9 tháng đầu năm, hơn 1.100 CEO Mỹ từ chức
Thống kê trong 3 quý đầu năm 2019, tỷ lệ luân chuyển CEO cao nhất trong gần 2 thập kỷ qua...
2019 là năm có tỷ lệ luân chuyển CEO cao nhất trong 3 quý đầu năm kể từ khi Challenger, Gray, & Christmas bắt đầu theo dõi con số này vào năm 2002.
Trong đó, ngành công nghiệp điện tử và viễn thông có số lượng CEO từ chức cao nhất với 159 người, tăng 21% so với 131 CEO vào cùng kỳ năm ngoái.
Theo sau là ngành công nghệ với 154 người, trong đó có vụ ra đi ồn ào của Adam Neumann, người sáng lập WeWork và Kevin Burns - CEO của Juul.
Đứng thứ ba là ngành sản xuất sản phẩm chăm sóc sức khỏe, với 94 CEO từ chức, giảm 3% so với 96 CEO năm trước.
Ngành tài chính có số lượng CEO từ chức ít hơn, với 91 người, giảm 12% so với 103 người cùng kỳ năm trước, trong đó có sự ra đi của Wells Fargo - CEO Wells Fargo, ngân hàng lớn thứ thế giới theo giá trị vốn hoá.
Một trong những trường hợp đáng chú ý là việc CEO Devin Wenig của eBay từ chức hồi tháng 9 do bất đồng với hội đồng quản trị khi công ty này thúc đẩy chiến lược tái cơ cấu tài sản. Hôm 22/10, CEO của hãng thời trang thể thao Under Armour và Nike cùng tuyên bố từ chức, chỉ cách nhau vài giờ.
Đầu tháng này, hội đồng quản trị hãng đồ ăn nhanh McDonald's đã bỏ phiếu sa thải CEO Steve Easterbrook vì có quan hệ tình cảm với một nhân viên, trái với quy định của công ty.
Hôm thứ năm tuần trước (7/11), CEO của hãng thời trang Gap, Art Peck, từ chức sau 15 năm làm việc ở nhiều vị trí khác nhau tại công ty, gồm 4 năm làm giám đốc điều hành. Gap không cho biết lý do ông nghỉ việc. Thành viên hội đồng quản trị Robert Fisher sẽ tạm thời thay ông Art Peck giữ vị trí CEO.
Cùng ngày, Tim Sloan, CEO Wells Fargo, chính thức tuyên bố nghỉ hưu, sau 8 năm điều hành ngân hàng này. Thông báo này đã giúp cổ phiếu Wells Fargo tăng 2,5%. Trong thời gian ngân hàng này tìm kiếm nhân sự thay thế, Allen Parker - cố vấn chung của Tim Sloan - sẽ tạm thời giữ vai trò CEO và chủ tịch hội đồng quản trị.
"Thời gian tại vị của CEO giờ đây ngắn hơn", Jeffrey Sonnenfeld, phó hiệu trưởng trường Quản trị Yale, cho biết. "Khi những lời khoa trương và hoa mỹ không đúng với thực tế, hội đồng quản trị sẽ buộc các CEO phải chịu trách nhiệm".
Bên cạnh đó, theo một khảo sát hồi tháng 9, những bất ổn do chiến tranh thương mại và tăng trưởng kinh tế giảm tốc khiến CEO của các công ty lớn nhất tại Mỹ hạ triển vọng đối với nền kinh tế Mỹ.
"Nhiều CEO muốn ra đi. Họ muốn đi khi mọi thứ vẫn còn tốt đẹp", ông Sonnenfeld cho biết.
Theo Andrew Challenger, phó chủ tịch của Challenger, Gray & Christmas, "với những bất ổn ngày càng gia tăng trên thị trường toàn cầu, thực tế rằng rất nhiều công ty đang chọn thời điểm này để tìm lãnh đạo mới không phải là sự ngẫu nhiên".
Theo báo cáo trên, trong số các CEO thôi chức trong ba quý đầu năm, có 438 người vẫn đảm nhiệm các vị trí khác ở công ty của mình, 292 người nghỉ hưu và 103 người chuyển sang công ty khác.
Theo Minh Nhật/Vneconomy.vn