Sau chuyến hồi hương "bão táp" là nỗi lo cơm áo của cả ngàn lao động

Thanh Tùng

(Dân trí) - Rời khỏi vùng dịch, được đoàn tụ với gia đình, nhưng nhiều lao động tại Thanh Hóa lại đang đối mặt với nỗ lo tìm việc làm để có thu nhập.

Nỗi lo việc làm sau những chuyến hồi hương "bão táp"

Hồi hương trong "bão táp" và nỗi lo cơm áo

Trung tuần tháng 9, chúng tôi tìm về vùng quê xã Yên Thọ, huyện Như Thanh, Thanh Hóa). Đây là địa phương có hơn 1.300 lao động trở về từ vùng dịch và cũng là nơi có nhiều lao động trở về trong chuyến "hồi hương lịch sử" bằng xe máy vào tháng 7 vừa qua. 

Trước đó, vào đầu năm 2021, vợ chồng anh Phạm Văn Sáu (thôn Xuân Thịnh, Yên Thọ) quyết định gửi 2 đứa con cho ông bà ở quê nhà để vào TPHCM tìm việc làm.

Sau chuyến hồi hương bão táp là nỗi lo cơm áo của cả ngàn lao động  - 1

Cuộc hồi hương "bão táp" của 13 lao động quê Yên Thọ, huyện Như Thanh Hóa (Ảnh: Người dân cung cấp).

Nơi "miền đất hứa", chồng làm thợ xây còn vợ đảm nhiệm công việc phụ hồ. Tuy công việc vất vả nhưng mỗi ngày vợ chồng anh thu nhập 800.000 đồng, sau khi trừ tiền ăn.

Vào TPHCM chưa được bao lâu thì dịch bùng phát. Những tưởng rồi dịch sẽ sớm qua, anh Phạm Văn Sáu cùng vợ cố bám trụ chờ đợi ngày đi làm trở lại. Nhưng chỉ một tháng sau, anh đã phải khăn gói về quê tránh dịch. 

Quyết định về quê đã khó, trong khi các phương tiện vận tải công cộng dừng hoạt động. Để về được quê, chẳng còn cách nào khác vợ chồng anh phải chạy xe máy vượt quãng đường 2.000 km từ TPHCM về Thanh Hóa. 

Sau chuyến hồi hương bão táp là nỗi lo cơm áo của cả ngàn lao động  - 2

Không có tiền mua xe về quê, anh Vũ Ngọc Tĩnh được ông chủ lán xây dựng cho mượn chiếc xe máy cũ về.

Trong đoàn hồi hương cùng anh Phạm Văn Sáu còn có anh Vũ Ngọc Tĩnh và Vũ Văn Tùng (người cùng làng) có hoàn cảnh vô cùng khó khăn.

Do thất nghiệp lâu ngày, tiền ăn còn không đủ để bám trụ qua ngày nên 2 anh đã muốn về quê nhưng ngặt nỗi không có xe máy. Thấy 2 anh em không có xe, ông chủ lán xây dựng đã cho mượn chiếc xe máy cũ để về quê.

"Nếu không có anh em hỗ trợ thì chắc em không thể về được quê. Đó là một hành trình đầy bão táp. Suốt 3 ngày 2 đêm chúng em đi xe máy, khi nhọc thì nghỉ tạm bên đường, khi đói thì ăn tạm chiếc bánh mỳ và uống chai nước", Vũ Ngọc Tĩnh nhớ lại.

Trở về quê và đã kết thúc cách ly theo quy định, yên tâm hơn về dịch, nhưng vợ chồng anh Phạm Văn Sáu lại đối diện với nỗi lo thất nghiệp. Vừa qua 2 vợ chồng đang tính xin đi làm thợ hồ thì ở quê lại có dịch.

Địa phương thực hiện giãn cách xã hội nên đến nay anh Phạm Văn Sáu vẫn chưa thể đi làm trở lại.

Sau chuyến hồi hương bão táp là nỗi lo cơm áo của cả ngàn lao động  - 3

Vượt quãng đường 2.000 km về quê, anh Vũ Ngọc Tĩnh đoàn tụ cùng gia đình. Sau phút giây đoàn tụ là nỗi lo về công việc.

"Nếu tính cả những ngày cách ly thì mấy tháng nay, 2 vợ chồng không có lấy một đồng thu nhập. Trước mắt chúng tôi đang xin làm thợ xây gần nhà để kiếm tiền trang trải hằng ngày, chứ cứ tiếp tục thế này thì cả nhà chẳng biết lấy gì mà ăn", anh Phạm Văn Sáu nói.

Cũng là lao động từ vùng dịch về địa phương, gần một tuần nay, anh Lê Văn Vinh (thôn Xuân Thịnh, xã Yên Thọ) may mắn "xin được một chân" trong tổ thợ hồ ở quê.

"Tôi hy vọng TPHCM sẽ sớm hết dịch để được trở lại làm việc. Mặc dù chỉ là những lao động tự do nhưng dù sao công việc trong đó vẫn ổn, thu nhập đỡ bấp bênh hơn so với làm việc ở quê", anh Lê Văn Vinh chia sẻ. 

Mong ổn định đời sống 

Theo ông Nguyễn Hữu Đại, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Thọ, trong số hơn 1.300 lao động từ vùng dịch về địa phương thì có tới 560 lao động từ miền Nam trở về. 

Sau chuyến hồi hương bão táp là nỗi lo cơm áo của cả ngàn lao động  - 4

"Tôi không thể nào quên được kỷ niệm đáng nhớ này. Giờ về được quê rồi lại thêm nỗi lo cơm áo gạo tiền", anh Phạm Văn Sáu chia sẻ.

"Các lao động đã hoàn tất việc cách ly y tế theo quy định. Chúng tôi đang khẩn trương giải quyết vấn đề việc làm và tìm phương án hỗ trợ cho những lao động này, có những lao động hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Địa phương cũng đã cho các thôn rà soát, lập danh sách theo Nghị quyết 68, báo cáo huyện để hỗ trợ cho các lao động", ông Nguyễn Hữu Đại cho biết. 

Cũng theo ông Nguyễn Hữu Đại, Sở LĐ-TB&XH và UBND tỉnh Thanh Hóa đã có phương án về việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động trở về từ vùng dịch, sau khi thực hiện xong cách ly. 

Chính quyền địa phương đã lập danh sách và thông báo đến các thôn có lao động trở về, đồng thời báo cáo huyện Như Thanh về việc lên kế hoạch hỗ trợ việc làm cho lao động.

"Để tạo việc làm cho người dân về từ vùng dịch, chúng tôi có 2 phương án: Liên hệ với các nhà máy, xí nghiệp về nhu cầu tuyển dụng lao động; tìm hiểu các doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn để liên hệ cho người lao động đến làm việc.

Sau chuyến hồi hương bão táp là nỗi lo cơm áo của cả ngàn lao động  - 5

Nhiều lao động về từ vùng dịch vẫn chưa có công ăn việc làm.

Hiện có khoảng 30% lao động đã có việc làm sau khi trở về, số còn lại vẫn chưa tìm được việc làm. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang liên hệ với ngân hàng chính sách về gói hỗ trợ 100 triệu với lãi suất thấp để giúp người lao động có mong muốn mở xưởng, cửa hàng", ông Nguyễn Hữu Đại thông tin.

Được hỗ trợ từ chính quyền địa phương, sau khi trở về từ TPHCM, anh Phan Anh Văn (thôn Xuân Thịnh, xã Yên Thọ) đã có việc làm trở lại: "Tôi rất mừng sau khi có việc làm. Mấy tháng qua khi nghỉ dịch cả gia đình không có tiền trang trải. Rất may nhờ sự quan tâm của chính quyền mà tôi được đi làm cho một công ty xây dựng tại thị trấn Bến Sung".

Tương tự, chị Phan Thị Phương sau khi hoàn thành cách ly y tế đã được nhận vào làm việc tại công ty may tại ở thị trấn Bến Sung (huyện Như Thanh). Trước đó, chị Phương cùng nhiều lao động khác rơi vào cảnh thất nghiệp tại TPHCM và phải hồi hương bằng xe máy. 

Hơn 160.000 lao động về quê nhà

Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa, tính từ ngày 27/4 đến nay, đã có trên 166.000 công dân Thanh Hóa từ vùng dịch về quê. Người trở về từ các vùng dịch chủ yếu là lao động tự do, không có giao kết hợp đồng lao động, không có bằng cấp, chứng chỉ (chiếm 65%); 35% còn lại là lao động trở về từ vùng dịch có giao kết hợp đồng lao động với người sử dụng lao động tại vùng dịch, số lao động này phần lớn có nguyện vọng hết dịch sẽ trở lại chỗ làm việc cũ.