Lo lao động mất việc đổ về quê, Cà Mau rà soát để hỗ trợ
(Dân trí) - Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau đang cho rà soát tình trạng người lao động ngoài tỉnh mất việc làm trở về quê để có những đề xuất đến UBND tỉnh này tìm giải pháp hỗ trợ phù hợp.
Ngày 24/11, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau cho biết, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp tại các khu công nghiệp ở tỉnh Bình Dương, TPHCM phải cắt giảm lao động, cắt giảm giờ làm, người lao động phải tạm dừng hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương dẫn đến tình trạng người lao động phải tìm đường về quê sớm.
Qua liên hệ với các địa phương cho thấy thực tế đang diễn ra tình trạng thừa và thiếu lao động. Một số doanh nghiệp do thiếu đơn hàng nên phải cắt giảm quy mô sản xuất.
Tuy nhiên, vẫn có các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động nhưng tâm lý người lao động ngại thay đổi, dịch chuyển, muốn trở về quê, dự định sau Tết Nguyên đán mới quay trở lại tìm kiếm việc làm mới.
Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau, hàng năm tỉnh này có trên 25.000 lao động đi làm việc ngoài tỉnh, tập trung tại các khu công nghiệp ở các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM.
"Tình trạng người lao động phải tạm dừng hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, mất việc làm trở về quê trong thời điểm hiện tại sẽ gây ảnh hưởng đến tình hình an sinh xã hội tại địa phương", Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau nhận định.
Trước lo ngại này, Sở đã đề nghị các địa phương thường xuyên rà soát, nắm chặt tình hình lao động trên địa bàn, đặc biệt là đối tượng lao động đi làm việc ngoài tỉnh bị mất việc làm trở về địa phương.
Thứ 6 hàng tuần, các địa phương cần có báo cáo thông tin tình hình lao động về Sở để tổng hợp, đề xuất UBND tỉnh các giải pháp thực hiện nhằm kịp thời giúp cho người lao động sớm quay trở lại thị trường lao động.
Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau cũng yêu cầu Trung tâm Dịch vụ việc làm của tỉnh chủ động phối hợp nắm bắt thông tin, danh sách lao động có nhu cầu tìm việc làm, cũng như kịp thời thông tin danh sách doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động đến các địa phương.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác giải quyết hồ sơ trợ cấp thất nghiệp, tăng cường triển khai các hoạt động tư vấn việc làm để người lao động sớm quay lại thị trường lao động, ổn định cuộc sống.