Hơn 4.000 cơ hội việc làm tại Gia Lai
(Dân trí) - Hội chợ việc làm tỉnh Gia Lai năm 2023 có hơn 30 doanh nghiệp tham gia với nhu cầu tuyển dụng hơn 4.000 lao động. Nhiều người đã vượt hàng trăm cây số tới để tìm công việc phù hợp.
Ngày 4/3, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai khai mạc Hội chợ việc làm năm 2023, với chủ đề "Hỗ trợ tư vấn - kết nối việc làm bền vững".
Tham gia hội chợ có 33 doanh nghiệp tuyển dụng trực tiếp và 30 doanh nghiệp ủy quyền cho Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh tư vấn, giới thiệu với nhu cầu tuyển dụng hơn 4.000 lao động.
Nhu cầu tìm việc tại chỗ lớn
Các lao động sau khi được tuyển dụng sẽ làm việc tại các khu công nghiệp, công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và các tỉnh, thành phía nam, với mức lương 7-20 triệu đồng/tháng.
Các công ty, doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh tuyển dụng ở rất nhiều ngành nghề như công nghệ thông tin - viễn thông, tài chính, dệt may, lắp ráp ô tô, xe máy, dịch vụ du lịch...
Với mong muốn tìm được công việc và mức thu nhập ổn định, chị Rơ Mah Gai (SN 1994, trú tại huyện Đức Cơ) đã vượt gần 100km để đến hội chợ từ sớm.
Chị Gai chia sẻ, lâu nay chị làm công nhân cạo mủ và trồng hoa màu ở vùng biên giới. Do cao su năm nay bị nhổ để trồng thay thế nên chị thất nghiệp. Một mình chị phải nuôi 2 con nhỏ nên cuộc sống trở nên khó khăn hơn.
"Vì phải nuôi 2 con nhỏ nên tôi mong muốn tìm việc làm trong tỉnh với thu nhập ổn định. Tôi có nguyện vọng tìm được công việc với nghề may", chị Gai bộc bạch.
Ông Rơ Mah Kưi (huyện Chư Păh) dẫn con trai sinh năm 2007 đi tìm việc làm. "Con trai học đến lớp 9 thì nghỉ học. Mình không muốn con chỉ quanh quẩn trong cái rẫy, cái nương, thu nhập không cao. Chính vì vậy, tôi đã dẫn cháu đến đây để tìm một công việc phù hợp với lứa tuổi, ngành nghề mà cháu yêu thích", ông Kưi nói.
Cơ hội vừa học, vừa làm cho lao động vùng khó
Bà Rcom Sa Duyên, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai, cho biết, thông qua hội chợ việc làm, thị trường lao động phát triển, giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn tỉnh.
Đây là cơ hội để học sinh, sinh viên và người lao động được tiếp xúc, trao đổi trực tiếp với người sử dụng lao động, đi làm việc ở nước ngoài hoặc học nghề trong quá trình vừa học vừa làm. Đặc biệt là lao động vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao nguồn nhân lực của địa phương.
Bên cạnh những thuận lợi thì công tác giải quyết việc làm của tỉnh Gia Lai còn có nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, việc làm ổn định có thu nhập cao còn hạn chế, tỉ lệ lao động làm việc trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ còn thấp.
Đặc biệt, những chính sách hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, chính sách hỗ trợ tạo việc làm chưa đồng bộ, chưa có nguồn lực đảm bảo thực hiện hiệu quả.
Tại hội chợ việc làm, nhiều đơn vị cũng tham gia tuyển lao động đi làm việc tại Nhật Bản, Hàn Quốc và du học sinh tại Đức với chỉ tiêu 1.500 người. Lao động khi học tập và làm việc tại thị trường nước ngoài sẽ được hưởng mức lương 20-70 triệu đồng/tháng, với việc làm tại nhà máy, làm nông nghiệp, điều dưỡng viên chăm sóc người già...
Bà Phạm Ngọc Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước, chia sẻ hội chợ tạo điều kiện thuận lợi giúp người lao động nói chung và người lao động khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn tiếp cận các chương trình đi làm việc ở nước ngoài với chi phí rất thấp.
Trong những năm vừa qua, Trung tâm đã phái cử gần 120.000 lượt lao động đi làm việc tại Hàn Quốc; hơn 8.000 thực tập sinh đi thực tập tại Nhật Bản, gần 1.000 điều dưỡng viên đi thực tập tại CHLB Đức.
Trong 2 năm gần đây, Trung tâm bắt đầu triển khai đưa lao động đi làm việc tại Đài Loan với các hình thức khác nhau.
"Khi người lao động có nguyện vọng sẽ được hỗ trợ học tập, đào tạo để tham dự kỳ thi tuyển chọn thực hiện theo đúng các hướng dẫn của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh thành. Đồng thời, khi thông qua trung tâm hoặc chính quyền địa phương sẽ phòng tránh các hành vi môi giới, lừa đảo", bà Lan nhấn mạnh.