Cà Mau dự chi hơn 87 tỷ đồng đưa 700 lao động đi làm việc ở nước ngoài

Huỳnh Hải

(Dân trí) - Trong năm 2025, tỉnh Cà Mau dự kiến đưa 700 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng với nhiều chính sách hỗ trợ.

Theo kế hoạch của UBND tỉnh Cà Mau, trong năm 2025, tỉnh này đưa 700 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.

Người lao động có hộ khẩu trên địa bàn tỉnh tham gia đề án đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài sẽ được hỗ trợ chi phí ban đầu và cho vay xuất cảnh (không áp dụng đối với lao động thời vụ tại Hàn Quốc).

Trong năm 2025, tỉnh dự kiến kinh phí để thực hiện việc này là hơn 87 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương và địa phương.

Tỉnh hỗ trợ người lao động một số chi phí như: đào tạo nghề, ngoại ngữ, tiền ăn, đi lại, khám sức khỏe, làm hộ chiếu, lý lịch tư pháp,…

Cà Mau dự chi hơn 87 tỷ đồng đưa 700 lao động đi làm việc ở nước ngoài - 1

Cà Mau triển khai nhiều chính sách hỗ trợ lao động đi nước ngoài làm việc (Ảnh: D.T).

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau được UBND tỉnh này giao kiểm tra, rà soát, chọn các doanh nghiệp có uy tín, đủ điều kiện pháp lý và có năng lực hoạt động trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để các đơn vị, địa phương và người dân biết, lựa chọn khi tham gia.

Phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo thực hiện công tác phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông 15-18 tuổi.

Sở cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý những trường hợp vi phạm trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

UBND tỉnh Cà Mau cũng đề nghị công an tỉnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để người lao động thực hiện các thủ tục xuất, nhập cảnh đảm bảo nhanh chóng, đúng quy định; giáo dục lao động chấp hành nghiêm pháp luật ở nước sở tại, không tham gia các hoạt động vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng đến công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Chủ động phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phát hiện và xử lý những hành vi lợi dụng công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để lừa đảo, gây thiệt hại cho người lao động.

UBND tỉnh Cà Mau cũng đề nghị các doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài cung cấp đầy đủ thông tin về thị trường lao động, hướng dẫn người lao động nắm vững và hiểu rõ cam kết, trách nhiệm và quyền lợi pháp lý theo hợp đồng.

"Tạo điều kiện giới thiệu những vị trí việc làm tại các thị trường, công ty đang tuyển để người lao động lựa chọn tham gia, giúp người lao động nhanh chóng có việc làm trở lại, có thu nhập ổn định cuộc sống", theo yêu cầu của UBND tỉnh Cà Mau.

Với người lao động, UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ đi làm việc ở nước ngoài được quy định theo các chủ trương, chính sách của tỉnh.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau, tính đến tháng 9, tỉnh này đã giải quyết việc làm cho hơn 42.400 lao động (đạt hơn 100% kế hoạch, tăng hơn 8% so với cùng kỳ năm 2023).

Trong đó giải quyết việc làm trong tỉnh 14.980 người; giải quyết việc làm ngoài tỉnh hơn 27.000 người; lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 400 người.