9 loại nhân viên và cách quản lý hiệu quả
Trên cương vị một nhà lãnh đạo, bạn cần hiểu rõ những người làm việc cho mình và cách giúp cho họ tỏa sáng.
Các nhà lãnh đạo tốt đều biết rằng nếu muốn nhân viên của mình đạt hiệu quả tốt nhất, thì trước hết họ cần được tạo động lực đúng đắn. Quả thật, các nghiên cứu đều chỉ ra rằng các nhân viên được trao đổi nhiều với lãnh đạo sẽ có hơn 50% khả năng vượt qua chỉ tiêu của họ.
Nhiều bằng chứng khác cũng cho thấy cảm giác thành công và hạnh phúc của con người được hình thành khi các động lực cá nhân được đáp ứng, chứ không nhất thiết phải là tiền bạc.
Bản thân mỗi người đều có một nhóm các động lực cá nhân riêng, nhưng tựu chung thì theo chuyên gia tâm lý James Sale có thể chia các nhân viên của bạn ra thành 9 loại khác nhau. Bằng cách xác định nhân viên nào gần với loại người nào nhất, bạn sẽ có thể giúp đỡ họ tốt hơn.
1. Cận vệ
Nhóm này thích tìm kiếm sự an toàn và ổn định. Họ thích các doanh nghiệp đã đi vào hoạt động ổn định với các vị trí rõ ràng, họ thích một trật tự được lập sẵn và con đường thăng tiến rõ ràng.
Điều nhà lãnh đạo cần làm là giao tiếp thật nhiều với các nhân viên trong nhóm này. Bạn có thể cung cấp cho họ những tin tức tốt về doanh nghiệp, và cho họ biết tình hình chung của công ty là như thế nào.
Hãy nhớ rằng việc được cung cấp thông tin chính xác và thường xuyên như vậy sẽ tạo động lực cho họ rất nhiều, dù là qua những cuộc họp định kỳ hay chỉ là email thông báo.
Nhóm này muốn có sự liền lạc và nhất quán từ cấp trên. Hãy cho họ biết những gì bạn mong đợi từ họ, cho họ thấy việc đạt mục tiêu đi kèm với sự an toàn trong sự nghiệp, và hỗ trợ họ thông qua các giai đoạn thay đổi. Từ đó, hãy khen thưởng, đánh giá cao sự trung thành và tin tưởng của họ.
2. Bạn bè
Những nhân viên ở nhóm này tìm kiếm các mối quan hệ thân thiết và tình bạn. Họ thích những tổ chức có tinh thần tập thể mạnh mẽ, các hoạt động xã hội tuyệt vời và được tiếp cận nhiều cơ hội để giúp đỡ người khác.
Họ được động viên khi được hỗ trợ, được lắng nghe và được tham gia vào các hoạt động xung quanh. Họ thích các sự kiện xã hội và một nền văn hóa doanh nghiệp chú trọng vào con người.
Họ cũng sẽ rất cảm kích nếu bạn sẵn sàng đứng ra bảo vệ họ khi cần thiết. Bạn nên thường xuyên hỏi họ "Các bạn nghĩ gì về điều X?" và cho thấy là bạn tin tưởng họ.
3. Ngôi sao
Những người này tìm kiếm sự công nhận, tôn trọng và địa vị xã hội. Họ thích các đặc quyền có thể dễ dàng nhìn thấy được, vị trí nổi bật và cơ hội để tỏa sáng.
Hãy thúc đẩy họ bằng các giải thưởng và địa vị. Hãy đưa họ tham gia vào các dự án quan trọng, mang lại cho họ cơ hội phát triển nghề nghiệp rõ ràng và thường xuyên xem xét việc thực hiện chỉ tiêu của họ.
Đây là nhóm đối tượng thường xuyên đưa ra các phản hồi tích cực và yêu thích sự chú ý, do đó khi họ đạt được một mục tiêu đầy tham vọng nào đó, hãy nhớ thưởng cho họ một cách công khai.
4. Đốc công
Những người này yêu thích quyền lực, sự ảnh hưởng và việc kiểm soát người khác. Họ thích nhận vai trò quản lý hoặc lãnh đạo với trách nhiệm rõ ràng, cụ thể và họ cũng ưa thích các triển vọng tiến xa hơn trong nghề nghiệp.
Bạn nên giao cho họ nhiều trách nhiệm và sức ảnh hưởng, giới thiệu cho họ một người huấn luyện tốt, và đưa cơ hội để họ có thể đóng trọn vai trò. Hãy cung cấp cho họ một chức vụ phản ánh quyền lực, và bạn cũng có thể đào tạo hoặc huấn luyện nhiều hơn để giúp họ đạt được sự bứt phá.
5. Xây gia tài
Nhóm này luôn tìm kiếm tiền bạc và lợi ích vật chất để đảm bảo duy trì cuộc sống trên mức trung bình. Họ thích có sự đi đôi liền mạch giữa năng lực và phần thưởng.
Đây là đối tượng nhân viên dễ dàng bị thúc đẩy bởi tiền bạc và vật chất. Họ sẽ tràn đầy sinh lực nếu có con đường thăng tiến rõ ràng, được đánh giá tiến độ thường xuyên, và nhận được thêm trách nhiệm.
Bạn cần mang lại cho có các mục tiêu rõ ràng và hãy gắn liền chúng với các phần thưởng, đặc biệt là tài chính. Thêm vào đó, hãy cổ vũ tinh thần cạnh tranh của họ bằng các trò chơi, hoạt động thể thao và các cuộc thi: tất cả những thứ đó cũng sẽ giúp bạn đẩy mạnh tinh thần làm việc của họ.
6. Chuyên gia
Các nhân viên này luôn tìm tòi kiến thức và thích làm chủ chuyên môn. Họ thích các vị trí đòi hỏi kiến thức và kỹ năng chuyên môn.
Nhóm này thích những môi trường mà trong đó năng lực cá nhân đi kèm với sự công nhận. Họ muốn có cơ hội để chia sẻ chuyên môn của mình, đặc biệt là về những gì mà họ quan tâm.
Họ thích những mục tiêu nhiều tham vọng, và thích trở thành hướng dẫn hoặc cố vấn cho những người khác. Bạn nên khuyến khích họ giao lưu với các chuyên gia khác và tiếp tục đẩy mạnh chuyên môn của mình.
7. Nhà phát minh
Nhóm này luôn chạy theo sự đổi mới, sáng tạo và các cơ hội. Họ thích giải quyết vấn đề, tư duy theo nhiều góc cạnh; họ tìm thấy chính mình trong các công ty sáng tạo với môi trường đầy thách thức.
Hãy dẫn họ đến với những ý tưởng, đem lại cho họ những vấn đề cần gỡ rối hay các dự án cần đến sự độc đáo. Hãy khen thưởng các ý tưởng sáng tạo đến từ họ.
Tránh đặt nhóm người này trong cùng một vai trò quá lâu, vì họ dễ dàng chán và nhanh chóng mất động lực. Hãy “xốc tung” văn phòng của bạn và tạo ra những không gian cho họ thỏa sức sáng tạo.
8. Nghệ sĩ
Những nhân viên kiểu này yêu thích sự tự do, độc lập và tự chủ. Họ lựa chọn những vị trí tự do để có thể kiểm soát thời gian riêng của mình, để đưa ra quyết định của riêng mình và tự do hành động.
Bạn có thể khuyến khích họ bằng cách chia sẻ tầm nhìn và mục tiêu của công ty, ủy thác trách nhiệm và cho phép họ làm việc độc lập. Những hạn chế, quy tắc hay thủ tục rườm rà có thể khiến họ chán nản, vì nhóm này ghét sự quan liêu.
Hãy rõ ràng và cụ thể về mục tiêu của họ; tránh việc quản lý theo kiểu chỉ tay từng chút một. Thay vào đó, hãy tạo ra ranh giới rạch ròi cung cấp cho họ sự tự do mà họ cần.
9. Nhà thám hiểm
Những con người này thường đi tìm ý nghĩa, mục đích và có mong muốn tạo nên sự khác biệt. Họ thích các doanh nghiệp có mục đích rõ ràng, và được thúc đẩy bởi các cơ hội học tập cũng như trực tiếp gặp gỡ với khách hàng.
Động cơ hàng đầu dành cho nhóm này là những lời khen ngợi và phản hồi thường xuyên. Họ sẽ được lên tinh thần bằng cách liên kết mục tiêu của cá nhân họ với những mục tiêu chung, và từ đó nhận lại phản hồi về việc họ đã tạo nên sự khác biệt như thế nào.
Hãy cung cấp cho họ nhiều công việc quan trọng, đa dạng để giúp họ nhìn thấy bức tranh cuộc sống lớn hơn.
Theo Doanh nhân Sài gòn/ The Guardian