"Bán mạng" làm việc: Khi kiếm nhiều tiền vẫn không hạnh phúc!
(Dân trí) - Nhiều người lao động đau đầu đứng giữa lựa chọn giữa tan đúng giờ nhưng lương thấp hay đêm ngày tối mặt để có mức thu nhập "khủng. Công việc hạnh phúc là điều nhiều người kiếm tìm.
Lương cao nhưng áp lực quay cuồng
Máy tính là vật bất ly thân với anh V.D.T. (30 tuổi, ở Bắc Ninh) - kỹ sư công nghệ công thông tin (IT). Đam mê lĩnh vực này từ nhỏ, anh quyết tâm học tập, khổ luyện trở thành một kỹ sư giỏi.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, bạn trẻ này đã nỗ lực nâng cao trình độ của mình bằng việc học thạc sĩ tại Hàn Quốc.
Sau đó, anh T. chuyển hướng về nước tìm việc. Bấy giờ, cơ hội việc làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin vô cùng rộng mở với người lao động.
Anh T. đầu quân cho một công ty công nghệ hàng đầu tại Việt Nam với lương "khủng" ở vị trí kỹ sư lập trình về trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big data)…
35-45 triệu đồng/tháng là thu nhập của anh và cũng là mơ ước của nhiều người lao động đang làm việc ở những lĩnh vực khác.
Anh T. chia sẻ: "So với kỹ sư công nghệ thông tin mảng khác, thì lương tháng tôi đang sở hữu trên mức trung bình. Một số kỹ sư về dữ liệu sẽ có mức lương vượt trội hơn".
Để cầm trong tay thù lao trên, anh T. thừa nhận: "Hầu hết thời gian chính trong ngày đã dành cho công việc".
Trước khi đi ngủ, anh vẫn tiếp tục ngồi vào bàn làm việc, trau dồi, nâng cao trình độ bản thân, cập nhật xu hướng mới. Quy trình trên lặp đi, lặp lại trong cuộc sống hằng ngày của kỹ sư IT này.
"Công ty cũng không yêu cầu làm thêm giờ, song bản thân muốn nâng cao trình độ, đáp ứng tốt hơn yêu cầu công việc, nên tôi tranh thủ "cày"", anh T. chia sẻ.
Kỹ sư IT này gặp nhiều áp lực về mảng phụ trách là AI, Big data. Nhiều khi có dự án mới thì còn chạy deadline (chạy đua để hoàn thành công việc trong hạn - PV) ngập đầu. Bên cạnh đó, đặc trưng công việc khiến người lao động luôn phải suy nghĩ, tư duy trước các thuật toán phức tạp.
Nam kỹ sư IT cho biết: "Các ngành nghề khác có thể hoàn thành công việc ở mức độ cao vì đều đã có giải pháp. Còn riêng lĩnh vực công nghệ thông tin, nhiều khi không có giải pháp hoặc muốn có giải pháp phải trải qua quá trình nghiên cứu rất nhiều. Đôi khi mất công sức, thời gian thử nghiệm mà kết quả không như mong muốn".
Ngoài thu nhập cao, mục tiêu của anh T. còn muốn học hỏi nhiều hơn nữa, nâng cấp bản thân lên mức quản lý thay vì duy trì công việc chuyên môn của một kỹ sư công nghệ. Chính vì vậy, bạn trẻ này nỗ lực không nghỉ mỗi ngày.
Bên cạnh đó, do đặc thù lĩnh vực công nghệ thông tin luôn chịu sự đào thải rất khốc liệt, cho nên người lao động không ngừng cập nhật xu hướng mới đáp ứng yêu cầu thay đổi liên tục về công nghệ, sản phẩm của công ty.
Vừa lập gia đình, anh T. lại gánh thêm mục tiêu mua nhà tại thủ đô vào rất nhiều mục tiêu đã vạch sẵn. Chính vì vậy, anh lựa chọn dành gần như trọn thời gian cho công việc, phát triển bản thân. Đôi lúc rơi vào tình trạng quá tải, cũng mệt mỏi mà vẫn không thể dừng lại.
Tận hưởng cuộc sống
Trong khi bạn bè đồng trang lứa đang "cày ngày cày đêm" để mức thu nhập cao chót vót, thì cậu trai Phạm Thành Công (24 tuổi, ở Thanh Hóa) lại hài lòng với công việc là kỹ sư điện ở Hà Nội.
Trước tranh luận nên chọn làm việc trong giờ hành chính thu nhập trung bình hay chạy đua tăng ca, làm ngoài giờ để có lương "khủng", bạn trẻ này cho rằng các lựa chọn phụ thuộc vào mục tiêu của mỗi người.
Theo Thành Công, nhiều người vạch sẵn cho mình những mục tiêu như mua nhà, mua xe. Cho nên, họ phải nỗ lực hết sức trong công việc. Muốn có lương cao, người lao động đương nhiên phải cống hiến với cường độ lớn cho công ty.
Thành Công là gen Z "chính hiệu", ý thức đề cao sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Làm việc cho một đơn vị về điện lực gần 1 năm, bạn trẻ này hài lòng với công việc hiện tại.
"Bởi công việc của mình chủ yếu ngồi bàn giấy, không quá bận rộn. Hết giờ làm mình có thể trút bỏ công việc, sống cuộc sống không âu lo", Thành Công chia sẻ.
Ở công việc hiện tại, Thành Công đang phụ trách kiểm soát sự cố các đường dây để tránh mất điện, tập hợp báo cáo về kỹ thuật. Nếu có sự cố về điện, kỹ sư điện phải trực để đảm bảo an toàn. Mức thu nhập đổ về tài khoản của Thành Công mỗi tháng từ 7-8 triệu đồng.
Song, nếu cho chọn lại công việc áp lực lớn hơn và thu nhập cao hơn, Thành Công vẫn lựa chọn công việc hiện tại.
Nam kỹ sư cho hay: "Với mức thu nhập trung bình nên chi tiêu của tôi cũng vừa phải. Số tiền trên vẫn đủ cho tôi trang trải cuộc sống ở thủ đô".
Ngoài thời gian cho công việc, Thành Công có thể giao lưu, gặp gỡ bạn bè nhiều hơn. Sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc giúp bạn trẻ này cảm thấy "dễ thở" hơn và mong muốn gắn bó lâu dài với việc làm hiện tại.
Làm ngoài giờ cần "sạc" thêm năng lượng
Tiến sĩ Đinh Thị Hồng Duyên - Chuyên gia tư vấn về Quản trị doanh nghiệp cho biết, công việc tăng thêm, bổ sung thêm nhiều đầu mục sẽ giúp người lao động phải tự nâng cao, phát triển bản thân đáp ứng yêu cầu công việc mới.
Để đáp ứng khối lượng công việc nhiều, người lao động phải tự tìm tòi, nâng cao năng suất lao động của mình. Với những người đang cần thu nhập cao hơn, việc làm thêm giờ, thêm việc sẽ giúp họ hài lòng.
Bên cạnh mặt tích cực, bà Duyên phân tích, việc quá tải công việc kéo dài sẽ khiến người lao động mất cân bằng cuộc sống. Khoa học đã tính toán, mỗi người làm việc tốt nhất trong thời gian 8 tiếng một ngày. Làm thêm ngoài giờ đó, người lao động cần "sạc" thêm năng lượng. Nếu liên tục làm ngoài giờ vào thời điểm, hết năng lượng thì hiệu quả, chất lượng công việc sẽ không cao.
Về vấn đề nên chọn làm việc lương cao với thời gian bỏ ra nhiều hay lương thấp chỉ làm trong giờ hành chính, bà Duyên cho rằng điều này phụ thuộc vào động lực, nhu cầu làm việc của người lao động. Thường nhu cầu của người lao động trẻ đang ở đoạn muốn phát triển bản thân, cần nhiều tiền lo cho cuộc sống thì quyết định sẽ là chọn việc thu nhập tốt.
Bà Duyên phân tích, với những người có những mục tiêu khác hoặc nhu cầu của mỗi người không nhất thiết là tiền, ví dụ như thế hệ Gen Z, họ thích cuộc sống hài hòa, có những thú vui riêng ngoài công việc.
"Song, nếu phải duy trì khối lượng công việc lớn, trong thời gian dài cũng không hiệu quả. Bởi đâu cũng là sức người, nếu không có tái tạo phù hợp, về lâu dài sẽ không ổn", chuyên gia tư vấn về Quản trị doanh nghiệp nói.
Theo vị này, công việc hạnh phúc nhất là làm sao để làm việc hiệu quả nhất trong khoảng thời gian 8 tiếng lao động mỗi ngày. Về phía doanh nghiệp, người sử dụng lao động không tạo được môi trường làm việc hạnh phúc khi không hiểu, không xác định được nhân viên đang mong muốn gì, bởi mỗi người có mưu cầu về cuộc sống khác nhau.
Vì vậy, người quản trị doanh nghiệp phải nắm được nhu cầu đó và có cách thức quản trị thời gian, để người lao động phát huy được tối đa năng lực, tinh thần hào hứng, nâng cao hiệu quả trong thời gian làm việc.
"Còn người lao động cũng cần thường xuyên tự phát triển bản thân, năng lực, trình độ cho mình để thích ứng với những yêu cầu mới. Bởi, bạn không thể yêu cầu doanh nghiệp trả lương 10 đồng nếu bạn chỉ làm việc giá trị 5 đồng", bà Duyên nhấn mạnh.