Kon Tum: Bí quyết làm giàu bất ngờ của nông dân khi

90% cây rừng chết trắng, nông dân áp dụng cách làm giàu "có một không hai"

Phạm Hoàng

(Dân trí) - Trước hiện trạng cây rừng chết hàng loạt, tỷ lệ sống rất thấp khi các hộ dân vùng cao trồng xen rẫy mì, chính quyền huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum đưa ra giải pháp giúp dân "lấy ngắn nuôi dài" hiệu quả.

Tỷ lệ cây sống thấp vì rừng xen rẫy

Trong những năm qua, công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng luôn được chính quyền các cấp quan tâm, người dân cũng tích cực tham gia trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc.

Từ năm 2021, tại huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum đã có 7 cộng đồng với 250 hộ dân trên 11 xã đăng ký trồng rừng trên diện tích gần 250ha. Các loại cây trồng bao gồm thông ba lá và cây sơn tra...

Việc trồng rừng được kỳ vọng sẽ phủ xanh đồi trọc các diện tích đất lâm nghiệp. Bên cạnh đó, người dân tham gia trồng rừng cũng hưởng lợi từ việc chăm sóc, bảo vệ rừng. 

Tuy nhiên, việc trồng rừng vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong đợi bởi tỷ lệ cây sống thấp. 

90% cây rừng chết trắng, nông dân áp dụng cách làm giàu có một không hai - 1

Nhiều diện tích rừng do các hộ dân trồng ở huyện Tu Mơ Rông bị chết trắng hoặc tỷ lệ sống chỉ đạt 10% (Ảnh: Tấn Long).

Ông Dương Đăng Khoa, Chủ tịch UBND xã Đắk Hà cho biết, tỷ lệ diện tích rừng trồng sống trên địa bàn chỉ đạt 40%. Qua rà soát, nhiều hộ tỷ lệ sống chỉ đạt 10%.

Sau 3-4 năm, nếu nghiệm thu không thành rừng thì bà con sẽ rất thiệt thòi vì không được hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng và lãng phí nguồn ngân sách được hỗ trợ trước đó.

Theo ông Khoa, các diện tích đăng ký trồng rừng trên thường là nương rẫy cũ của bà con. Sau đó, xã rà soát và vận động người dân cùng trồng rừng trên đất lâm nghiệp.

Khi thực hiện việc trồng rừng, người dân đã xen canh thêm các loại cây nông nghiệp ngắn ngày. Trong quá trình chăm sóc, bà con lại sử dụng nhiều phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, đặc biệt là thuốc cỏ khiến cho cây rừng bị chết.

Đơn cử các hộ gia đình Y Thi, Y Nga, A Dãi (thôn Mô Pa, xã Đăk Hà) trồng hơn 1.000 sơn tra. Tuy nhiên, qua 2 năm chăm sóc, số cây được cấp phát đều đã chết trắng hoặc tỷ lệ sống dưới 10%.

90% cây rừng chết trắng, nông dân áp dụng cách làm giàu có một không hai - 2

Vì tỷ lệ cây rừng sống thấp nên các xã phải huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ người dân trồng dặm lại (Ảnh: Tấn Long).

Trao đổi với phóng viên Dân trí, chị Y Nga cho hay: Từ lâu, gia đình đã trồng mì, lúa trên diện tích khoảng 1,3ha. Vào năm 2021, chính quyền vận động gia đình trồng hơn 1.000 cây sơn tra trên diện tích này. Gia đình cũng thực hiện trồng xen canh cây sơn tra với mì. Tuy nhiên, việc trồng xen cây mì và cây sơn tra khiến cây sơn tra chết dần.

Gia đình chị Y Nga cũng muốn trồng rừng theo hướng dẫn của xã. Tuy nhiên, nếu chỉ trồng rừng thì gia đình không có thu hoạch sớm để sinh kế nuôi 3 người con nhỏ, đang tuổi ăn học.

Chính vì vậy, gia đình mới trồng xen cây mì và các loại cây ngắn ngày khác trên đất trồng rừng. Điều này dẫn đến việc cây rừng sẽ không phát triển tốt như các hộ trồng riêng.

Giúp dân "lấy ngắn nuôi dài" hiệu quả

Trước việc cây rừng có tỷ lệ sống thấp, UBND huyện Tu Mơ Rông chỉ đạo các xã đánh giá lại hiệu quả chất rừng trồng năm 2021. Qua đó, xây dựng kế hoạch hướng dẫn bà con trồng dặm lại đối với những diện tích rừng trồng có tỷ lệ sống thấp, chưa đảm bảo mật độ theo hồ sơ thiết kế.

Đồng thời, huyện vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn hỗ trợ kinh phí, cây giống để phối hợp người dân trồng, chăm sóc.

Theo Chủ tịch UBND xã Đắk Hà, đầu năm nay, xã cũng đã huy động mọi nguồn lực xã hội hóa để giúp người dân trồng dặm lại cây rừng bị chết.

Để tránh việc cây chết như các năm trước, xã luôn kiểm tra, giám sát việc trồng dặm rừng lại rừng; hướng dẫn cho người dân cách bón phân, rào chắn bảo vệ; triển khai các biện pháp phòng cháy, chữa cháy, sâu bệnh hại cây.

Để lo cho người dân có lương thực duy trì cuộc sống và phát triển kinh tế trên diện tích rừng trồng, xã hướng dẫn bà con trồng sâm dây, dứa dưới tán rừng, cũng như cách tạo hàng, thu hoạch tránh tác động đến cây rừng.

90% cây rừng chết trắng, nông dân áp dụng cách làm giàu có một không hai - 3

Người dân xen canh dứa dưới tán rừng thông (Ảnh: Tấn Long).

Một trong những người dân thực hiện quả trong việc xen canh với cây rừng là anh Vi Văn Chồm, Trưởng thôn Ty Tu, xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông.

Anh Chồm đã nhận hơn 1.000 cây thông để trồng trên diện tích 1ha đất lâm nghiệp mà gia đình đã canh tác trước đó. Tận dụng các tán rừng thông, anh Chồm tiếp tục trồng xen canh cây dứa.

Trải qua hơn 2 năm, hàng nghìn cây thông đã phát triển tươi tốt, tỷ lệ sống đạt trên 70%. Vừa mới vào vụ bói nhưng vườn dứa dưới tán thông của anh Chồm đã thu về hơn 50 triệu đồng.

90% cây rừng chết trắng, nông dân áp dụng cách làm giàu có một không hai - 4

Nhận thấy lợi ích từ trồng rừng, anh Chồm đã trồng xen canh dứa, mắc ca và đạt hiệu quả kinh tế gấp nhiều lần so với trồng mì, lúa rẫy (Ảnh: Tấn Long).

Anh A Chồm cho hay: "Khi nhận được giống thông, tôi đã trồng trên diện tích đất rẫy mà gia đình canh tác từ lâu. Tôi cũng tận dụng khoảng đất trống dưới rừng thông để xen canh thêm dứa, vừa giúp rừng trồng tránh cỏ mọc và thêm chi phí duy trì cuộc sống, nuôi gia đình".

Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum cho biết, tỷ lệ cây rừng sống thấp cũng do nhiều nguyên nhân như: Việc chăm sóc, bảo vệ của người dân chưa hiệu quả; chi phí đầu tư để trồng rừng cao, thời gian thu hoạch lâu khiến dân chưa mặn mà. Nhiều vùng khó khăn, người dân trồng xen canh với cây nông nghiệp khiến cây rừng chết hàng loạt".

Trước những nguyên nhân trên, huyện đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra thực tế và đưa ra giải pháp phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả việc trồng rừng, phủ xanh đồi trọc.

Từ đó, địa phương hướng dẫn người dân triển khai các mô hình xen canh hiệu quả dưới tán rừng, giúp người dân vừa có thể hưởng lợi từ các loại cây dưới tán rừng vừa có nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng..