Bảo vệ công nhân, cán bộ công đoàn bị "ép" nghỉ việc
(Dân trí) - Công đoàn địa phương đề nghị nghiên cứu bảo vệ cán bộ công đoàn tốt hơn khi sửa Luật Công đoàn. Bởi khi đấu tranh cho quyền lợi người lao động, cán bộ công đoàn cũng bị doanh nghiệp tìm cách sa thải.
Chiều 13/4, tại TPHCM, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức hội thảo góp ý về hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Công đoàn (sửa đổi) với sự tham gia của hơn 50 cán bộ công đoàn các tỉnh thành phía Nam và Công đoàn cao su Việt Nam.
Phát biểu tại hội thảo, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, đánh giá Luật Công đoàn đã tạo hàng lang pháp lý để thúc đẩy hoạt động Công đoàn Việt Nam trong những năm qua. Tuy nhiên, sau 10 năm thực hiện, Luật Công đoàn 2012 đã xuất hiện một số hạn chế, bất cập, khó đáp ứng được hoạt động của tổ chức công đoàn trong thời kỳ mới, đặt ra yêu cầu phải sửa đổi toàn diện Luật Công đoàn.
Do đó, ông Ngọ Duy Hiểu đề nghị các đại biểu căn cứ từ thực tiễn hoạt động tại cơ sở gặp những vướng mắc, khó khăn gì thì góp ý, điều chỉnh các điều khoản quy định trong Luật Công đoàn cho phù hợp với tình hình mới, đảm bảo cho hoạt động công đoàn ngày càng vững mạnh hơn, gần gũi với người lao động hơn.
Tại hội nghị, ông Lê Đình Quảng, Phó Ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam, khái quát một số điểm cần nghiên cứu thảo luận, sửa đổi như mở rộng cho nhóm lao động phi chính thức tham gia công đoàn; hoàn thiện quy định về tổ chức bộ máy, cơ chế quản lý cán bộ và tăng cường vai trò của công đoàn; hoàn thiện cơ chế tài chính công đoàn…
Trong các nhóm vấn đề được thảo luận sửa đổi, đại diện công đoàn các địa phương nhấn mạnh vào các quy định bảo vệ quyền lợi cho cán bộ công đoàn các cấp, đặc biệt là cán bộ công đoàn cơ sở tại các đơn vị, doanh nghiệp.
Ông Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Pháp luật LĐLĐ tỉnh Đồng Nai, phản ánh về các trường hợp chủ doanh nghiệp o ép, tìm cách sa thải cán bộ công đoàn cơ sở khi họ bảo vệ quyền lợi người lao động.
Có trường hợp chủ doanh nghiệp điều chuyển cả 4 cán bộ công đoàn trong ban chấp hành công đoàn cơ sở sang làm công việc khác, mục đích là làm cho họ chán nản rồi tự xin nghỉ việc.
Có trường hợp chủ tịch công đoàn cơ sở công ty là trưởng phòng xuất nhập khẩu. Để đuổi việc chủ tịch công đoàn, công ty giải thể cả phòng xuất nhập khẩu rồi cho trưởng phòng nghỉ việc với lý do là không còn nhu cầu vị trí việc làm này. Để bảo vệ cán bộ công đoàn, LĐLĐ tỉnh Đồng Nai kiện ra tòa nhưng không thành công vì tòa phán quyết là doanh nghiệp không làm sai quy định pháp luật.
Điều đó cho thấy Luật Công đoàn dù có điều khoản bảo vệ cán bộ công đoàn (Điều 25) nhưng chưa chặt chẽ, còn nhiều kẽ hở để doanh nghiệp lợi dụng, chèn ép cán bộ công đoàn nhiệt tình công tác bảo vệ người lao động. Do đó, ông Hà đề nghị nghiên cứu sửa đổi Điều 25 Luật Công đoàn để bảo vệ cán bộ công đoàn tốt hơn.
Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Nho (Ban Chính sách - Pháp luật - Quan hệ lao động LĐLĐ tỉnh Tây Ninh) cho rằng, Điều 25 Luật Công đoàn có nhiều điều khoản để bảo đảm cho cán bộ công đoàn nhưng chưa đủ chặt chẽ, chủ doanh nghiệp có nhiều cách lợi dụng kẽ hở để trù dập, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, kỷ luật, sa thải cán bộ công đoàn.
Ông Nho đề nghị sửa đổi Điều 25 Luật Công đoàn chi tiết, chặt chẽ hơn để bảo vệ cán bộ công đoàn. Nếu không, rất khó thu hút người lao động giỏi ở doanh nghiệp tham gia làm cán bộ công đoàn.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, ghi nhận góp ý để nghiên cứu khi xây dựng Luật Công đoàn (sửa đổi). Theo ông, Luật Công đoàn trước hết phải bảo vệ được cho cán bộ công đoàn, nếu không, làm sao cán bộ công đoàn có thể bảo vệ quyền lợi cho đoàn viên, cho người lao động?