6 cảm xúc cần kiểm soát để tránh rủi ro
Một trong những sai lầm mọi người thường mắc phải là xem sự sợ hãi là yếu tố quan trọng để đo lường sự rủi ro. Vấn đề là những cảm xúc này không phải là điểm tựa tin cậy cho những quyết định. Khi bạn càng xúc động nhiều, suy nghĩ của bạn càng bị xáo trộn và dễ có những dự đoán sai lệch về rủi ro, hoặc đưa ra những quyết định thiếu chính xác.
Dưới đây là 6 trường hợp bạn cần hết sức lưu ý để kiểm soát cảm xúc của mình.
1. Khi tự kiểm soát vấn đề
Chúng ta thường sẵn sàng đón nhận những rủi ro lớn hơn khi cho rằng bản thân đang kiểm soát tốt mọi chuyện. Hầu hết mọi người cảm thấy tự tin vào sự an toàn của bản thân khi ngồi ghế tài xế lái xe trên đường là một ví dụ. Song không phải cứ cầm lái là bạn có khả năng tránh được tai nạn.
2. Khi cảm thấy an toàn
Chúng ta có xu hướng thiếu thận trọng hơn khi cho rằng mình đã ở nơi an toàn. Với suy nghĩ này, chúng ta đã gia tăng mức độ rủi ro của bản thân.
Tiếp tục với ví dụ lái xe, mọi người có xu hướng gia tăng tốc độ lái xe khi đã thắt dây an toàn. Tuy nhiên, các công ty bảo hiểm của Mỹ gần đây đã phát hiện ra rằng mọi người càng cảm thấy an toàn khi lái xe thì các vụ tai nạn giao thông càng xảy ra nhiều hơn.
3. Khi đối diện với sự may rủi
Các sòng bạc đã khám phá ra rằng khi khách hàng khi chơi trò đổ xúc xắc, họ có xu hướng thảy xúc xắc theo nhiều các khác nhau tùy thuộc vào con số họ cần để chiến thắng. Khi họ cần một con số lớn, họ sẽ thảy rất mạnh. Khi họ cần một con số nhỏ, họ thảy xúc xắc nhẹ hơn. Mọi người cho rằng đó là kỹ năng cần để giành chiến thắng mà quên mất thực chất đổ xúc xắc là một trò chơi may rủi.
4. Dễ dàng bị lừa khi thấy một món hời lớn
Cùng trong ví dụ về đánh cược, khi tỷ lệ thắng của bạn càng thấp thì bạn càng có xu hướng mạo hiểm nhiều hơn. Vì vậy, trước những quyết định mạo hiểm, mọi người thường có xu hướng đánh giá cao khả năng thắng cuộc của mình hơn thực tế.
5. Cảm giác dễ chịu với những điều quen thuộc
Càng thường xuyên chấp nhận rủi ro, chúng ta càng tính toán sai độ lớn thực sự của chúng. Nếu bạn chấp nhận một mức độ rủi ro hết lần này đến lần khác, bạn sẽ không còn cho rằng điều đó là rủi ro nữa. Nếu bạn điều khiển xe tốc độ cao đi làm mỗi ngày, bạn sẽ đánh giá thấp mức độ nguy hiểm mà bạn có thể gặp phải khi di chuyển với tốc độ đó.
6. Quy luật lây lan của cảm xúc
Cảm xúc của chúng ta thưởng bị ảnh hưởng bởi cảm nhận chung của đám đông. Nếu đứng giữa một đám đông đều cho rằng hoàn cảnh hiện tại đang an toàn, bạn cũng sẽ có xu hướng đánh giá thấp mức độ rủi ro. Ngược lại, nếu ở giữa một đám đông hoảng loạn, bạn cũng dễ bị cuốn theo bầu không khí sợ hãi chung đó.
Do đó, khi đối diện với rủi ro bạn càng phải suy nghĩ theo hướng lý trí để cân bằng lại tác động của cảm xúc.
Theo Doanh nhân Sài gòn