Dự báo nhu cầu nhân lực thời tiến sĩ có thể phải ra đường chạy Grab
(Dân trí) - Đây là một vấn đề đặt ra tại hội thảo kỹ thuật về phương pháp dự báo cung - cầu lao động do Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Tổ chức lao động quốc tế (ILO) tổ chức sáng 23/11.
Hội thảo là một phần trong nỗ lực của Cục Việc làm nhằm phát triển mô hình phân tích và dự báo cung - cầu lao động sẽ được sử dụng cho Bộ LĐ-TB&XH.
Chuyển đổi tư duy phát triển lao động giá rẻ sang nhân lực chất lượng
Phát biểu tại hội thảo, Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình cho hay, đây là cơ hội để các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm dự báo cung - cầu lao động sát với thực tế.
"Một câu hỏi thường trực đối với các báo cáo về lao động là không chỉ cần thống kê về số lượng nữa mà còn cần thông tin về cung lao động các độ tuổi, địa bàn, hướng dịch chuyển lao động… sắp tới thế nào?
Ngoài ra, cơ quan quản lý phải xác định các kịch bản cung lao động. Đó là kịch bản chính sách để báo cáo, thuyết phục Quốc hội, để mô hình tính toán, dự báo thiết thực, hiệu quả phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành", ông Bình phân tích.
Theo đánh giá của Bộ LĐ-TB&XH, hiện thị trường lao động đang phục hồi mạnh mẽ, song tình trạng thiếu nhân lực cục bộ đang diễn ra tại một số lĩnh vực, địa phương. Đặc biệt, các dự báo đưa ra là thị trường sẽ thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao như lĩnh vực tài chính, công nghệ thông tin, logistics…
Cũng theo đánh giá, lực lượng lao động chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi kinh tế, đặc biệt là lao động chất lượng cao. Bên cạnh đó, nguồn cung lao động được ghi nhận đang thiếu hụt lao động phổ thông ở ngành dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử, chế biến gỗ và một số ngành bị tác động mạnh, phải dừng hoạt động dài hạn như du lịch, giáo dục...
Cục trưởng Cục Việc làm nhận định, nếu khoảng 500.000 lao động vào thị trường lao động sớm thì bản đồ lao động của Việt Nam sẽ thay đổi và chính sách phải căn cứ cơ sở khoa học để giải quyết đúng với thực tế.
Đồng tình với ý kiến của chuyên gia đến từ Ngân hàng thế giới (World Bank), ông Bình cho rằng, mô hình dự báo cung - cầu cần giải đáp các câu hỏi như thị trường hướng tới ai, thiếu lao động loại nào, nhu cầu doanh nghiệp ra sao...
Theo ông Bình, thời gian tới, cơ quan chức năng phối hợp kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu lao động (khoảng 52 triệu người, tính đến quý 3/2022 - PV), hướng tới mục tiêu xây dựng "sổ lao động điện tử", xây dựng hệ thống sàn giao dịch việc làm trực tuyến toàn quốc…
Cục trưởng Cục Việc làm cho rằng, vấn đề đáng quan tâm hiện nay là số lượng doanh nghiệp tăng rất nhanh nhưng lao động kỹ thuật lại giảm. Nhìn nhận về việc mất cân bằng cung - cầu thời gian gần đây, ông Bình đánh giá chỉ xảy ra ở những thị trường hẹp, đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao. Việc này là chuyện hết sức bình thường, bởi thị trường lao động tại Việt Nam thời gian qua thiên về giá rẻ nên dễ tuyển dụng nhưng hiện, tính cạnh tranh của lao động Việt đã cao hơn.
Theo ông Bình, để phát triển thị trường lao động, đầu tiên cần chuyển đổi tư duy lao động Việt Nam từ thị trường lao động phổ thông, giá rẻ sang thị trường có lao động kỹ thuật và chuyên gia kỹ thuật chất lượng cao, có giá cạnh tranh trên thế giới. Muốn làm được điều này, việc đổi mới về giáo dục đại học lẫn giáo dục nghề nghiệp phải theo đúng chuẩn quốc tế.
Khả năng thích ứng với công việc mới
Tại hội thảo, thay mặt nhóm nghiên cứu của Cục Việc làm, ông Phạm Ngọc Toàn - Giám đốc Trung tâm Thông tin Phân tích và Dự báo Chiến lược (Viện Khoa học lao động và Xã hội - Bộ LĐTBXH) trình bày các nghiên cứu về báo cáo cung cầu.
Báo cáo cho thấy xu hướng toàn cầu hóa, cũng như phát triển bền vững bao trùm trở thành chủ đạo. Nhiều vấn đề tác động của khoa học công nghệ; đô thị; phát triển môi trường xanh; xung đột căng thẳng chính trị... cũng như các điều kiện trong nước (già hóa dân số; đô thị hóa; dịch bệnh; chênh lệch giàu - nghèo; thương mại quốc tế...) đã tác động mạnh mẽ tới việc hình thành phát triển của thị trường lao động.
Ông Toàn cũng đề cập tới các phương pháp dự báo cung (lao động) - cầu (doanh nghiệp) trên thị trường lao động.
Ông Phạm Mạnh Thùy - Trưởng Ban Nhân lực, Viện Chiến lược Phát triển chia sẻ kinh nghiệm về các phương pháp được áp dụng trong phân tích kinh tế - xã hội ở Việt Nam.
Ông Thùy cho rằng, để dự báo được cung cầu lao động thì cần xác định rõ các đối tượng được dự báo. Để xây dựng chiến lược nguồn nhân lực giai đoạn tới thì cần phải xác định được trình độ đào tạo của người lao động.
Đề cập tới vấn đề khi dự báo cung lao động, ông Thủy cho rằng: "Chỉ nên dự báo xu hướng, kỹ năng của người lao động, chứ không nên tham vọng dự báo về kỹ năng của từng ngành".
Lý giải cho nhận định này, ông Thùy lấy ví dụ, khi thị trường lao động thay đổi, nhu cầu lao động cũng thay đổi theo để thích ứng với công việc mới. Một người lao động không thể làm một việc suốt đời.
"Ví dụ như tôi là một tiến sĩ, mai này kinh tế khó khăn, thất nghiệp tôi sẵn sàng ra đường chạy Grab. Vì thế cần phải đào tạo các kỹ năng để thích ứng", ông Thùy nói.
Chính bởi vậy, ông Thùy cho rằng, cần đào tạo những kỹ năng cơ bản cho lao động để họ có thể thích ứng với mọi điều kiện hoàn cảnh, như khả năng sử dụng tiếng Anh, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ năng giao tiếp...