3 bí quyết thu phục lòng người của nhà quản trị
Những nhà quản trị hành xử quên mình, quan tâm về đồng nghiệp hơn bản thân sẽ khiến nhân viên tin tưởng, hợp tác, dấn thân, trung thành, có trách nhiệm và quyết tâm hơn.
Một cuộc thăm dò mới đây của Viện Gallup cho thấy, có đến 70% nhân viên không quan tâm đến công việc và vấn đề này đang khiến các nhà quản trị "đau đầu". Theo TS. Emma Seppälä - Giám đốc Khoa học của Trung tâm Nghiên cứu và Giảng dạy thuộc Đại học Stanford (California), một số người sử dụng những phần thưởng vật chất (tiền thưởng, phòng chơi game, thực phẩm miễn phí) với hy vọng làm cho nhân viên vui vẻ hơn.
Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cho thấy những nỗ lực này, mặc dù nhận được sự biết ơn, vẫn không giải quyết một cách hữu hiệu những yếu tố "sức khỏe tâm sinh lý" của nhân viên về mặt lâu dài. Thay vào đó, nhà quản trị được lưu ý nên làm cho nhân viên của họ ba việc sau, theo Emma Seppälä:
Truyền cảm hứng
Bất luận công ty của bạn làm gì – cung cấp dịch vụ hay buôn bán sản phẩm – điều quan trọng là không gian văn hóa của công ty phải có ý nghĩa.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, người có tính quả quyết thường tập trung, sáng tạo và linh động hơn, vì thế nhà quản trị nên lưu ý nhân viên về những việc làm của họ đã cải thiện đời sống con người như thế nào. Thông báo những lời khen của khách hàng, hay tuyên bố một phần lợi nhuận của công ty được tặng cho những tổ chức thiện nguyện… là một vài ví dụ. Ngay cả những nhân viên thường tỏ ra ít hài lòng, cũng cảm thấy việc làm của mình tốt hơn khi được làm việc với mục đích cao cả.
Những nhà quản trị cũng là nguồn cảm hứng lớn với nhân viên. Nghiên cứu cho thấy khi họ hành xử quên mình, quan tâm về đồng nghiệp hơn bản thân, thì nhân viên sẽ tin tưởng, hợp tác, dấn thân, trung thành, có trách nhiệm và quyết tâm hơn. Nhà quản trị công bằng cũng tạo ra sự cống hiến nhiều hơn, những công dân tốt hơn và hiệu năng làm việc cao hơn.
Sự tử tế
Con người là loài động vật uyên bác, nhưng những giao dịch của con người tại sở làm thường giới hạn bởi những trao đổi máy móc. Đây là một sai lầm. Theo một nghiên cứu tại Anh, sự thân thiện và công nhận những thành tích của nhân viên được xem quan trọng hơn là lương bổng cao khi khuyến khích sự trung thành đối với công ty.
Nghiên cứu khác xác nhận rằng quan hệ lạc quan và ấm cúng là một trong những yếu tố quan trọng nhất của trạng thái tâm lý hạnh phúc, cho nên nhà quản trị phải để ý đến không gian văn hóa mà họ tạo ra và những cảm tính mà họ bộc lộ, bao gồm sự tinh tế, tôn trọng – những yếu tố làm tăng sự sáng tạo của từng cá nhân cũng như đội, nhóm.
Sự thân mật của nhà quản trị cũng quan trọng: nghiên cứu của Dean Tjosvold tại Đại học Lingnan cho thấy điều này sẽ khiến cấp dưới phấn chấn và làm việc hiệu quả hơn. Còn Amy Cuddy của Viện Thương mại Harvard khẳng định điều ấy làm cho việc quản lý trở nên hữu hiệu hơn.
Mặc dù việc biểu lộ sự giận dữ có thể có lợi (Lara Tiedens của Đại học Stanford nhận xét đôi khi tỏ ra giận dữ làm cho người ta trở nên mạnh hơn, có quyền lực hơn), nhưng các nghiên cứu đã chứng minh những cảm xúc tiêu cực làm giảm uy tín của giám đốc cũng như giảm khả năng thuyết phục nhân viên.
Nhà quản trị tử tế thường làm những việc nhỏ để biểu lộ sự quan tâm đến nhân viên như những người bình đẳng với nhau, chứ không phải là thuộc cấp của họ. Những câu chào hỏi, hay cách lắng nghe câu trả lời của nhân viên là dấu hiệu tốt đầu tiên. Những hành xử này có thể được chuẩn hóa thành nội quy của công ty.
Tại một công ty thuộc nhóm Fortune 100, nếu một nhân viên bị bệnh nặng hay bị mất người thân trong gia đình, tổng giám đốc (CEO) luôn được thông báo ngay để có thể đến gặp nhân viên ấy lập tức. Có trường hợp, khi được thông báo nhân viên vừa chẩn đoán bị ung thư não, CEO liền gọi điện thoại trong vòng 15 phút và hỏi thăm làm thế nào để ông ta và công ty có thể hỗ trợ cho nhân viên ấy tốt nhất.
Tự chăm sóc
Nhiều công ty chỉ quan tâm đến sức khỏe tâm sinh lý của nhân viên bằng tiền, chẳng hạn hỗ trợ tiền ghi danh vào câu lạc bộ thể thao, lớp học yoga, thiền, nhưng thời khóa biểu làm việc thì thật căng thẳng, do vậy vẫn không cho nhân viên đủ thời giờ để hưởng những phúc lợi ấy. Những chương trình bảo vệ và nâng cao sức khỏe sẽ không thực hiện được, nếu công ty không tạo ra một môi trường để nhân viên tự chăm sóc sức khỏe được khuyến khích.
Theo Sabine Sonnentag thuộc Đại học Konstanz (Đức) thì tập thể dục, giải lao, những động tác thư giãn và vạch rõ làn ranh giữa việc ở sở làm với việc gia đình sẽ giúp giảm stress, tăng sức khỏe tâm sinh lý cũng như sự hăng say của nhân viên.
Nhà quản trị cũng có thể khuyến khích nhân viên làm một việc rất căn bản là ngủ. Một nhân viên được nghỉ ngơi đầy đủ là một người vui vẻ và làm việc hiệu quả hơn. Rất nhiều nghiên cứu, bao gồm nghiên cứu dành riêng cho phi công, cho thấy sự mất ngủ làm giảm khả năng phán đoán cũng như khả năng điều khiển tay chân một cách rõ rệt.
Nghiên cứu của Mark Beeman - Đại học Northwestern cho thấy ý kiến đột phá và giải pháp cho những bài toán phức tạp sẽ hiện ra khi não bộ ở trong trạng thái tốt nhất. Vì thế, nên khuyến khích nhân viên tập thể dục, giải lao và ngủ nghỉ đầy đủ.
Theo Doanh nhân Sài gòn