1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

82% người tìm việc có bằng đại học, doanh nghiệp chỉ cần lao động phổ thông

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Trong 6 tháng đầu năm, thị trường lao động TPHCM tiếp tục xuất hiện tình trạng trong cung cầu lao động có tỷ lệ chênh lệch rất lớn về trình độ chuyên môn.

82% người tìm việc có bằng đại học, doanh nghiệp chỉ cần lao động phổ thông - 1

Cung cầu lao động tại TPHCM còn có sự chênh lệch lớn về trình độ chuyên môn (Ảnh minh họa: Hữu Khoa).

Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi) vừa có báo cáo tình hình thị trường lao động việc làm 6 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn thành phố.

Để thực hiện báo cáo, Falmi đã thực hiện khảo sát 23.550 lượt doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng 158.600 chỗ làm việc và 79.000 người có nhu cầu tìm việc làm.

Kết quả khảo sát cho thấy, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp tập trung chủ yếu ở khu vực thương mại - dịch vụ với 108.673 chỗ làm việc, chiếm 68,52% tổng nhu cầu nhân lực; khu vực công nghiệp - xây dựng với 49.848 chỗ làm việc, chiếm 31,43%; khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản với 79 chỗ làm việc chiếm 0,05%.

Về trình độ chuyên môn, nhu cầu tuyển dụng ở lao động đã qua đào tạo cần 137.649 chỗ làm việc, chiếm 86,79% tổng nhu cầu nhân lực.

Trong đó, nhu cầu tuyển dụng đối với trình độ đại học trở lên cần 28.992 chỗ làm việc chiếm 18,28% tổng nhu cầu nhân lực; cao đẳng cần 29.817 chỗ làm việc chiếm 18,8%, trung cấp cần 34.702 chỗ làm việc chiếm 21,88%, sơ cấp cần 44.138 chỗ làm việc chiếm 27,83%.

Nhu cầu tuyển dụng lao động qua đào tạo tập trung ở một số nhóm nghề như: Kinh doanh thương mại; giáo dục - đào tạo; kỹ thuật điện - điện lạnh - điện công nghiệp - điện tử; kế toán - kiểm toán; quản lý điều hành; marketing; hành chính - văn phòng - biên phiên dịch…

Nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông là 20.951 chỗ làm việc, chiếm 13,21% tổng nhu cầu nhân lực. Doanh nghiệp cần lao động phổ thông chủ yếu ở các nhóm nghề như: Kinh doanh thương mại; cơ khí - tự động hóa; dệt may - giày da; dịch vụ phục vụ cá nhân, bảo vệ…

82% người tìm việc có bằng đại học, doanh nghiệp chỉ cần lao động phổ thông - 2

Nhu cầu tuyển dụng phân theo trình độ chuyên môn kỹ thuật (Nguồn: Falmi).

Trong tổng số 79.000 người có nhu cầu tìm việc làm, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo có 78.436 người, chiếm 99,29% so với tổng số người tìm việc. Trong đó, số người tìm kiếm việc có trình độ đại học trở lên có 65.319 người, chiếm 82,69% tổng số người tìm việc; cao đẳng có 11.067 người, chiếm 14,01%; trung cấp có 1.510 người, chiếm 1,91%; sơ cấp có 540 người chiếm 0,68%.

Trong 6 tháng, chỉ có 564 lao động phổ thông đến các trung tâm dịch vụ việc làm để tìm việc, chiếm 0,71% tổng số người tìm việc. Nhu cầu tìm việc chủ yếu ở các công việc như: Nhân viên nhập liệu tại nhà; nhân viên làm việc bán thời gian; nhân viên giao nhận hàng, bảo vệ, lao động giản đơn trong ngành cơ khí, thợ hồ…

82% người tìm việc có bằng đại học, doanh nghiệp chỉ cần lao động phổ thông - 3

Nhu cầu tìm việc phân theo trình độ chuyên môn kỹ thuật (Nguồn: Falmi).

Nếu đối chiếu về cơ cấu trình độ chuyên môn kỹ thuật thì cung cầu lao động tại TPHCM có sự chênh lệch cực lớn, đặc biệt là ở nhóm lao động có trình độ đại học trở lên. Ở nhóm trình độ chuyên môn này, nhu cầu tuyển dụng chỉ có 18,28% tổng nhu cầu nhân lực nhưng tỷ lệ ở nhóm tìm việc lên đến 82,69%.

Trong khi đó, ở nhóm lao động phổ thông, nhu cầu tuyển dụng chiếm 13,21% tổng nhu cầu nhân lực nhưng tỷ lệ ở nhóm tìm việc chỉ là 0,71%.

Sự chênh lệch còn thể hiện rõ ở nhóm trình độ nghề bậc thấp. Ở nhóm lao động trình độ trung cấp, nhu cầu tuyển dụng là 21,88% nhưng nhu cầu tìm việc là 1,91%. Ở nhóm lao động trình độ sơ cấp, doanh nghiệp tuyển dụng 27,83% nhưng nhu cầu tìm việc chỉ chiếm 0,68%.

82% người tìm việc có bằng đại học, doanh nghiệp chỉ cần lao động phổ thông - 4

So sánh cung cầu lao động về trình độ chuyên môn kỹ thuật tại TPHCM 6 tháng đầu năm 2024 (Nguồn: Falmi).

Theo bà Nguyễn Hoàng Hiếu, Giám đốc Falmi, thị trường lao động thành phố tiếp tục phát triển theo hướng thu hút lao động có trình độ tay nghề cao cùng xu hướng tuyển dụng nhân lực qua đào tạo.

Trong tháng qua, một lượng lớn sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học - cao đẳng bổ sung thêm cho nguồn nhân lực thành phố, góp phần gia tăng sự cạnh tranh giữa người lao động có kinh nghiệm làm việc và sinh viên mới ra trường.