Liệu còn các khoản thưởng Tết hậu hĩnh trong bối cảnh Covid-19?

Kim Sơn

(Dân trí) - Còn khoảng 2 tháng nữa là tới Tết Tân Sửu. Bên cạnh nỗi lo về công việc, không ít người lao động đã nghĩ tới khoản thưởng Tết cuối năm nay sẽ ra sao trong bối cảnh dịch Covid-19 còn phức tạp.

Nằm sâu trong khu dân cư Kim Lũ thuộc phường Kim Giang (quận Thanh Xuân, Tp. Hà Nội), nơi ở của một nhóm công nhân xây dựng vẻn vẹn chỉ hơn chục mét vuông.

Anh Bùi Văn Thảo cùng 3 anh em khác đang ở cùng nhau trong phòng trọ. Mấy hôm nay, anh không có việc gì để làm. "Cứ ngồi ở phòng chờ đội trưởng gọi là mang đồ đi làm thôi. Nhưng dạo này ít việc quá. Tháng trước, tôi chỉ nhận được 2 công trình", anh nói.

Rời quê hương Nam Định, anh Bùi Văn Thảo lên Hà Nội làm công nhân xây dựng đã hơn 10 năm nay. Mỗi tháng, người đàn ông có 2 con này phải cố gắng tiết kiệm mới gửi được vài triệu đồng về cho vợ nuôi gia đình. Mỗi năm, anh Bùi Văn Thảo chỉ về thăm nhà có 2 lần.

Liệu còn các khoản thưởng Tết hậu hĩnh trong bối cảnh Covid-19? - 1
Anh Bùi Văn Thảo với hy vọng mong manh đón một cái Tết đầm ấm.

"Trừ các khoản sinh hoạt, mỗi tháng tôi dành dụm được 6 triệu đồng. Dạo gần đây, công ty xây dựng cũng khó khăn nên chỉ trả 2/3 tiền công tháng. Họ nói khi nào nhận thêm được các công trình thì sẽ trả cộng vào tháng sau. Vì thế, tôi dự định sẽ ở lại đây đến ngày 27 Tết", anh Thảo chia sẻ.

Anh Bùi Văn Thảo hy vọng sắp tới, tổ chức công đoàn công ty và công đoàn cấp cơ sở sẽ có những chương trình tặng quà Tết hay vé tàu xe cho những người lao động khó khăn.

Không chỉ mảng xây dựng, du lịch cũng là một trong những ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất do tác động của dịch Covid-19. Các doanh nghiệp dịch vụ này gặp khó, kéo theo đời sống của người làm trong nghề cũng khó khăn.

Sau nhiều năm làm công việc nhân viên lễ tân ở một khách sạn ở quận Hoàng Mai (Hà Nội), chị Lê Thu Thảo cho biết 4-5 tháng qua, cũng như nhiều vị trí việc làm khác của ngành du lịch, công việc và đồng lương của chị bị cắt giảm nhiều.

Liệu còn các khoản thưởng Tết hậu hĩnh trong bối cảnh Covid-19? - 2

Giáp Tết, người lao động phập phồng với nỗi lo có thưởng Tết hay không?

"Vừa rồi, số lượng khách đến chỉ đếm trên đầu ngón tay. Công ty phải cắt giảm nhân sự. Ở quầy, mỗi ngày chỉ phân công 2 người trực. Nhiều người vì thế chán nản, đã bỏ đi tìm việc khác. Bản thân tôi cũng về quê phụ giúp mẹ chồng bán hàng để bù lấp vào những khoảng thời gian trống", chị Lê Thu Thảo tâm sự.

Chia sẻ với PV, chị Lê Thu Thảo cho biết gần đây, nhân viên đã đi làm trở lại bình thường và thu nhập có dấu hiệu ổn định trở lại. Nhưng khi được hỏi về khoản thưởng Tết, chị không mong được nhiều mà chỉ cần một chút, gọi là động viên anh em có thêm động lực làm việc.

Cũng giống tình cảnh của ngành du lịch, ngành may mặc cũng đang từng bước quay trở lại với nhịp bình thường mới. Chị Nguyễn Liên Hương - chủ một xưởng may phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết đợt dịch vừa qua khiến cho các thương hiệu trên thế giới đóng cửa, điều này kéo theo các nhà xưởng Việt Nam gia công thuê cũng sẽ mất việc làm.

"Chúng tôi phải tính toán làm sao để tối ưu hóa chi phí. Hiện xưởng may của tôi đã giảm từ hơn 40 xuống còn 20 nhân công làm việc", chị Nguyễn Liên Hương cho biết.

Khi được hỏi về tình hình thưởng Tết cho công nhân, chị Nguyễn Liên Hương cho rằng cần có sự thông cảm giữa người lao động và doanh nghiệp: "Dù khó khăn do Covid-19, doanh nghiệp cũng sẽ cố gắng có thêm một chút kinh phí gửi tặng anh chị em trong xưởng về quê đón Tết, dẫu có thể không bằng các năm trước".

Còn các khoản thưởng Tết hậu hĩnh như mọi năm?

Nhận định về tình hình thưởng Tết cho người lao động dịp Xuân Tân Sửu, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam), cho biết: "Nếu các doanh nghiệp vẫn duy trì được việc làm, họ chắc chắn vẫn sẽ thực hiện các chính sách này. Còn đối với những nơi mà hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn, họ vẫn phải cố gắng một khoản tiền nho nhỏ trên danh nghĩa để động viên người lao động. Qua đó, họ có động lực để sau bó tiếp tục gắn bó với doanh nghiệp".

Theo ông Lê Đình Quảng, thưởng Tết hay người ta còn gọi là tháng lương thứ 13 đã là một nét văn hóa từ trước đến nay mà các doanh nghiệp cam kết thực hiện giành cho người lao động.

"Tuy nhiên, với tình hình khó khăn hiện nay, các ngành dịch vụ như du lịch, hàng không, khách sạn, nhà nghỉ chắc chắn sẽ không duy trì được những khoản tiền hậu hĩnh như trước giành cho nhân viên", ông Lê Đình Quảng dự đoán.