Anh quốc: Giao thông công cộng là rào cản tiếp cận cơ hội việc làm
Mặc dù có hệ thống giao thông công cộng và hạ tầng đường sắt tốt nhưng nhiều người thu nhập thấp lại coi đó là rào cản trong tìm kiếm công việc thích hợp do chi phí cao.
Vương quốc Anh vốn được xem là nơi có hệ thống giao thông công cộng tốt. Hạ tầng đường sắt cũng được phát triển gần như sớm nhất trên thế giới. Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây lại khẳng định sự nổi tiếng này không hẳn sẽ đi kèm với tiện lợi.
Trong một nhan đề của mình, tờ The Guardian cho đăng tải nghiên cứu của tổ chức vì cộng đồng JRF về mối liên hệ giữa phương tiện di chuyển, thu nhập và việc làm của dân cư phía Bắc nước Anh. Với các đối tượng tham gia phỏng vấn, xe bus là phương tiện di chuyển chính do thu nhập không đáp ứng được chi phí vé tàu hay đi lại bằng xe hơi.
Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ các gia đình khó khăn sinh sống quanh các thành phố Manchester và Leeds cho biết, phương tiện công cộng đang trở nên quá đắt đỏ và ngày càng thiếu độ tin cậy, góp phần cản trở họ tiếp cận các cơ hội việc làm. Xe bus thường xuyên không đúng giờ gây ảnh hưởng đến thời gian di chuyển, khiến người lao động gặp các rắc rối với nhà tuyển dụng. Nhiều người tìm việc phải từ chối công việc mong muốn do chi phí đi lại quá cao so với thu nhập được trả.
Nghiên cứu của JFR cũng cho thấy các công việc không đòi hỏi kỹ năng cao lại thường ở các khu vực xa xôi, khó tiếp cận bằng phương tiện công cộng. Tờ Financial Times lấy ví dụ cụ thể một thị trấn cách thành phố Manchester khoảng 18km, nằm ngoài khu vực có nhu cầu tuyển dụng cao. Mặc dù khoảng cách không quá xa nhưng để làm việc trong thành phố Manchester, người lao động phải bỏ ra trung bình 50 phút cho mỗi chiều đi lại giữa hai địa điểm bằng phương tiện công cộng.
Financial Times cũng dẫn số liệu từ Diễn đàn Kinh tế Thế giới, hệ thống hạ tầng nói chung của Vương quốc Anh đã tụt hạng từ thứ 19 năm 2006 xuống lần lượt thứ 24 và 27 trong 2 năm liên tiếp tính đến năm 2017. Một thống kê khác vào năm 2017 cho thấy đầu tư vào cơ sở hạ tầng của Anh cũng thuộc nhóm thấp nhất trong các nước G7. Dù vậy, theo báo này, chi phí cho phương tiện công cộng vẫn tăng đều và tăng cao hơn cả mức độ lạm phát.
Việc phải thường xuyên gặp khó khăn và mất thời gian đi lại mỗi ngày cũng sẽ tác động không tốt tới năng suất làm việc của người lao động. Chuyển nhà sẽ tốn kém và có thể không hợp lý nếu phải đổi công việc khác. Bất cập này dẫn tới nhiều ý kiến cho rằng cơ quan chức năng tại Anh cần thay đổi cái nhìn hiện tại về phát triển mạng lưới phương tiện công cộng.
Tờ The Guardian trích dẫn nhận định từ đại diện tổ chức đưa ra thống kê nói trên rằng chính phủ Anh cần đầu tư vào hệ thống di chuyển cả ở trong thành phố và các khu vực lân cận chứ không chỉ nên tập trung vào giao thông giữa các thành phố lớn. Thêm vào đó, việc đầu tư mạng lưới phương tiện công cộng chất lượng cao nên được xem là đầu tư vào năng suất lao động của quốc gia và góp phần thay đổi sự chênh lệch năng suất theo vùng.
Theo VTV.VN