Người lao động Nghệ An mong muốn gì trước cuộc đối thoại với lãnh đạo tỉnh?

Hoàng Lam

(Dân trí) - Lần đầu tiên, lãnh đạo tỉnh Nghệ An sẽ đối thoại với công nhân lao động để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng từ đó có phương án tháo gỡ, nâng cao mức sống.

Trong chuỗi các hoạt động hướng tới Tháng công nhân năm 2021, tỉnh Nghệ An sẽ tổ chức đối thoại giữa Chủ tịch tỉnh với công nhân lao động. Đây là lần đầu tiên công nhân lao động Nghệ An được trực tiếp đối thoại với người đứng đầu địa phương.

Dự kiến, chương trình đối thoại sẽ diễn ra vào tháng 5 tới. Thời điểm này, công tác chuẩn bị đang được các đơn vị liên quan triển khai.

Trao đổi với PV, ông Phan Xuân Hóa - Phó Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế (KTT) Đông Nam Nghệ An - cho rằng: "Chương trình đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh và công nhân lao động là "cơ hội vàng" để đoàn viên, người lao động nói lên những tâm tư, nguyện vọng của mình".

Người lao động Nghệ An mong muốn gì trước cuộc đối thoại với lãnh đạo tỉnh? - 1

Đại diện Liên đoàn lao động tỉnh Nghệ An nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động tại Công ty CP may Minh Anh - Kim Liên (ảnh Hoàng Yến).

Do vậy, Công đoàn KKT Đông Nam và Liên đoàn lao động tỉnh cần chuẩn bị thật kỹ lưỡng và tham mưu cẩn thận các nội dung tại buổi đối thoại, đặc biệt quan tâm đến các thiết chế công đoàn.

Để chuẩn bị cho buổi đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh với công nhân lao động, Liên đoàn lao động Nghệ An đã tổ chức khảo sát, nắm tình hình tư tưởng, đời sống, việc làm và công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người lao động trên địa bàn.

Chia sẻ với đoàn công tác của Liên đoàn lao động tỉnh, anh Nguyễn Văn Tám (công nhân Công ty CP May Minh Anh - Kim Liên, Khu Công nghiệp Bắc Vinh), cho biết công ty chưa có nhà ở cho công nhân lao động nên hiện tại anh đang ở trọ gần công ty. Do dãy trọ đã được xây dựng lâu nên khá ẩm thấp, nóng nực vào mùa hè.

Người lao động Nghệ An mong muốn gì trước cuộc đối thoại với lãnh đạo tỉnh? - 2
Một khu nhà trọ cũ kỹ, ẩm thấp tại Khu công nghiệp Bắc Vinh (Nghệ An). Người lao động mong muốn lãnh đạo tỉnh quan tâm nhiều hơn đến việc xây dựng khu nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp.

"Cũng như tôi, nhiều công nhân lao động hiện đang phải thanh toán tiền điện nước với mức giá khá cao: 3.000 đồng/kW điện và 15.000 đồng/m3 nước. Tôi mong muốn công nhân lao động như chúng tôi được sử dụng điện, nước như giá bậc thang nhà nước quy định", anh Tám cho hay.

Công ty TNHH Luxshare-ICT (Khu công nghiệp Vsip, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) là một trong số ít công ty có nhà ở dành cho công nhân. Tuy nhiên, hiện công ty chưa bố trí được chỗ ở cho hộ gia đình. Bởi vậy, vợ chồng chị Nguyễn Thị Thanh (quê Thanh Chương, Nghệ An) phải thuê trọ bên ngoài.

Cũng bởi làm việc tăng ca thường xuyên nên dù thương con nhưng vợ chồng chị Thanh phải để các con ở quê nhờ ông bà trông, đưa đón đi học hộ.

"Lương công nhân chỉ đủ chi tiêu hàng ngày, lo cho con cái ăn học, giỏi lắm tích lũy được một ít phòng khi có việc bất trắc, đau ốm chứ nói để mua đất, làm thì khó lắm. Tôi mong muốn các cơ quan ban ngành, tổ chức công đoàn nghiên cứu có chính sách hỗ trợ người lao động được thuê, hoặc mua nhà công nhân giá rẻ. Các khu công nghiệp có thêm nhiều điểm giữ trẻ, trường mẫu giáo cho con công nhân lao động", chị Thanh bày tỏ mong muốn.

Người lao động Nghệ An mong muốn gì trước cuộc đối thoại với lãnh đạo tỉnh? - 3
Một cơ sở trông trẻ tư nhân tại Khu công nghiệp Bắc Vinh. Không có nơi gửi trẻ, nhiều công nhân phải gửi con về quê nhờ cậy ông bà.

Chị Thái Thị Thơm - công nhân Công ty TNHH EM-Tech (Khu công nghiệp Vsip) - mong muốn Nhà nước sớm nâng lương tối thiểu vùng để công nhân lao động có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.

Ngoài ra, các khu công nghiệp chưa có nhiều khu vui chơi, thiết chế văn hóa cho người lao động nên bản thân chị ít có cơ hội tham gia các hoạt động văn hóa giải trí giải tỏa stress sau thời gian làm việc.

"Tôi mong có nhiều chương trình hỗ trợ người lao động nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần. Tại khu công nghiệp lắp đặt thêm nhiều cây ATM hơn, hiện tại doanh nghiệp phần lớn chi trả lương qua thẻ nhưng muốn rút tiền, chúng tôi phải đi xuống thành phố vì lượng người quá đông, trong khi cây ATM lại rất ít", chị Thơm kiến nghị.

Ông Nguyễn Chí Công - Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Nghệ An - ghi nhận ý kiến, nguyện vọng của các lao động. Những ý kiến này sẽ được Liên đoàn lao động tổng hợp để đưa vào nội dung chuẩn bị cho buổi đối thoại của Chủ tịch UBND tỉnh với người lao động và doanh nghiệp sắp tới.