5 cách giúp CEO làm bạn với nhân viên

CEO dù không có mặt thường xuyên vẫn có thể thân thiết với từng nhân viên và nắm rõ mọi chuyện của công ty, nhờ 5 chiến lược đơn giản này.

Đã bao giờ bạn gặp phải tình huống vô tình gặp một nhân viên nào đó trong giờ nghỉ trưa nhưng lại không nhớ ra nhân viên ấy tên gì chưa?

Với những công ty có tốc độ phát triển nhanh, số lượng nhân sự có thể tăng lên gấp đôi chỉ trong một năm. Vì vậy, nếu bạn muốn vẫn có thể giữ được sự thân thiết với từng nhân viên của công ty mình thì đây là 5 cách đơn giản bạn có thể áp dụng ngay:

1. Chủ động đến với nhân viên

Cho phép bản thân thoát ra khỏi guồng công việc thường ngày vài phút là cách rất tốt để nuôi dưỡng kết nối với nhân viên. Khoảng thời gian 15 phút trước khi bắt đầu cuộc họp ở văn phòng, bạn có thể cho phép bản thân thư giãn ở những không gian sinh hoạt chung. Ở đây, bạn có thể bất ngờ tham gia vào những cuộc tán gẫu, bắt nhịp được những trò đùa vui vẻ của đồng nghiệp mỗi ngày.

5 cách giúp CEO làm bạn với nhân viên - 1

Nếu cần phải trả lời email, hãy bước ra khỏi phòng làm việc riêng và mang điện thoại đến ngồi cạnh người mà bạn chưa có nhiều cơ hội tiếp xúc tại phòng sinh hoạt chung. Đó là lúc cơ hội kết nối bắt đầu.

2. Chủ động họp định kỳ

Tùy thuộc vào quy mô của công ty, nhưng nếu có thể, hãy duy trì cuộc họp định kỳ hàng tuần để cùng nhau cập nhật về những thay đổi của công ty. Phần lớn các nhân viên sẽ rất bận rộn với công việc thường nhật đến mức, đôi khi, họ sẽ cảm thấy "bị đứt kết nối" với tình hình chung. Để giải quyết tình trạng này, bạn có thể chủ động tổ chức buổi họp hàng tuần với sự tham gia của tất cả nhân viên.

Trong 30 phút họp định kỳ, bạn có thể mời nhân viên thử đứng ở góc độ CEO để phân tích các vấn đề hiện tại của công ty. Hoặc, các nhân viên có thể thay phiên nhau thực hành kỹ năng giới thiệu sản phẩm, dịch vụ của công ty và nhận phản hồi từ tập thể. Nếu có bất cứ câu hỏi nào được nêu ra, toàn bộ nhân viên có thể cùng suy nghĩ và tìm ra giải pháp phù hợp nhất. Vào cuối buổi họp, các nhân viên có thể high-five (đập tay bày tỏ sự vui vẻ, động viên) để giữ bầu không khí tích cực cho văn hóa của công ty.

3. Để cửa mở

Mở cửa phòng làm việc riêng của bạn, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

Bạn có thể không có mặt thường xuyên ở văn phòng, nhưng bằng cách để cửa mở, bạn sẽ phát đi tín hiệu khuyến khích nhân viên đến gần hơn, xóa đi ranh giới vật chất có thể đã từng ngăn họ đến gần bạn. Điều này cũng sẽ thúc đẩu nhân viên đề xuất những câu hỏi, ý tưởng lẫn vấn đề họ muốn nói với bạn.

Ngoài cánh cửa văn phòng, bạn cũng hãy thể hiện tinh thần cởi mở tiếp nhận những cuộc gặp với nhân viên qua những buổi họp chung, qua trao đổi email hoặc chia sẻ 1-1. Văn hóa cởi mở sẽ nhanh chóng lan tỏa từ bạn sang các nhân sự khác. Và những nhân viên mới sẽ cảm nhận được CEO của họ là người luôn ủng hộ và chào đón nhân viên.

4. Tìm hiểu công việc nhân viên đang làm

Có một tình huống phổ biến với những công ty khởi nghiệp như sau: vào thời điểm thiếu nhân sự, CEO sẽ ngồi vào vị trí nhân viên bán hàng để gọi điện giới thiệu sản phẩm. Đây không phải là công việc thường ngày của mỗi CEO, nhưng khi làm việc này, bạn sẽ cảm nhận chân thực khách hàng của bạn là ai.

Và nếu bạn đầu tư thời gian để tham gia vào những cuộc trò chuyện thường ngày ở từng phòng ban khác nhau, chắc chắn bạn sẽ có được góc nhìn sâu sắc khi cần ra những quyết định chiến lược. Ở vị trí lãnh đạo, bạn không chỉ có trách nhiệm đảm bảo công ty vận hành suôn sẻ, mà bạn còn cần trở thành ví dụ truyền cảm hứng cho nhân viên về văn hóa của công ty.

5. Thực hiện các buổi phản hồi riêng

Một chiến lược hiệu quả khác để nắm rõ mọi chuyện chính là khuyến khích nhân viên thường xuyên phản hồi với bạn. Mỗi buổi phản hồi riêng có thể chỉ kéo dài từ 10-15 phút để nhân viên có thể góp ý về cách bạn lãnh đạo, cũng như bạn góp ý về cách làm việc của nhân viên.

Bạn cần tổ chức buổi phản hồi này theo định kỳ vài tháng một lần, hoặc nêu ra những khung thời gian trong tuần nhân viên có thể đến gặp và chia sẻ với bạn. Những buổi phản hồi này là cách tốt để xây dựng lòng tin và hiểu sâu hơn với từng nhân viên.

Nếu bạn không đủ thời gian để gặp trực tiếp từng người, bạn có thể tổ chức thành các buổi phản hồi nhóm với từng phòng ban của công ty.

Theo Doanh nhân Sài gòn/INC