốc, thương lái từ khắp nơi lại đổ về các vùng ven biển thu mua. Ruốc rất tốt cho trẻ em, đặc biệt thai nhi còn nằm trong bụng mẹ bởi lượng protein rất cao, dễ hấp thụ. Ngoài ra, protein trong ruốc còn giúp cải thiện dinh dưỡng trong cơ thể.

Ruốc cũng có hàm lượng canxi dồi dào, nhiều chất sắt nên có thể ngăn ngừa, khắc phục bệnh thiếu máu.

Bắt con nhỏ mà có võ, ngư dân thu tiền đều tay mỗi ngày - 5

Ruốc giàu chất dinh dưỡng được mệnh danh "nhỏ mà có võ", thị trường rất ưa chuộng.

Bắt con nhỏ mà có võ, ngư dân thu tiền đều tay mỗi ngày - 6

Nhộn nhịp những chuyến xe vùng ven biển khi ruốc vào mùa.