Bảo hiểm chi gần 1 tỷ đồng mỗi tháng cho 20 người nhận lương hưu cao nhất
(Dân trí) - Ngoài người hưởng lương hưu hơn 124 triệu đồng/tháng, BHXH TPHCM đang chi trả gần 1 tỷ đồng mỗi tháng cho 20 người nhận lương hưu ở mức 40-90 triệu đồng/tháng.
Bảo hiểm xã hội TPHCM (BHXH) thông tin, thành phố đang có hơn 224.500 người đang hưởng lương hưu hàng tháng. Tính đến 9/2022, có hơn 4.000 người hưởng ở mức chỉ từ 1-2 triệu đồng/tháng (dưới chuẩn nghèo đô thị), hơn 15.000 người hưởng ở mức 2-3 triệu đồng/tháng, 35.000 người hưởng ở mức 3-4 triệu đồng/tháng, 51.000 người có mức lương 4-5 triệu đồng và 38.000 người có mức lương 5-6 triệu đồng/tháng.
Những trường hợp nhận lương hưu thấp do doanh nghiệp chỉ đóng BHXH cho người lao động bằng hoặc cao hơn so với lương tối thiểu vùng chút ít. Do vậy, khi đủ điều kiện nghỉ hưu, người lao động cũng chỉ nhận được mức lương hưu thấp khiến họ gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Ngược lại, cơ quan bảo hiểm cũng cho hay, hiện trên địa bàn TPHCM có rất nhiều người đang hưởng mức lương hưu rất cao. Ngoài ông P.P.N.T hưởng lương hưu cao nhất thành phố như Dân trí đã đề cập, với hơn 124 triệu đồng/tháng, BHXH đang chi trả mỗi tháng gần 1 tỷ đồng cho 20 người hưởng lương cao nhất thành phố.
Cụ thể, người hưởng lương hưu cao thứ 2 thành phố là ông Q.T.D (ngụ tại quận 3) đang hưởng mức hơn 85 triệu đồng/tháng, tiếp đó là ông N.V.B (ngụ quận 1) hưởng mức 74 triệu đồng/tháng. Người hưởng lương hưu thấp nhất trong nhóm 20 người đứng top đầu trên bảng lương là bà B.T.T (ngụ quận 10) với mức 35 triệu đồng/tháng.
Những người hưởng lương hưu cao do số tiền tham gia đóng BHXH qua nhiều năm ở mức rất cao, từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng/tháng. Những người này đều tham gia BHXH ở cả 2 giai đoạn trước và sau khi Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 có hiệu lực.
Trước năm 2006, người lao động không bị giới hạn số tiền tham gia BHXH hàng tháng. Mức đóng BHXH của người lao động tính theo mức lương thỏa thuận trên hợp đồng giữa người lao động và người sử dụng lao động. Do vậy, người lao động đóng BHXH càng cao thì sau này nhận lương hưu càng cao.
Ví dụ, ông P.P.N.T - người đang nhận lương hưu hơn 124 triệu đồng/tháng, trước năm 2006, ông này đóng BHXH hơn 69 triệu đồng/tháng.
Theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006, mức đóng BHXH tối đa là 20 tháng lương cơ sở. Mức lương cơ sở hiện nay là 1.490.000 đồng nên mức đóng BHXH không được cao hơn 29,8 triệu đồng/tháng. Do đó, mức hưởng lương hưu hàng tháng hiện nay của người lao động không được quá 75% của 20 tháng lương cơ sở, tương đương 22,3 triệu đồng/tháng.
Những trường hợp vừa tham gia BHXH ở giai đoạn trước năm 2006 và sau 2006 sẽ được tính lương hưu cộng dồn toàn bộ quá trình tham gia.
Cụ thể, mức lương bình quân làm căn cứ tính lương hưu (theo quy định tại khoản 2 Điều 9 của Nghị định 115/2015/NĐ-CP của Chính phủ) thì tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian. Trong đó, mức lương từng năm nhân với chỉ số giá tiêu dùng (chỉ số trượt giá) theo quy định (hàng năm, quy định tại khoản 2 Điều 10 của Nghị định 115/2015/NĐ-CP của Chính phủ).
Ví dụ, trong danh sách, Bà P.T.L (SN 3/5/1966, ngụ tại TPHCM) tham gia BHXH từ tháng 11/1992 đến tháng 10/2022. Tuy vậy, từ tháng 11/1992-12/1995 (38 tháng) bà L. đóng 11 triệu đồng/tháng; từ tháng 1/1996-12/2001 (72 tháng) đóng 38 triệu đồng/tháng, từ tháng 1/2002-12/2006 (60 tháng) đóng 50 triệu đồng/tháng; từ tháng 1/2007-4/2011 (52 tháng) đóng 9.000.000 đồng/tháng; từ tháng 5/2011-03/2016 (59 tháng) đóng 16,6 triệu đồng/tháng; từ tháng 4/2016-12/2020 (57 tháng) đóng 24,2 triệu đồng/tháng; từ tháng 1/2021-10/2022 (22 tháng) đóng 29,8 triệu đồng/tháng.
Như vậy, mức bình quân thu nhập của bà L. là 71.799.133 đồng, tổng số tiền của toàn bộ thời gian đóng BHXH là 25.847.688.000 trong 360 tháng. Tỷ lệ tính lương hưu hàng tháng bằng 75% mức lương bình quân hàng tháng đóng BHXH. Do vậy, mức lương hưu của bà L. là 71.799.133 đồng x 75% = 53.849.350 đồng.