Anh nông dân tiết lộ tuyệt chiêu bắt cua núi Cấm kiếm bộn tiền mỗi ngày

Bảo Kỳ

(Dân trí) - "Để bắt cua, chúng tôi hay dùng cần câu buộc vài sợi dây thun làm mồi. Lúc này con cua thấy cọng thun tưởng con trùn, sẽ kẹp lại" - anh Hưng, một người sành bắt cua ở núi Cấm chia sẻ.

Núi Cấm (xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, An Giang) là ngọn núi cao nhất ở ĐBSCL. Ngoài những sản vật như trái su, bơ, măng tre, ốc núi… tại "nóc nhà" miền Tây còn một đặc sản trứ danh mang tên "cua đá" hay còn gọi là cua núi.

Anh nông dân tiết lộ tuyệt chiêu bắt cua núi Cấm kiếm bộn tiền mỗi ngày - 1

Sở dĩ chúng có tên cua đá cũng do tập tính đào hang và sống dưới các hốc đá hay các khe đá men theo dòng nước suối (Ảnh: Bảo Kỳ).

Sở dĩ chúng có tên cua đá cũng do tập tính đào hang và sống dưới các hốc đá hay các khe đá men theo dòng nước suối. Cua đá nhỏ như cua đồng nhưng màu sắc tím, đỏ bắt mắt. Cua rất khỏe, di chuyển cực nhanh. Đặc biệt loài cua này rất hung dữ. Nếu cua núi nhốt chung với cua đồng thì cua đồng sẽ bị kẹp gãy càng.

Trước đây, người dân hay bắt cua theo kiểu chụp tay không. Nghĩa là người dân sẽ đi soi, tìm cua trong các hốc đá ẩm ướt, khe suối, dùng cây khều ra rồi lấy tay chụp, hoặc chụp nhanh nếu gặp trên đường đi. Tuy nhiên, cách bắt này không hiệu quả, không được nhiều.

Tuyệt chiêu bắt cua kiếm tiền triệu của người dân trên đỉnh núi Cấm

Anh Nguyễn Trọng Hưng (40 tuổi), một người có hơn 30 năm kinh nghiệm bắt cua núi tiết lộ bí quyết bắt cua "độc, lạ", bắt con nào dính con đó.

"Mồi câu không dùng lưỡi mà dùng các cọng dây thun buộc thành chùm ngay đầu cần trúc có chiều dài khoảng 1,5 m. Người cầm cần câu chỉ cần nhấp nhử chùm dây thun trước hang, cua thấy chùm dây thun uốn éo qua lại như con trùn nên tưởng mồi, dùng càng kẹp bắt, người câu cua chỉ cần giật mạnh là kéo được cua ra khỏi miệng hang", anh Hưng tiết lộ.

Anh nông dân tiết lộ tuyệt chiêu bắt cua núi Cấm kiếm bộn tiền mỗi ngày - 2

Anh Nguyễn Trọng Hưng làm cần câu trúc để bắt cua núi (Ảnh: Bảo Kỳ).

Cũng nhờ cách này, công việc câu cua của bà con miền sơn cước trở nên nhàn hạ hơn. Nếu săn đúng vụ mùa cua núi sinh sôi nảy nở, người câu cua có thể kiếm vài trăm ngàn đồng thậm chí tiền triệu mỗi ngày.

Nói về điều này anh Hưng chia sẻ, cua núi có thể săn bắt quanh năm nhưng rộ nhất vào các tháng mùa mưa. Khi đó, đàn cua thường bò xuống các con suối kiếm ăn hoặc sinh sản. Nếu đi du lịch núi Cấm vào những tháng này, du khách dễ bắt gặp được cảnh cua núi bò ngang đường, khi ấy xe cộ qua lại chúng rúm ró đứng yên, có con hung hăn hơn thì giơ càng ra tự vệ.

Anh nông dân tiết lộ tuyệt chiêu bắt cua núi Cấm kiếm bộn tiền mỗi ngày - 3

Cua đá nhỏ như cua đồng nhưng màu sắc bắt mắt. Chúng rất khỏe, di chuyển cực nhanh (Ảnh: Bảo Kỳ).

"Thời điểm đó, mỗi ngày tôi có thể bắt được 3 - 4 kg cua núi là chuyện thường. Mỗi kg có giá từ 250.000 đến 300.000 đồng. Giờ nghịch mùa nên cua ít hơn. Mặt hàng này chủ yếu bán cho nhà hàng hoặc khách sành ăn", anh Hưng nói thêm.

Không chỉ đặc biệt về ngoại hình và tập tính, loài cua này còn "độc" ở chỗ, càng lên cao, kích thước của chúng càng lớn, màu càng rực rỡ, bắt mắt. Tuy nhiên, theo những thợ săn cua chuyên nghiệp, cua núi cỡ lớn ăn lại không ngon bằng những con cua nhỏ, cỡ 40-50 con/kg là vừa ăn nhất.

Anh nông dân tiết lộ tuyệt chiêu bắt cua núi Cấm kiếm bộn tiền mỗi ngày - 4

Mồi câu không dùng lưỡi mà dùng các cọng dây thun buộc thành chùm ngay đầu cần trúc có chiều dài khoảng 1,5 m (Ảnh: Bảo Kỳ).

Anh nông dân tiết lộ tuyệt chiêu bắt cua núi Cấm kiếm bộn tiền mỗi ngày - 5

Một con cua vừa bị dính mồi là cọng dây thun (Ảnh: Bảo Kỳ).

Anh nông dân tiết lộ tuyệt chiêu bắt cua núi Cấm kiếm bộn tiền mỗi ngày - 6

Cua được bắt ra khỏi hang (Ảnh: Bảo Kỳ).

"Có nhiều cách để chế biến cua núi như luộc, rang muối, hấp sả,… nhưng ngon nhất vẫn là rang me. Thịt cua thơm và ngọt hòa quyện cùng lớp gạch béo bùi ăn với cơm thì bắt miệng và ăn không thì bắt mồi", anh Phong tấm tắc tả.

Thợ săn cua kỳ cựu ở vùng núi Cấm An Giang cũng nói thêm, những năm gần đây, cua núi trở nên nổi tiếng, du khách đến núi Cấm du ngoạn đều muốn thưởng thức loài cua đặc sản này nên nhiều người đổ xô đi bắt cua để bán kiếm thêm thu nhập khiến số lượng cua núi giảm hẳn.

Anh nông dân tiết lộ tuyệt chiêu bắt cua núi Cấm kiếm bộn tiền mỗi ngày - 7

Cua núi hấp sả, chấm muối tiêu chanh, món ngon nức tiếng của vùng thất sơn (Ảnh: Bảo Kỳ).

Tuy nhiên, để giúp cua núi được sinh trưởng và phát triển, mang lại nguồn lợi bền vững, thay vì săn bắt tận diệt, người dân địa phương thống nhất chỉ bắt những con cua đực hoặc cua cái thường, với những con đang mang trứng, thợ săn cua sẽ thả lại để đảm bảo nguồn sinh sôi nảy nở, duy trì quần thể cua núi Cấm.