Ba năm liên tiếp đưa hơn 10.000 lao động ra nước ngoài làm việc

Sơn Nguyễn

(Dân trí) - Năm 2024, Trung tâm Lao động ngoài nước đưa 10.400 lao động ra nước ngoài làm việc; tỷ lệ lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc giảm xuống còn 23%.

Thông tin trên được ông Đặng Huy Hồng, Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) nêu tại hội nghị tổng kết năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025, ngày 3/1.

Theo lãnh đạo Trung tâm Lao động ngoài nước, trong gần 10.400 lao động năm nay, chương trình EPS (chương trình cấp phép làm việc cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc) có 10.144 người, chương trình IM Japan (chương trình đưa thực tập sinh Việt Nam đi thực tập kỹ thuật tại Nhật) có 784 người, chương trình hộ lý Nhật Bản có 10 người…

Ba năm liên tiếp đưa hơn 10.000 lao động ra nước ngoài làm việc - 1

Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước Đặng Huy Hồng báo cáo tại hội nghị (Ảnh: Tống Giáp).

"Đây là năm thứ ba liên tiếp Trung tâm Lao động ngoài nước đưa hơn 10.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài trong một năm. Đặc biệt, tỷ lệ lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc đã giảm xuống còn 23%, trong khi tỷ lệ cam kết với phía Hàn Quốc năm nay là 28%", ông Hồng nói.

Ông Hồng lý giải, để đạt được kết quả này, trung tâm đã thực hiện các biện pháp cần thiết trong công tác tuyển chọn, đào tạo, rút ngắn thời gian làm thủ tục cho người lao động và thực tập sinh.

Trong năm 2024, Trung tâm Lao động ngoài nước đã phối hợp với các cơ quan liên quan của Hàn Quốc tổ chức thành công các kỳ thi tiếng Hàn cho 45.956 lao động. Đây cũng là năm ghi nhận số lượng lao động tham gia dự thi cao nhất trong vòng 10 năm qua.

Bên cạnh đó, Diễn đàn hợp tác lao động Việt Nam - Hàn Quốc, do Trung tâm Lao động ngoài nước phối hợp với với các đơn vị của Bộ tổ chức trong khuôn khổ chuyến thăm Hàn Quốc của Thủ tướng Chính phủ vào tháng 7/2024, đã tạo dấu ấn đậm nét, góp phần thúc đẩy hợp tác lao động giữa hai quốc gia.

Theo lãnh đạo Trung tâm Lao động ngoài nước, bên cạnh những thành quả đã đạt được, năm 2024 trung tâm cũng gặp không ít khó khăn và còn một số hạn chế.

Số lượng lao động được tuyển chọn và phái cử ở một số chương trình như IM Japan và chương trình thực tập sinh hộ lý Osaka chưa đạt được mục tiêu đề ra, do ảnh hưởng của các yếu tố khách quan như điều kiện làm việc, mức lương do các đối tác đưa ra.

Năm 2025, Trung tâm Lao động ngoài nước đặt mục tiêu duy trì, mở rộng và phát triển các thị trường lao động hiện tại cũng như các thị trường mới. Gia tăng số lượng lao động có tay nghề, đặc biệt là lao động từ các huyện nghèo, miền núi... tham gia vào các chương trình do đơn vị này triển khai.

Ghi nhận kết quả công tác của Trung tâm Lao động ngoài nước, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan mong muốn lãnh đạo, viên chức, người lao động của Trung tâm tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được.

Ba năm liên tiếp đưa hơn 10.000 lao động ra nước ngoài làm việc - 2

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan kết luận tại hội nghị (Ảnh: Tống Giáp).

Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH đề nghị, trong năm 2025, Trung tâm Lao động ngoài nước phối hợp với các đơn vị liên quan, sớm thúc đẩy việc ký kết Bản ghi nhớ về phái cử, tiếp nhận lao động với Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc trong khuôn khổ chương trình EPS.

"Tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp giảm là lợi thế giúp Việt Nam có thêm 'vốn liếng' trong đàm phán với phía Hàn Quốc nhằm tăng chỉ tiêu tiếp nhận lao động trong thời gian tới", Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan chia sẻ.

Bên cạnh đó, trung tâm cần rà soát, nghiên cứu và sửa đổi Bản ghi nhớ MOU để điều chỉnh tiêu chí tuyển chọn lao động đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản sao cho phù hợp với tình hình thực tế, qua đó nâng cao hiệu quả chương trình và thu hút thêm nguồn lao động tham gia.

Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cũng yêu cầu Trung tâm Lao động ngoài nước triển khai các thỏa thuận đưa lao động đi làm việc tại các thị trường mới. Đồng thời, trung tâm cần đề xuất với lãnh đạo Bộ và đàm phán với đối tác để mở rộng kênh tiếp nhận lao động, cũng như mở rộng các ngành nghề mới theo yêu cầu của đối tác.