1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Báo cáo tình hình thưởng Tết của 63 tỉnh, thành trước ngày 27/12

Hoàng Mạnh

(Dân trí) - Các sở LĐ-TB&XH báo cáo về tình hình tiền lương thưởng, nợ lương, vay tiền trả lương của 4 loại hình doanh nghiệp trên địa bàn trước ngày 27/12.

Đây là nội dung công văn của Bộ LĐ-TB&XH gửi các địa phương về tình hình tiền lương thưởng, nợ lương, vay tiền trả lương dịp cuối năm.

Theo đó, 4 loại hình doanh nghiệp được yêu cầu rà soát, gồm: Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước, doanh nghiệp dân doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Trong công văn, Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu các sở LĐ-TB&XH chủ động phối hợp với Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, liên đoàn lao động và các cơ quan liên quan nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, đời sống công nhân lao động trong các doanh nghiệp.

Báo cáo tình hình thưởng Tết của 63 tỉnh, thành trước ngày 27/12 - 1

Tình hình dịch Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ tới khả năng chi trả của doanh nghiệp

Qua đó, các sở LĐ-TB&XH cần kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, người sử dụng lao động trên địa bàn thực hiện đúng các chế độ chính sách đối với người lao động theo quy định của pháp luật, nhất là trong dịp tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2021.

Bộ cũng yêu cầu các sở LĐ-TB&XH cần tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động, nhất là các quy định mới của Bộ luật Lao động năm 2019 để người sử dụng lao động và người lao động trên địa bàn kịp thời triển khai khi Bộ luật Lao động có hiệu lực thi hành.

Đặc biệt cần chủ động hướng dẫn các doanh nghiệp rà soát các thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, nhất là các nội dung về tiền lương, tiền thưởng và các chế độ phúc lợi khác đối với người lao động trong dịp Tết. 

Bên cạnh đó, các sở cần tuyên truyền, vận động để người lao động, người sử dụng lao động có những thỏa thuận, bảo đảm cùng nhau chia sẻ khó khăn trong bối cảnh bị tác động bởi đại dịch Covid-19.

Đặc biệt, việc nắm bắt tình hình tuyển dụng, sử dụng, biến động lao động trong các doanh nghiệp, nhất là ở các khu công nghiệp, khu chế xuất cần được quan tâm; kịp thời hướng dẫn các doanh nghiệp giải quyết chế độ đối với người lao động thôi việc, mất việc làm theo quy định; tăng cường các hoạt động hỗ trợ, giới thiệu việc làm đối với người lao động bị mất việc làm và theo yêu cầu của doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh bị tác động bởi dịch bệnh và sự dịch chuyển lao động thường xảy ra vào những dịp sau Tết...

4 nhóm ngành nghề được yêu cầu rà soát tình hình nợ lương

Tình hình nợ lương, vay để trả lương ngừng việc năm 2020 của doanh nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu rà soát chủ yếu ở 4 nhóm ngành nghề, gồm: Da giày, dệt may, chế biến thủy sản, chế biến gỗ thuộc 4 loại hình doanh nghiệp: Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước, doanh nghiệp dân doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài