Thông tin doanh nghiệp tuần qua:

VinFast tách đôi, nhận vốn lớn từ tỷ phú Vượng; Võ Hà Linh thắng lớn

Mai Chi

(Dân trí) - Thông tin Vingroup và ông Phạm Nhật Vượng kế hoạch cho VinFast vay mới 85.000 tỷ đồng trong khi hãng xe này chia tách làm đôi; doanh nghiệp của Võ Hà Linh tăng vốn... gây chú ý tuần qua.

Doanh nghiệp của "chiến thần" Võ Hà Linh tăng vốn khủng

Võ Hà Linh đang là một trong số KOL (người có sức ảnh hưởng) dẫn đầu doanh số bán hàng livestream tại Việt Nam. Phiên livestream của "chiến thần" này ngày 11/11 vừa qua duy trì lượng người xem lớn, có thời điểm đạt hơn 480.000 lượt xem cùng lúc. TikToker này cũng tiết lộ đã đạt 1 triệu đơn hàng sau khoảng một tiếng livestream.

VinFast tách đôi, nhận vốn lớn từ tỷ phú Vượng; Võ Hà Linh thắng lớn - 1

Võ Hà Linh đang là KOL dẫn đầu doanh số bán hàng livestream tại Việt Nam (Ảnh: Minh Huyền).

Theo tìm hiểu, hồi tháng 5/2021, Võ Hà Linh thành lập công ty riêng là Công ty cổ phần Thương mại và dịch vụ Hà Linh Official, trụ sở tại TP Vinh, Nghệ An. Ngành nghề kinh doanh chính của công ty là quảng cáo do bà Võ Thị Hà Linh (sinh năm 1992) làm Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc và người đại diện pháp luật.

Thời điểm thành lập, công ty này có vốn điều lệ 2 tỷ đồng. Trong đó, Võ Thị Hà Linh góp 90% vốn, tương đương 1,8 tỷ đồng. 2 cá nhân khác là bà Nguyễn Thị Nga và bà Võ Thị Hoài Thương, mỗi người góp 5% vốn, tương đương 100 triệu đồng.

Tháng 10 năm nay, công ty của Võ Hà Linh thông báo tăng vốn điều lệ lên 19,5 tỷ đồng, thành phần góp vốn cụ thể không được công bố. Theo thông tin kê khai thuế, số lượng lao động chính thức của doanh nghiệp tại thời điểm tháng 6/2023 là 10 người. 

VinFast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng chia tách làm đôi

Tập đoàn Vingroup (mã chứng khoán: VIC) vừa công bố các nghị quyết Hội đồng quản trị (HĐQT) về việc chia tách VinFast . Động thái này được tập đoàn cho biết nhằm tổ chức lại cơ cấu sở hữu trong nhóm công ty VinFast để tăng cường hiệu quả hoạt động.

Cụ thể, Vingroup sẽ tách Công ty cổ phần Sản xuất và Kinh doanh VinFast (đang hoạt động tại Việt Nam) và thành lập một công ty con mới.

Doanh nghiệp mới dự kiến thành lập có tên là Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển VinFast (Đầu tư VinFast), vốn điều lệ hơn 2.464 tỷ đồng, là đơn vị nắm các khoản đầu tư ra nước ngoài phục vụ hoạt động của nhóm các công ty thuộc VinFast ở nước ngoài. 

Tỷ lệ vốn góp của Vingroup tại Công ty Đầu tư VinFast sẽ là 51,11%. Đồng thời, tỷ lệ sở hữu của Vingroup trong VinFast sau chia tách là 61,06%. 

Tài sản ông Phạm Nhật Vượng khi dành 50.000 tỷ đồng "tiền túi" cho VinFast

Theo cam kết mới nhất vừa được Vingroup và ông Phạm Nhật Vượng công bố, từ nay đến hết năm 2026, Vingroup có kế hoạch cho VinFast vay mới tối đa 35.000 tỷ đồng và mức tài trợ dự kiến từ ông Phạm Nhật Vượng là 50.000 tỷ đồng.

Tập đoàn cũng sẽ đầu tư thêm vào VinFast Việt Nam thông qua việc chuyển đổi toàn bộ khoản cho vay hiện hữu khoảng 80.000 tỷ đồng thành cổ phần ưu đãi được hưởng cổ tức.

VinFast tách đôi, nhận vốn lớn từ tỷ phú Vượng; Võ Hà Linh thắng lớn - 2

Ông Phạm Nhật Vượng (Ảnh: Vingroup).

Khoản tài trợ 50.000 tỷ đồng của ông Phạm Nhật Vượng trên tư cách Tổng giám đốc và cổ đông lớn của VinFast, được cho là thu xếp từ các nguồn tài sản cá nhân, không ảnh hưởng đến lợi ích của các cổ đông Vingroup và VinFast.

Ông Phạm Nhật Vượng đang là người giàu nhất Việt Nam ở thời điểm hiện tại, theo Forbes. Tài sản ròng của Chủ tịch Vingroup tại ngày 12/11 là 4,1 tỷ USD.

Còn theo dữ liệu thể hiện tại báo cáo quản trị công ty bán niên của Vingroup thì ông Vượng đang sở hữu 691,27 triệu cổ phiếu VIC tương ứng 17,82% vốn điều lệ tập đoàn này. Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VIC của Vingroup đóng cửa phiên 12/11 tại mức giá 40.550 đồng. Như vậy, tài sản cá nhân của ông Vượng tính theo giá VIC đạt 28.031 tỷ đồng.

Tuy vậy, sở hữu của nhóm cổ đông liên quan tới ông Vượng tại Vingroup vẫn giữ ở mức hơn 2,4 tỷ cổ phiếu VIC tương ứng khoảng 63% vốn điều lệ tập đoàn. Giá trị tài sản trên sàn của nhóm cổ đông liên quan đến ông Phạm Nhật Vượng thông qua sở hữu cổ phiếu Vingroup ước tính trên 97.320 tỷ đồng.

Mua lại công ty với giá 10 triệu đồng rồi "nổ" dự án nghìn tỷ đồng

Ngày 13/11, Tòa án nhân dân TP Hà Nội xử phạt bị cáo Trần Thị Sớm (quê Hưng Yên) mức án 13 năm tù về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức.

Cáo trạng thể hiện, Công ty cổ phần tập đoàn Bifa Land Group đăng ký kinh doanh năm 2022, chuyên ngành nghề tư vấn môi giới, đấu giá bất động sản, sản xuất, bán buôn, bán lẻ thực phẩm,...

Tháng 9/2022, Trần Thị Sớm nhận chuyển nhượng lại công ty trên với giá 10 triệu đồng sau đó thay đổi đăng ký kinh doanh.

Theo đó, Sớm làm Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Tổng giám đốc, công ty đăng ký vốn điều lệ 99 tỷ đồng và bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh là chăn nuôi, khai thác than, buôn bán ô tô,...

Thực chất công ty không có vốn thật như đăng ký, không có hoạt động kinh doanh, không đầu tư dự án.

Song để có tiền cho việc chơi tiền ảo và kinh doanh đa cấp, tháng 9/2022, Sớm nảy sinh ý định huy động vốn dưới hình thức ủy thác đầu tư và chiết khấu dưới hình thức đại lý đa cấp.

Với vai trò Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, Sớm phổ biến và đưa ra thông tin gian dối với các nhân viên về việc Công ty Bifa Land Group chuyên kinh doanh bất động sản, xây dựng khu du lịch sinh thái, san lấp mặt bằng.

Sớm "nổ" công ty có dự án trọng điểm ở các tỉnh Lâm Đồng, Quảng Bình đã xin được chủ trương đầu tư, có quy mô hàng nghìn tỷ đồng.

Để các bị hại tin tưởng, Sớm vẽ ra các dự án bằng cách sao chép các dự án trên mạng xã hội, tổ chức hội thảo, hội nghị đưa ra chính sách hấp dẫn để nhà đầu tư tin tưởng giao tiền.

Với các thủ đoạn lừa đảo tinh vi, từ ngày 19/9/2022 đến ngày 5/3/2023, Sớm chiếm đoạt hơn 2,6 tỷ đồng của 29 bị hại và làm giả 1 chứng thư bảo lãnh ngân hàng. Hiện bị cáo đã trả cho các bị hại hơn 1,7 tỷ đồng.

Công ty địa ốc thua lỗ, sếp vẫn có thu nhập tiền tỷ

Trong 9 tháng, Tập đoàn Novaland (mã chứng khoán: NVL) lỗ gần 4.377 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 957 tỷ đồng. Tuy nhiên, thu nhập của ban lãnh đạo vẫn ở mức cao.

Ông Ng Tech Yow - Tổng giám đốc Tập đoàn Novaland - nhận lương hơn 3,7 tỷ đồng, cao nhất trong ban điều hành. Tính trung bình mỗi tháng, vị CEO ngoại quốc này nhận khoảng 411 triệu đồng, cao hơn 21% so với cùng kỳ năm trước.

Một thành viên khác là ông Dương Văn Bắc - Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Tài chính - cũng nhận lương gần 2,2 tỷ đồng, tương ứng 244 triệu đồng/tháng. Cách đây ít ngày, ông Bắc đã được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc thay ông Ng Tech Yow. Còn ông Ng Tech Yow tập trung thực hiện nhiệm vụ của Thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) Novaland.

Trong HĐQT, ông Bùi Thành Nhơn - Chủ tịch HĐQT - được trả thù lao cao nhất, ở mức 900 triệu đồng, cao hơn 13% cùng kỳ năm trước. 3 thành viên HĐQT độc lập là Phạm Tiến Vân, Hoàng Đức Hùng và Nguyễn Mỹ Hạnh hưởng 450 triệu đồng.

Trường hợp khác là Công ty cổ phần Tập đoàn Danh Khôi (mã chứng khoán: NRC) lỗ gần 6 tỷ đồng trong quý III, lũy kế 9 tháng lỗ hơn 16 tỷ đồng, ban lãnh đạo vẫn có thu nhập cao. Trong 9 tháng, tổng thu nhập ban lãnh đạo công ty vẫn đạt hơn 4 tỷ đồng, cao hơn cả doanh thu 3,8 tỷ đồng.

Ông Lê Thống Nhất - Chủ tịch HĐQT - nhận thu nhập cao nhất, ở mức 872 triệu đồng. Trong ban điều hành, ông Nguyễn Huy Cường - Tổng giám đốc - có thu nhập hơn 837 triệu đồng. Ông Nguyễn Hữu Quang - Phó tổng giám đốc - nhận hơn 813 triệu đồng.