1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

570.000 công nhân bị giảm giờ làm

Sơn Nguyễn

(Dân trí) - Thống kê đến ngày 9/11, tổng cộng có 570.000 công nhân bị giảm giờ làm; 34.500 người bị chấm dứt hợp đồng; hơn 31.000 người nghỉ không lương, tạm hoãn hợp đồng.

Những tháng cuối năm, nhiều doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng dẫn đến việc người lao động thiếu việc hoặc bị mất việc. Theo thống kê của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ diễn ra ở 28 địa phương với 485 doanh nghiệp bị ảnh hưởng, do bị giảm, mất đơn hàng. Riêng khu vực phía Nam chiếm tới gần 62% doanh nghiệp và 87% lao động.

570.000 công nhân bị giảm giờ làm - 1

Cuối năm, nhiều doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng dẫn đến việc người lao động thiếu việc hoặc bị mất việc.

Doanh nghiệp ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ giảm đơn hàng nhiều nhất, từ 30-50%; tiếp đến là điện tử, thực phẩm, dịch vụ, du lịch...

Thống kê này cũng cho thấy, đến ngày 9/11, tổng cộng có 570.000 công nhân bị giảm giờ làm; 34.500 người bị chấm dứt hợp đồng; hơn 31.000 người nghỉ không lương, tạm hoãn hợp đồng. Các hình thức phổ biến là cắt giảm giờ, làm cách nhật, nghỉ hưởng lương ngừng việc và nghỉ không hưởng lương.

Ưu tiên hỗ trợ công nhân những ngày cuối năm

Đánh giá về tình trạng trên, bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó ban Quan hệ lao động, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, nguyên nhân dẫn tới "làn sóng" cho công nhân nghỉ việc là do doanh nghiệp gặp khó khăn chung khi thiếu hụt đơn hàng. Đồng Nai, Bình Dương, Long An, An Giang... là những địa phương có đông công nhân và tỷ lệ cắt giảm nhiều nhất.

Bà Ngân cho biết, Công đoàn sẽ cùng với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) họp bàn giải pháp hỗ trợ người lao động. Nếu tình trạng kéo dài với số lao động bị ảnh hưởng lớn, theo bà Ngân, cần sớm có chính sách hỗ trợ từ nhà nước và địa phương nơi đặt khu công nghiệp.

"Trước mắt, công đoàn cơ sở cùng doanh nghiệp bàn bạc, xác định lại những đơn hàng ưu tiên, giữ chân công nhân trong khi chờ tình hình ổn định trở lại. Đối tượng được ưu tiên hỗ trợ là công nhân khó khăn, thực hiện bằng kinh phí công đoàn, để người lao động yên tâm những ngày cuối năm này", bà Ngân nói thêm.

Phó ban Quan hệ lao động, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho hay, các doanh nghiệp cần phòng ngừa tình trạng thiếu hụt lao động như sau đợt dịch vừa qua. Cụ thể, do sản xuất khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp cắt giảm lao động và tới khi có đơn hàng thì tuyển dụng không kịp, khiến cho thị trường thiếu hụt cục bộ. 

570.000 công nhân bị giảm giờ làm - 2

Hàng trăm nghìn lao động trên đường hồi hương vì bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Trao đổi về vấn đề này, ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm cho biết, hiện nay, có những ngành thiếu hụt lao động, song vẫn còn nhiều ngành nghề cũng đang đẩy mạnh hoạt động tuyển dụng.

Cục Việc làm đã chỉ đạo các Trung tâm Dịch vụ việc làm giải quyết ngay chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động bị mất việc làm. Những doanh nghiệp cắt giảm lao động lớn, phải tập trung giải quyết khó khăn cho lao động.

"Song song với quy trình giải quyết bảo hiểm thất nghiệp, các Trung tâm Dịch vụ việc làm cũng sẽ đẩy mạnh kết nối, tìm kiếm cho lao động mất việc. Đề xuất Ngân hàng Chính sách tăng nguồn vốn vay tạo việc làm cho người lao động về quê", ông Bình chia sẻ. 

Bên cạnh đó, Cục Việc làm sẽ đề xuất giải pháp theo nhiều tầng để hỗ trợ tối đa người lao động như đề xuất đẩy mạnh đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia...  Những giải pháp trên sẽ là cách tạo ra nhiều công ăn, việc làm cho người lao động.

Xây dựng khu công nghiệp vệ tinh để thu hút lao động tại chỗ

Trước tình trạng lao động mất việc, giãn việc đang xảy ra tại nhiều thành phố lớn, ông Phạm Ngọc Toàn, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo chiến lược, Viện Khoa học Lao động và Xã hội, dự báo, tình trạng cắt giảm việc làm sẽ kéo dài ít nhất đến hết quý I/2023 vì liên quan chu kỳ sản xuất kinh doanh khi nhiều doanh nghiệp bị thu hẹp đơn hàng.

570.000 công nhân bị giảm giờ làm - 3

Ông Phạm Ngọc Toàn, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo chiến lược, Viện Khoa học Lao động và Xã hội.

Đơn hàng của cuối năm nay bị thu hẹp buộc các doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, giảm giờ làm. Song ông Toàn cho rằng "làn sóng" này mang tính cục bộ như sau đại dịch và sẽ ổn định khi đơn hàng quay trở lại.

"Theo khảo sát, nhiều doanh nghiệp lớn suy giảm đơn hàng nhưng giữ chân lao động bằng cách giảm giờ làm, nghỉ luân phiên, trả 70% lương. Các doanh nghiệp họ cũng đã tính đến tình huống nếu sa thải hàng loạt sẽ tốn kém chi phí tuyển dụng mà chưa chắc đã tuyển được người khi đơn hàng quay trở lại trong khi giữa các ngành vẫn đang cạnh tranh nhau", Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo chiến lược nói.

570.000 công nhân bị giảm giờ làm - 4

Các chuyên gia cho rằng cần phải hình thành khu công nghiệp vùng hoặc khu công nghiệp vệ tinh để thu hút lao động tại chỗ nhưng phải đảm bảo an sinh cho công nhân như nhà ở, trường học…

Sâu xa hơn, vị chuyên gia nhìn nhận những cú sốc thời đại dịch và các đợt cắt giảm việc làm có thể khiến lao động thay đổi hành vi và tạo xu hướng mới.

Theo đó, trước đây, người lao động sẵn sàng di cư đến thành phố lớn, nơi tập trung nhiều khu công nghiệp để tìm việc. Tuy nhiên, sau những biến cố vừa qua, người lao động có thể thay đổi hành vi, không sẵn sàng đi xa tới thành phố lớn để đánh đổi nữa mà chấp nhận ở lại quê hoặc tìm việc ở vùng lân cận. Họ chấp nhận mức thu nhập thấp hơn nhưng gần nhà và an toàn hơn.

"Điều này có thể dẫn tới vòng luẩn quẩn, đặt ra thách thức thiếu lao động trong các khu công nghiệp khi doanh nghiệp trở lại hoạt động", ông Toàn cảnh báo.

Về lâu dài, ông Toàn cho rằng cần phải hình thành khu công nghiệp vùng hoặc khu công nghiệp vệ tinh để thu hút lao động tại chỗ, không nhất thiết tập trung ở các thành phố lớn nữa. Nhưng vấn đề đặt ra là các khu công nghiệp này có tồn tại được hay không phụ thuộc vào việc đảm bảo an sinh cho công nhân như nhà ở, trường học…

"Nếu không đáp ứng được những cái này công nhân sẽ lại về thành phố lớn. Và khi đó, nếu gặp một cú sốc tương tự Covid-19 thì bộ phận lớn lại bị mất, giãn việc", ông Toàn phân tích.