Giảm giờ làm việc sẽ mang lại điều gì?
Tránh quá tải, tăng năng suất lao động và giảm tỷ lệ thất nghiệp là 3 lợi ích rõ nhất của việc giảm giờ làm tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Trên thực tế, việc giảm giờ làm việc đã tỏ ra hiệu quả không chỉ ở New Zealand, xu hướng này cũng đã và đang được giới chức nhiều quốc gia trên thế giới xem xét.
Hàn Quốc mới đây đã quy định giảm giờ làm việc xuống còn 52 giờ mỗi tuần thay vì 68 giờ như trước đây hay ở Pháp, nhân viên có quyền ngắt kết nối với chỗ làm hoàn toàn sau giờ làm việc, tránh tình trạng làm việc thêm quá nhiều giờ.
Những quyết định này đều dựa trên các nghiên cứu cho thấy việc giảm giờ làm việc đem lại một số lợi ích nhất định cho người lao động, chủ doanh nghiệp và cả nền kinh tế.
Tránh quá tải
Làm việc quá tải là tình trạng thường thấy ở người lao động tại nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia phát triển. Gần 30% người lao động Mỹ cho biết họ thường xuyên bị căng thẳng do quá tải trong công việc.
Tại Nhật Bản, một số liệu đáng giật mình mới được công bố cho thấy khoảng 20% nhân viên văn phòng có nguy cơ tử vong do làm việc quá sức. Việc cấm làm thêm giờ được các nhà khoa học khuyến khích nhằm tránh các trường hợp không mong muốn như vậy.
Tăng năng suất lao động
Việc giảm giờ làm tưởng chừng như sẽ khiến năng suất lao động giảm. Thế nhưng, trên thực tế, những công ty đã áp dụng giảm giờ làm tại Thụy Điển lại ghi nhận năng suất tăng cao hơn từ 20 đến 25%. Nguyên nhân là do sự hào hứng và năng động của các nhân viên khi đã dành đủ thời gian nghỉ ngơi và chăm sóc gia đình.
Bên cạnh đó, thời gian rảnh rỗi cũng là lúc để họ tái tạo năng lượng và nảy sinh các ý tưởng sáng tạo trong công việc.
Giảm tỷ lệ thất nghiệp
Với 6 triệu người làm việc trên 45 giờ/tuần và gần 2 triệu người không có việc làm, việc giảm giờ làm và thuê thêm nhân công được cho là giải pháp cho tình trạng thất nghiệp tại Anh.
Các số liệu tương tự cũng được ghi nhận ở nhiều quốc gia phát triển khác trên thế giới. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, giảm giờ làm việc là một trong những giải pháp mang lại nền kinh tế cân bằng và bền vững.
Theo VTV.VN