Ám ảnh nghề nghiệp của người đàn ông hơn 30 năm lái tàu hỏa

Với những người lái tàu, ám ảnh nghề nghiệp là điều không tránh khỏi. Có những người mất vài ngày để quên, có người mất cả tháng, thậm chí phải bỏ nghề.

Ám ảnh từ những chuyến đi

Bố mẹ đều công tác trong ngành đường sắt nên từ nhỏ, lái tàu Hoàng Ngọc Sơn (sinh năm 1966, sống tại Hà Nội) đã quen dần với tiếng tiếng còi tàu, tiếng xình xịch của đầu máy, dòng người lên xuống tấp nập… trên những chuyến tàu. Chính vì đó, ước mơ trở thành người lái tàu của cậu bé năm nào cũng lớn dần lên.

Những âm thanh, hình ảnh của tàu hỏa trở nên quen thuộc với lái tàu Hoàng Ngọc Sơn từ nhỏ.
Những âm thanh, hình ảnh của tàu hỏa trở nên quen thuộc với lái tàu Hoàng Ngọc Sơn từ nhỏ.

Năm 18 tuổi, sau khi học xong Trung học phổ thông, Hoàng Ngọc Sơn quyết định theo học nghề lái tàu. Kết thúc 4 năm học, ông về xí nghiệp đầu máy Hà Nội làm việc với vị trí lái phụ 7 năm, vượt qua quá trình sát hạch và trở thành lái chính khi tròn 29 tuổi.

“Lần đầu ngồi ở vị trí người lái chính, tôi vui mừng nhưng không tránh khỏi sự lo lắng, xen lẫn sự sợ hãi khi phía sau tay lái của mình là tính mạng của hàng trăm hành khách”, ông Sơn chia sẻ.

Trải qua 34 năm, hiện tại ông Sơn vẫn đang làm việc tại xí nghiệp đầu máy Hà Nội, chuyên lái những chuyến tàu Bắc – Nam. Trong quá trình công tác của mình, người đàn ông với dáng người mảnh khảnh đã từng chứng kiến biết bao vụ tai nạn thương tâm, đau lòng nhất chính là sự bất lực khi không thể tránh khỏi những điều đó.

“Mỗi lần nhìn thấy nguy hiểm, bản thân mỗi người lái tàu đều có sự lo lắng nhưng sự tỉnh táo, bình tĩnh luôn là điều cần thiết. Khi rơi vào tình huống đó thì mắt luôn phải quan sát và tay liên tục phải bấm còi khi thấy có chướng ngại vật đe dọa”, ông Sơn chia sẻ.

Theo người lái tàu này, với tốc độ di chuyển trung bình khoảng 70-80km/h thì việc nhìn thấy chướng ngại vật bằng mắt thường rất khó xử lý.

Ông bắt đầu giải thích, do tàu phanh bằng gió ép nên khi bắt đầu hãm phanh thì cự ly hãm vào khoảng 500 – 600m tàu mới có thể dừng hẳn trong khi mắt thường có khả năng nhìn thấy chướng ngại vật từ 1km trở lại.

Hai tiếng trước giờ tàu chạy, những lái tàu phải có mặt ở xí nghiệp để chuẩn bị cho chuyến đi.
Hai tiếng trước giờ tàu chạy, những lái tàu phải có mặt ở xí nghiệp để chuẩn bị cho chuyến đi.

Trước giờ tàu chạy 2 tiếng, ông Sơn cũng giống như những đồng nghiệp khác chỉn chu trong bộ đồng phục màu xanh, đến kiểm tra sức khỏe, lịch trình và đầu máy tàu chuẩn bị cho chuyến đi.

“Với những lái tàu như chúng tôi, ám ảnh nghề nghiệp là điều không bao giờ tránh khỏi. Có những người mất mấy ngày để quên đi, có những người mất cả tháng, thậm chí bỏ nghề vì không chịu nổi”. Đôi mắt ông trũng xuống, một chút ngập ngừng rồi tiếp tục kể. Vào đầu năm 2006, ông Sơn được giao chuyến tàu chở hành khách từ ga Hà Nội vào ga Vinh. Trong chuyến hành trình, ông có một chút phấn khởi, vui vẻ bởi chuyến đi về Nghệ An (quê hương ông) nhưng kèm theo đó là sự hồi hộp, lo lắng.

Khi đoàn tàu đi đến địa phận xã Nghi Liên, TP.Vinh (Nghệ An) thì không may gặp sự cố. Lúc đó vào khoảng 9h30 phút thì bất ngờ ông và người phụ lái nhìn thấy một chiếc ô tô con 6 chỗ màu trắng đang dừng ngay cạnh đường ray. Tàu càng di chuyển lại gần thì bất ngờ có một người đàn ông trung niên thản nhiên bước ra, trên tay cầm chiếc điện thoại. Vừa nói chuyện, ông ta vừa chậm rãi bước lên đường ray.

“Mặc dù, thời điểm ấy tôi ra sức bấm còi báo hiệu, nhưng ông ta không để ý mà vẫn đứng đó tiếp tục cuộc nói chuyện. Thấy tình hình nguy cấp, tôi rung chuông để cảnh báo và dùng hệ thống phanh khẩn cấp để dừng đoàn tàu. Do khoảng cách quá gần, tàu không thể dừng bánh kịp và tàu đã đâm vào người đàn ông kia, nạn nhân tử vong ngay tại chỗ”, ông Sơn kể.

Chuyến đi kết thúc, ông Sơn đã phải xin nghỉ vài ngày để có thể ổn định tinh thần.

Với những người lái tàu, có những vết thương sẽ không bao giờ lành bởi người ra đi sẽ không bao giờ có thể trở lại được. Ông nói rằng những người làm nghề lái tàu không muốn kể ra những sự cố kinh hoàng ấy, chỉ muốn quên đi nhiều hơn là nhớ đến.

Những tờ thông báo lịch trình luôn đặt ở khu vực vô lăng để người lái ghi nhớ.
Những tờ thông báo lịch trình luôn đặt ở khu vực vô lăng để người lái ghi nhớ.

“Thót tim” những nạn nhân thoát chết

Bên cạnh những chuyến đi khiến người lái tàu ám ảnh, họ cũng có những chuyến đi “thót tim” vì chứng kiến những trường hợp hy hữu thoát chết trong gang tấc. Nhắc đến điều này, khuôn mặt ông giãn ra.

Cách đây vài năm, vào một buổi chiều mùa hè, ông cùng đồng nghiệp theo hành trình của chuyến tàu Hà Nội – Lạng Sơn. Đến gần địa phận ga Thị Cầu, tỉnh Bắc Ninh thì bất ngờ ông nhìn thấy một cháu bé khoảng 10 tuổi đang nằm ngủ giữa đường tàu, cách đầu tàu khoảng 300m dưới bóng râm của hàng cây xà cừ. Lúc ấy, ông và người lái phụ chỉ biết hò hét, rung chuông cảnh báo nhưng em bé vẫn không tỉnh dậy.

"Cuối cùng, tôi đành bất lực kéo phanh khẩn cấp cho đoàn tàu dừng lại. Tuy nhiên khoảng cách quá gần nên đoàn tàu đã chạy qua người đứa bé”, ông Sơn kể.

Thấy đoàn tàu dừng bánh, hành khách bắt đầu nhốn nháo, ông Sơn lập tức báo với trưởng tàu và cùng đoàn xuống tàu tìm em bé.

Lúc ấy, ông Sơn chỉ hy vọng điều kỳ diệu xảy ra bởi con tàu dường như lao thẳng vào người đứa trẻ.

“Giây phút tưởng chừng như sự sống đã tắt, ông bất ngờ nhìn thấy ánh mắt đứa trẻ từ phía trong đầu máy. Tôi nhanh chóng kéo đứa nhỏ ra ngoài, nhìn thấy nó không sao, trên người chỉ dính một ít dầu mỡ của động cơ khiến tôi hoàn hồn và vui mừng hơn bao giờ hết.

Giữa đầu máy và đường ray có một khoảng trống lớn, khi tàu lao đến, thằng bé nằm lọt thỏm trong đó cộng thêm việc đứa trẻ đang ngủ, không có phản ứng tháo chạy nên may mắn thoát chết”, ông Sơn chia sẻ.

Hơn 30 năm gắn bó với nghề, ông Sơn và những đồng nghiệp luôn tự nhắc nhở phải cẩn thận để đảm bảo sự an toàn cho hành khách.
Hơn 30 năm gắn bó với nghề, ông Sơn và những đồng nghiệp luôn tự nhắc nhở phải cẩn thận để đảm bảo sự an toàn cho hành khách.

Cũng trong một chuyến tàu Bắc – Nam khác, khi đi qua khu vực ga Phủ Lý, cách khoảng 500m, người lái tàu nhìn thấy nam thanh niên đang ngồi ở quán nước bên đường bất ngờ chạy ra nằm giữa đường tàu. Trước tình huống đó, ông nhấn chân phanh, bấm cảnh báo nhưng người thanh niên vẫn không phản ứng, đoàn tàu vẫn lao thẳng qua.

Chuyến tàu dừng lại và mọi người bắt đầu đi dọc đường ray để tìm nạn nhân. Thế nhưng, may mắn người thanh niên chỉ bị xây xát do va quệt với máy móc chứ không thiệt mạng.

Khi kéo người thanh niên ra khỏi đường ray tàu hỏa anh ta còn trách “Sao các ông không để tôi chết đi?”

Ba hôm sau, ông Sơn nghe chuyện đồng nghiệp của mình cũng xảy ra tai nạn khiến một thanh niên tử vong ngay tại khu vực gần nhà ga này.

Hàng chục năm lái tàu, từng chứng kiến biết bao vụ tai nạn đường sắt càng khiến ông Sơn và những đồng nghiệp của mình tự nhắc nhở phải tập trung khi di chuyển, ghi nhớ những khúc cua, khu vực nguy hiểm để có thể đảm bảo an toàn cho hành khách.

Ông cũng không khỏi xót xa cho những người đồng nghiệp xấu số của mình trong vụ tai nạn đường sắt thương tâm tại khu gian ga Khoa Trường, xã Trường Lâm (huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) cuối tháng 5 vừa qua.

“Người lái tàu khi ấy có thể chỉ cần 5 – 7 giây để thoát thân nhưng chính ý thức của con người và trách nhiệm nghề nghiệp không cho phép chúng tôi làm điều đó. Khi gặp tình huống nguy hiểm, những người thuộc đoàn phải cố gắng hết sức để có thể đảm bảo sự an toàn cho hàng trăm hành khách. Giả sử rơi vào hoàn cảnh tương tự, tôi cũng sẽ hành động vậy thôi”, ông Sơn vừa nói vừa có chút nghẹn ngào.

Bước sang tuổi 53, nhiều người bảo ông Sơn sao chưa lập gia đình, có người chia sẻ buồn vui nhưng: “Có lẽ cái duyên, nợ chưa đến cộng thêm cánh lái tàu thường đi biền biệt, thì ai thông cảm được”, ông Sơn nói.

“Tôi cũng chỉ hy vọng bản thân có đủ sức khỏe để tiếp tục với những chuyến hành trình. Những chuyến tàu đi đến nơi, về đến chốn, tàu về đúng giờ, an toàn là vui lắm rồi”, người lái tàu chia sẻ./.

Tại lễ kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc năm 2018, lái tàu Hoàng Ngọc Sơn là một trong những công nhân tiêu biểu có thành tích suất sắc trong lao động.

Theo Nguyễn Như/VOV.VN