(Dân trí) - Covid-19 không chỉ gây thiệt hại về người, tài sản, làm xáo trộn sinh hoạt mỗi gia đình Việt, đại dịch thế kỷ 21 còn khiến nền kinh tế đứng trước bài toán cực lớn là thiếu hụt lao động trầm trọng...
Xã Yên Thọ, huyện Như Thanh, Thanh Hóa là nơi có 1.300 lao động trở về từ các tỉnh thành điểm nóng Covid-19 ở phía Nam, cũng là nơi có nhiều lao động trở về trong chuyến hồi hương lịch sử, vượt chặng đường gần 2.000 km bằng xe máy hồi tháng 7 vừa qua.
Trong đoàn người tha hương về quê tránh dịch đó có vợ chồng anh Phạm Văn Sáu (trú tại thôn Xuân Thịnh). Vợ chồng anh vào TPHCM làm công nhân đầu năm 2021, để lại 2 con nhỏ ở quê nhà, gửi ông bà nội ngoại.
Anh Sáu làm thợ xây, vợ phụ hồ nơi "đất hứa", thu nhập 800.000 đồng, sau khi trừ tiền ăn. Nhưng làm chưa được bao lâu thì TPHCM bùng phát dịch Covid-19. Vợ chồng anh Sáu cố bám trụ lại thành phố lớn nhất cả nước đó, chờ đợi ngày trở lại công việc. Nhưng dịch kéo dài, chỉ cầm cự được hơn 1 tháng, cạn tiền, không thể tiếp tục thuê nhà ở, hai vợ chồng quyết định nhập đoàn người chạy xe máy về quê.
Cũng cảnh thất nghiệp lâu ngày, tiền ăn còn không đủ để bám trụ qua ngày, anh Vũ Ngọc Tĩnh và bạn cùng phòng trọ cũng muốn về Thanh Hóa tránh dịch mà còn không có xe máy. May sao lại được ông chủ cho mượn một chiếc xe cũ.
"Đó là một hành trình đầy bão táp. Suốt 3 ngày 2 đêm chúng em đi xe máy, mệt quá thì nghỉ tạm bên đường, đói thì ăn tạm chiếc bánh mỳ và uống chai nước" - Vũ Ngọc Tĩnh nhớ lại.
Tuy nhiên, về đến nhà, đỡ được chỗ ăn chỗ ở thì cũng vẫn thất nghiệp. Nhiều người lao động, cả gia đình đã không còn một đồng thu nhập nào nhiều tháng qua.
Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa, tính từ ngày 27/4 đến nay, có hơn 166.000 công dân Thanh Hóa từ vùng dịch về quê. Trong đó, 65% là lao động tự do, 35% là công nhân, có giao kết hợp đồng lao động với người sử dụng lao động tại vùng dịch).
Theo báo cáo của Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), đại dịch Covid-19 đã tác động đến thị trường lao động 7 tháng đầu năm theo tiêu hướng tiêu cực.
Cụ thể, lực lượng lao động trong quý II/2021 đạt 51,1 triệu người, tăng hơn 1,7 triệu người so với cùng kỳ năm 2020, nhưng vẫn thấp hơn khoảng 304.000 người so với cùng kỳ năm 2019 - thời kỳ chưa có dịch bệnh.
Lao động có việc làm bị giảm, xuống chỉ còn 49,9 triệu người trong quý II/2021, thấp hơn 500.000 người so với cùng kỳ 2019. Số người thất nghiệp gia tăng trong quý II đạt 1,2 triệu người tăng hơn 0,2% so với quý I và 1,46% so với cùng kỳ 2019.
Trong quý II/2021, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập…
Trong tổng số 12,8 triệu người bị tác động tiêu cực bởi đại dịch, có 557 nghìn người bị mất việc, chiếm 4,4%; 4,1 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh, chiếm 31,8%; 4,3 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, chiếm 34,1% và 8,5 triệu lao động bị giảm thu nhập, chiếm 66,4%.
Trong "tâm dịch" hồi tháng, Bắc Giang có 150.00 lao động phải tạm ngừng việc, tương tự, Bắc Ninh có hơn 42.000 người. Tính đến tháng 8, TPHCM có hơn 125.000 công nhân mất việc, 590.000 lao động tự do, hộ kinh doanh cũng gặp khó, phải hỗ trợ khẩn cấp. Bình Dương có 28.000 trên tổng số 1,2 triệu công nhân mất việc. Hà Nội, trong quý II, ước tính có khoảng 180.000 lao động bị ngừng việc.
Cục Việc làm cho biết, theo thống kê nhanh của các Sở LĐ-TB&XH địa phương, nhu cầu lao động trở về quê ngày càng cao, hiện có khoảng 50.000 người đăng ký với chính quyền địa phương khi rời bỏ các địa phương, trung tâm công nghiệp có dịch.
Ngoài ra, khoảng 100.000 công nhân ở các tỉnh thành "điểm nóng Covid-19" phía Nam, với sức ép về cuộc sống hàng ngày, tâm lý lo sợ lây nhiễm virus nên nhiều người lao động đã tự phát "ồ ạt" về quê bằng các phương tiện cá nhân.
"Dòng di chuyển này cho thấy nguy cơ thiếu hụt lao động lớn trong và sau dịch, đặc biệt là lao động phổ thông trong các ngành như da giày, dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử", báo cáo của Cục Việc làm cho biết.
Báo cáo của Hiệp hội Dệt may cũng cho thấy những con số biết nói. Số lao động trong ngành dệt may hiện tại chỉ đáp ứng được 65-70% nhu cầu, nhu cầu tuyển dụng lao động trong quý 3 và 4 đang là rất lớn để đáp ứng nhu cầu đơn hàng tăng cao.
Trước đó, cuối tháng 7/2021, báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung còn nêu con số tỷ lệ thất nghiệp đã tới mức 2,52%. Ông bày tỏ lo lắng với việc dịch bệnh đã tấn công vào thành trì quan trọng của nền kinh tế là khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực doanh nghiệp sử dụng nhiều người lao động, nơi đóng góp nhiều cho thu ngân sách, nơi tạo công ăn việc làm cho hàng chục triệu lao động. Các địa phương là nơi sử dụng lực lượng lao động trực tiếp lớn đều bị ảnh hưởng nặng nề.
Cũng theo Bộ trưởng, chỉ trong khoảng 2 tháng kể từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, 9,1 triệu người lao động đã chịu ảnh hưởng trực tiếp, trong đó 540.000 người rơi vào tình trạng mất, thiếu việc làm. Tiềm năng của Việt Nam, theo đó, đã có những thất thế nhất định.
Đầu tháng 8/2021, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với doanh nghiệp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ, đại dịch Covid-19 đã và đang gây ra cuộc khủng hoảng lao động, việc làm và những bức xúc của xã hội. Doanh nghiệp Việt Nam đang phải gánh vác nhiều vấn đề như: chăm lo cho người lao động, đó là lương, thu nhập và nhu cầu sống tối thiểu, môi trường làm việc…
Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, khó khăn của doanh nghiệp trong và sau thời Covid-19 là vấn đề khôi phục sản xuất, chống đứt gãy chuỗi cung ứng.
Doanh nghiệp muốn khôi phục sản xuất phải làm báo cáo cho địa phương, các cấp ngành để được quay lại sản xuất, chờ địa phương duyệt thì mới được làm.
"Sau khi địa phương kiểm tra, có kết quả doanh nghiệp mới được làm. Cả quá trình như thế mất khá nhiều thời gian, thậm chí có thể mất nửa tháng, đến cả tháng", ông Toàn thông tin.
Theo ông Toàn, khó khăn thứ hai rất quan trọng là thu hút lao động lao động trở lại doanh nghiệp.
Đại diện VAFIE cho rằng: "Trong điều kiện không có dịch như Tết Nguyên đán, nghỉ lễ, lao động về quê nhưng không quay trở lại khiến nhiều doanh nghiệp FDI, dệt may, da giày, chế biến thủy sản, điện tử cũng rất khốn khổ. Trong điều kiện dịch bệnh, các địa phương giãn cách với nhau, lao động ngoại tỉnh trở lại các khu công nghiệp không hề dễ dàng".
"Nhu cầu lao động sau dịch rất lớn, thậm chí đột biến do đơn hàng dồn ứ lại hoặc tăng cao. Đây là bài toán đặt phải làm rất nhanh, ráo riết từ cơ quan quản lý nhà nước đến các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp", ông Toàn nói.
Theo ông Toàn, ngoài lao động, doanh nghiệp hiện thiếu chuyên gia nước ngoài đầu ngành. Chính vì vậy, cần đơn giản hóa thủ tục cấp phép chuyên gia vào Việt Nam.
"Có thể áp dụng cơ chế bong bóng cho chuyên gia vào Việt Nam giống như bong bóng trong thể thao. Các chuyên gia vào Việt Nam khi tiêm đủ mũi vắc xin, có xét nghiệm âm tính thì cần cho phép họ làm online hoặc đi khảo sát không tiếp xúc", ông Toàn nói.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội VAFIE, tổ chức này đang lên phương án kiến nghị Chính phủ đẩy nhanh chuẩn hóa thẻ xanh ở Việt Nam (visa miễn dịch Covid-19). Đây là vấn đề liên quan trực tiếp đến giao thương, đi lại, du lịch, các đoàn khảo sát, các nhu cầu của doanh nghiệp.
Ngoài việc tự do đi lại trong nước, Việt Nam cần thống nhất về quy tắc, quy chuẩn và điều kiện công nhận thẻ xanh của Việt Nam tại nước ngoài và thẻ xanh của nước ngoài tại Việt Nam. Đây là cơ sở cực kỳ quan trọng để giúp doanh nghiệp giao thông, kết nối nhanh chóng với thế giới, tránh bỏ lỡ mất thời cơ.
Theo báo cáo mới nhất ngày 14/9 của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), dịch Covid-19 gây ảnh hưởng rất lớn đối với doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu thủy sản.
Cụ thể, theo VASEP, trong thời gian 2 tháng (tháng 7 đến giữa tháng 9/2021), đại dịch bùng phát và nhiều tỉnh phía Nam phải giãn cách, chỉ có khoảng 30% các nhà máy chế biến thủy sản tại khu vực phía Nam duy trì được sản xuất cầm chừng theo điều kiện đảm bảo 3 tại chỗ.
Tuy nhiên, với những nhà máy này, số lượng công nhân có thể huy động cũng chỉ 10-50%, (chủ yếu 20-30%), số còn lại phải nghỉ việc hoặc nghỉ không lương. Ước tính trên 300.000 lao động trực tiếp tại các nhà máy chế biến thủy sản đã mất công ăn việc làm.
Đáng nói, VASEP cho rằng, số lượng lao động trong chuỗi sản xuất thủy sản như ngư dân khai thác biển, nông dân nuôi cá-tôm, cung ứng bao bì, cung ứng vật tư, các dịch vụ hậu cần cảng-nghề cá… cũng bị giảm việc, mất việc do tác động nghiêm trọng của Covid-19.
Theo VASEP, việc phục hồi sản xuất của doanh nghiệp thủy sản đang bị ảnh hưởng rất lớn bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có khó khăn của việc quy tụ lại lực lượng lao động như ban đầu do công nhân chưa được tiêm vắc xin nên chưa thể đến cơ sở sản xuất, hoặc đã về quê, cách ly, hay đang điều trị Covid-19.
Mới đây, chia sẻ về khó khăn về thu hút lao động thời hậu đại dịch Covid-19, lãnh đạo doanh nghiệp từ Hiệp hội Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đều bày tỏ khá nhiều lo ngại.
Ngài Guru Mallikarjuna, TGĐ Bosch Việt Nam cho rằng: Doanh nghiệp hiện đang gặp phải rất nhiều khó khăn về quy định di chuyển của người lao động, cũng như quy định về hàng hóa thiết yếu.
"Hy vọng chính sách của Chính phủ được thống nhất chi tiết, rõ ràng hơn giữa các địa phương", ông nói.
Ông Erwin Debaere - Tổng Thư ký EuroCham khuyến cáo, chính sách nhập cảnh của các chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh đang gây khó khăn cho doanh nghiệp.
"Nhiều chuyên gia nước ngoài muốn đến khảo sát đầu tư tại Việt Nam, song họ vướng ở khâu nhập cảnh, thời gian cách ly quá dài. Họ đến kiểm tra tình hình, triển vọng kinh doanh ở Việt Nam, trước khi đưa ra quyết định đầu tư và tất nhiên, họ cũng đi kiểm tra ở các bên, các quốc gia khác nhau. Việt Nam cần nắm bắt cơ hội này, thay vì siết chặt hoạt động nhập cảnh của chuyên gia nước ngoài đã tiêm đủ 2 liều vắc xin" - ông Erwin Debaere nêu.