1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Bartender Sài Gòn múa chai

Họ tung hứng như các diễn viên xiếc với chai, ly, dụng cụ pha trộn (shaker)… một, hai, ba, rồi bốn chai. Khó hơn xiếc vì đây là “tung hứng ngược”, khi bắt chai rượu lúc nào đầu chai cũng phải ngược lên để tránh đổ rượu ra ngoài.

Khi nghe đề cập đến chàng diễn viên Tom Cruise với vai diễn một bartender (người pha chế rượu) trong bộ phim Cocktail, ông Võ Tấn Sĩ, Phó chủ nhiệm CLB bartender TPHCM, không giấu vẻ xem thường: “Ồ, bộ phim đó quá xưa rồi, bây giờ các bartender giỏi gấp bao nhiêu lần Tom Cruise thời đó”. Các kỹ năng biểu diễn đã nâng lên thành giáo trình và trở thành một phần không thể thiếu của một bartender chuyên nghiệp.

Làm xiếc với… chai

Tại lễ hội đường phố đầu năm tại khu Tây ba lô, các bartender của các khách sạn lớn ở TPHCM tung hứng như các diễn viên xiếc với những “công cụ lao động” của mình, những chai, ly, dụng cụ pha trộn (shaker)… một, hai, ba, rồi bốn chai. Những “cao thủ” trong làng như Nguyễn Văn Hào của khách sạn Rex, Nguyễn Hoàng Đức của khách sạn Continental… đều có khả năng “múa” với ngần ấy chai rượu. Khó hơn xiếc vì đây là “tung hứng ngược”, khi bắt chai rượu lúc nào đầu chai cũng phải ngược lên để tránh đổ rượu ra ngoài. Bartender Bùi Viết Chỉnh, khách sạn Caravelle, chẳng những có khả năng tung hứng bốn chai rượu mà còn đặt thêm một chai trên đầu, vừa tung hứng vừa phải giữ cho thăng bằng.

Không chỉ có cánh mày râu, một số bartender nữ đang dần tiếp cận với trình độ của bartender nam. Dương Thị Thanh Tâm, khách sạn Majestic hay Lê Thị Minh Tâm của bar Seventeen đều có khả năng tung hứng với ba chai rượu.

Khổ luyện

Theo nghề pha chế rượu được ba năm, nhưng mãi một năm gần đây, Minh Tâm mới học qua phần biểu diễn (showmanship). Cô bartender làm việc ở quầy bar sôi động thuộc khu Tây ba lô này thường ấm ức vì “nhiều người khách hay cắc cớ kêu mình biểu diễn cho họ xem rồi mới uống”.

Giai đoạn đầu là một khổ hình, vì các chai cứ va đập vào các cánh tay, ngón tay, làm các ngón tay bị sưng lên “như những cây xúc xích”. Đau nhất là khi ngón tay bị cảnh “trên đe dưới búa”, vừa định tung chai lên thì bị chai đã tung rơi dập xuống. Phải mất đến cả hai ba tháng trời bóp thuốc mới có thể tập lại.

Ngay cả cánh nam cũng có người phải bỏ ngang không tiếp tục luyện tập để vượt qua giai đoạn này. Bartender Bùi Viết Chỉnh tâm sự: “Giờ thì đã tương đối dễ cho những bạn mới vào nghề, vì có được kinh nghiệm của những người đi trước truyền lại, chứ lúc trước bọn tôi phải mày mò học hỏi từ các băng đĩa hay ra nước ngoài để học”.

Đã “ra trường” từ lâu, nhưng các bartender thường quay lại lớp học của mình để tập luyện kỹ năng biểu diễn. Chỉnh nói: “Hầu như anh em phải tập luyện hằng ngày, nếu bỏ là xuống tay ngay”. Nhiều bartender cứ kè kè bên mình túi xách bên trong đựng đầy các… vỏ chai.

Chỉnh có tham dự cuộc thi Bartender châu Á - Thái Bình Dương tổ chức tại Singapore vào tháng 7/2007. Anh cho biết, trình độ pha chế của bartender Việt Nam không thua gì các đồng nghiệp các nước trong khu vực, nếu thua là chỉ thua về phần biểu diễn. “Họ đã đạt đến trình độ tung hứng với sáu chai rượu. Một phần là cũng vì thể chất, thể hình, bàn tay của họ to hơn hẳn mình”, Chỉnh giải thích.

Đắt “sô”

Nhóm các bartender biểu diễn hầu như không có ngày nghỉ trong dịp lễ tết này. Họ có mặt ở hầu hết lễ hội lớn của TPHCM như lễ hội ẩm thực các nước, lễ hội đường phố mừng năm mới và sắp tới là lễ hội mừng xuân tại đường hoa Nguyễn Huệ. Không chỉ có thế, họ còn được rất nhiều khách sạn, resort của các trung tâm du lịch thuộc miền Trung, miền Bắc mời biểu diễn.

Ông Võ Tấn Sĩ, thày dạy của nhiều bartender, nhận định: “Du lịch phát triển nên nhu cầu về các bartender rất lớn. Đó cũng là một kênh để quảng bá thương hiệu cho du lịch rất hữu hiệu”. Đã có những bartender Việt Nam đi làm ở Macau, Singapore hay trên những tàu du lịch năm sao nước ngoài.

Một ly cocktail có thể đóng vai trò làm một “đại sứ” du lịch nhỏ bé như những Blue Hawaiian, Casablanca, Tequila Sunrise, Canadian Cock, Singapore Sling, Kamikazé… đã làm. Sự “huyền bí” ẩn chứa trong hương vị, màu sắc, câu chuyện và nghi thức pha chế của những ly cocktail rất có sức hấp dẫn du khách.

Chính vì vậy, những bartender giỏi trong nước thường nuôi dưỡng ước mơ có ngày sẽ pha chế được những loại cocktail mang thương hiệu Việt Nam bay xa. Tại cuộc thi châu Á - Thái Bình Dương 2007, hai bartender đại diện cho Việt Nam là Bùi Viết Chỉnh và Dương Thị Thanh Tâm đã dự thi hai “tác phẩm”, các ly cocktail có tên Hello Vietnam và Miss Saigon.

Theo Đoàn Đạt
Sài Gòn Tiếp Thị