199.400 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp: “Đầu vào 12 điểm, đầu ra thế nào?”

(Dân trí) - “Phân luồng để thí sinh có 12 điểm đã vào được đại học như vài năm vừa rồi. Sau này, họ chỉ là những người có bằng đại học chứ chưa có trình độ đại học. Sự mất cân đối giữa quy mô tuyển sinh - cầu lao động cho thấy bất cập của thị trường lao động…”

Cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp 199.400 người trong quý 2/2015
Cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp 199.400 người trong quý 2/2015

Bà Nguyễn Thị Lan Hương - Viện trưởng Viện Khoa học lao động (Bộ LĐ-TB&XH) trao đổi với báo giới tại buổi họp báo công bố Bản tin thị trường lao động quý 2/2105, hôm 30/10 tại Hà Nội.

Con số “12 điểm có thể vào đại học” có thể được hiểu là thí sinh phải có thêm điều kiện được cộng điểm. Tuy nhiên, những cảnh báo của bà Nguyễn Thị Lan Hương về sự bất cập trong đào tạo và tuyển dụng hiện nay là một thực tế.

Bản tin thị trường lao động cho thấy rõ hậu quả của sự bất cập trên: Trong số lao động có chuyên môn kỹ thuật, ngoài tỉ lệ thất nghiệp của nhóm cao đẳng giảm nhẹ so với Quý 1/2015, số liệu thất nghiệp của nhóm sơ cấp, trung cấp, đại học đều tăng.

Đặc biệt, số lao động trình độ ĐH và trên đại học thất nghiệp lên tới 199.400 người, tăng 22.000 người.

Thưa bà, bên cạnh con số 199.400 cử nhân và thạc sĩ thất nghiệp, Bản tin cảnh báo tỉ lệ mất cân đối giữa giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học, cụ thể: Nhân lực đại học trở lên/cao đẳng/trung cấp/sơ cấp tương ứng là 1/0,35/0,65/0,4. Bà nhận xét gì về điều này?

Mô hình đào tạo nhân lực chưa phù hợp với mô hình về lao động có chuyên môn kỹ thuật trong thị trường lao động hiện nay.

VN đang chuyển đổi từ nông nghiệp sang công nghiệp. Về nguyên tắc, tỉ lệ từ lao động trình độ bậc trung đến sơ cấp phải chiếm tỉ lệ cao hơn lao động trình độ đại học.

Dù chưa thiếu toàn bộ lao động kỹ thuật, nhưng tất yếu trong cơ cấu, giáo dục nghề nghiệp phải phát triển nhanh hơn giáo dục đại học. Nhưng cách vừa rồi phân luồng lại cho thấy ngược lại: 3/4 số học sinh tốt nghiệp cấp 3 lại học tiếp vào giáo dục đại học.

Điều này đẫn tới nhiều hệ lụy.

Nhân lực được đào tạo hiện không đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động. Giáo dục đại học thời gian đào tạo dài hơn giáo dục nghề nghiệp. Thị trường phải “chờ đợi” khá lâu trong khi nguồn nhân lực kỹ thuật, được đào tạo ngắn hạn hơn lại thiếu.

Hệ lụy thứ hai, chỉ có những nền kinh tế tri thức thì mới tập trung tuyển dụng nhiều vào phân khúc nhân lực trình độ ĐH và trên ĐH. Trong khi đó, mô hình của VN là nước công nghiệp thì phải phân khúc nhân lực bậc trung. Do đó, mô hình này chưa chuẩn.

Vì vậy, nhóm lao động trình độ đại học sẽ không có cơ hội tìm việc, thất nghiệp cao hơn. Tình trạng lao động tốt nghiệp đại học chấp nhận làm việc có trình độ thấp hơn khá phổ biến ở Hà Nội và TPHCM.

Thị trường lao động cần nhiều lao động kỹ thuật. Trong khi đó, nghịch lý lại diễn ra ở nhiều trường trung cấp có nguy cơ đóng cửa, thậm chí giải thể bởi không tuyển được học sinh, thưa bà?

Để hạn chế tình trạng này, cần sự nâng cao nhận thức về các ngành nghề trong thị trường lao động.

Mục tiêu của một người được đào tạo trình độ đại học muốn có việc làm tốt. Nếu vậy phải tìm phân khúc thị trường lao động hiện nay đang cần.

Chúng ta đã đi được những bước rất quan trọng trong việc tạo ra sự liên thông giữa các cấp trình độ. Không nhất thiết một em học sinh học lớp 12 phải bắt đầu ngay từ bậc đại học.

Mặt khác, tín hiệu thị trường cho thấy tiền lương của nhóm trung cấp, giáo dục nghề nghiệp đã tăng lên.

"Nếu phân luồng được như vậy, chúng ta sẽ không còn chuyện thí sinh có 12 điểm vào đại học. Bởi nếu 12 điểm sàn thì sẽ không có chỗ vào giáo dục nghề nghiệp. Nếu muốn vào đại học, chúng ta phải dừng lại ở mức điểm 17 hoặc 18 điểm. Như vậy chắc chắn những người này đủ với trình độ đại học và sau khi ra trường xứng đáng với bằng đại học" - bà Nguyễn Thị Lan Hương nói.

Tôi cho rằng, trong phân luồng, cơ cấu của thị trường lao động hiện nay chỉ cần khoảng 20% lao động có trình độ cao đẳng, đại học trở lên.

Như vậy trong tuyển sinh, chúng ta phải phân luồng 40% vào đại học, còn 60% vào giáo dục nghề nghiệp.

Tuy nhiên hiện nay, khu vực giáo dục nghề nghiệp hiện nay đang phải “vật lộn” để có đủ học sinh. Khu vực này đang phải tiếp nhận nhiều học sinh không đáp ứng đủ năng lực. Thậm chí tạo ra sự lãng phí cho xã hội.

Trong khi đó, một số người có tấm bằng đại học ra nhưng năng lực không tương xứng. Họ cho rằng phải làm công việc ngang với tấm bằng đại học. Việc kén chọn này khiến câu chuyện thất nghiệp ở VN có đặc thù thất nghiệp tự nguyện.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp: "Cơ cấu giữa giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học mất cân đối. Thực trạng tay nghề lao động VN chưa cao. Trong khi đó, đây là điểm cạnh cạnh tranh trực tiếp với lao động nước ngoài khi VN hội nhập và Cộng đồng kinh tế Asean sau 31/12/2015.

Chúng ta cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tổ chức tốt hơn thị trường lao động, cung cấp cho lao động thông tin để tìm việc, nẵm vững hơn cơ cấu để có sự điều chỉnh phù hợp, qua đó giảm thất nghiệp".

Ông Bùi Sĩ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy Ban các vấn đề xã hội của Quốc hội:

"Con số lao động trình độ cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp lên tới 199.400 người, một phần vì thời điểm cuối Quý 2/2015, sinh viên nhiều trường ĐH tốt nghiệp ra trường. Mặt khác, lượng cung nhân lực trình độ ĐH tăng hơn nhiều so với nhu cầu của thị trường.

Cơ cấu đào tạo chưa hợp lý và chất lượng nhân lực còn chưa phù hợp. Có điều là thất nghiệp có tính tạm thời bởi họ còn kén chọn công việc chứ không đơn thuần là không có việc.

Nếu tuyển đầu vào chất lượng và gây ra những hệ lụy cho xã hội thì cần xem lại có nên đào tạo “thầy” nhiều hơn “thợ” không?".

Bà Vũ Thị Thúy Liễu - Phó GĐ Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội):

"Thông qua các Phiên Giao dịch việc làm cho thấy, nhóm lao động kỹ thuật luôn “đắt hàng” nhất trong các nhu cầu tuyển lao động. Trung bình, tỉ lệ chỉ tiêu tuyển dụng thợ kỹ thuật chiếm 50-70% tổng số chỉ tiêu. Mức lương khởi điểm của nhóm này từ 4-6 triệu đồng/người, không hề thấp hơn lương của lao động trình độ ĐH.

Nhóm trình độ đại học thất nghiệp nhiều nhất bởi những lý do sau: Lĩnh vực chuyên môn chưa phù hợp với yêu cầu của thi trường (chủ yếu là ứng viên ngành xã hội), mức lương khởi điểm chưa như kỳ vọng, liên tục nhảy việc do làm không đúng ngành nghề, năng lực chuyên môn chưa tương xứng với tấm bằng ...".

Hoàng Mạnh

 

TIN LIÊN QUAN:

Từ 1/1/2016: Mức đóng BHTN gần hơn với thu nhập của lao động

Theo Bảo hiểm xã hội VN, căn cứ vào Luật BHXH sẽ có hiệu lực từ 1/1/2016, người lao động sẽ nhận được nhiều thay đổi về chế độ đóng BHTN, BHXH, BHYT.

Cụ thể, tỉ lệ đóng BHXH, BHYT, BHTN từ năm 2016 như sau: Theo quy định của Luật BHXH số 58/2014/QH13 thì tỷ lệ đóng BHXH là 26%. Trong đó người lao động đóng 8% vào quỹ hưu trí và tử tuất; người sử dụng lao động đóng 18% (trong đó 3% vào quỹ ốm đau - thai sản; 1% vào quỹ TNLĐ-BNN; 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất).

199.400 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp: “Đầu vào 12 điểm, đầu ra thế nào?” - 2

Theo quy định tại Nghị định số 105/2014/NĐ-CP ngày 15/11/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT thì tỷ lệ đóng BHYT là 4,5% (trong đó người lao động đóng 1,5%, người sử dụng lao động đóng 3%). Theo quy định của Luật Việc làm thì tỷ lệ đóng BHTN là 2% (trong đó người lao động đóng 1%, người sử dụng lao động đóng 1% tiền lương tháng), ngoài ra ngân sách nhà nước trung ương hỗ trợ tối đa không quá 1% tiền lương tháng đóng BHTN. Như vậy, nếu không tính phần ngân sách nhà nước hỗ trợ thì tổng tỷ lệ đóng BHXH, BHYT, BHTN năm 2016 theo văn bản quy định hiện hành là 32,5%, trong đó đơn vị sử dụng lao động đóng 22%, người lao động đóng 10,5% tiền lương tháng.

M.C

Tập huấn kỹ năng trợ giúp NKT tìm việc làm

Cục Bảo trợ xã hội và Trung tâm DVVL Hà Nội mới tổ chức Lớp tập huấn “Quản lý trường hợp, kỹ năng tư vấn, tham vấn, trợ giúp và phục hồi chức năng nghề nghiệp cho người khuyết tật” dành cho các cán bộ trực tiếp thực hiện các công tác liên quan đến hoạt động trợ giúp cho người khuyết tật tại các Hội người khuyết tật trên địa bàn thành phố Hà Nội.

199.400 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp: “Đầu vào 12 điểm, đầu ra thế nào?” - 3

Tại Hội nghị, hơn 30 cán bộ đã được các chuyên gia, giảng viên giới thiệu các mô hình hỗ trợ người khuyết tật trong việc phục hồi chức năng nghề nghiệp như mô hình phục hồi chức năng lao động cho người khuyết tật của Hội trợ giúp người khuyết tật Việt Nam (VNAH), dự án đào tạo công nghệ thông tin và tạo việc làm cho thanh niên khuyết tật của tổ chức CRS… Các giảng viên cũng chia sẻ các kỹ năng giao tiếp với người khuyết tật (kỹ năng giao tiếp bằng lời, kỹ năng giao tiếp không lời..), kỹ năng đặt câu hỏi, kỹ năng khuyến khích, kỹ năng phản ánh cảm xúc để hoạt động tư vấn, tham vấn, trợ giúp người khuyết tật đạt hiệu quả cao nhất.

Đ.T

Khai mạc Phiên GDVL dành cho lao động BHTN tại huyện Đông Anh

Dự kiến trong tháng 11, TT DVVL Hà Nội sẽ tổ chức Phiên GDVL dành cho lao động hưởng đang hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tại khu vực Đông Anh và khu vực lân cận; học sinh, sinh viên có cơ hội tiếp cận thị trường lao động và tìm được nơi thực tập thích hợp. Dự kiến Phiên GDVL sẽ có hơn 1.100 chỉ tiêu tuyển dụng và học nghề.

199.400 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp: “Đầu vào 12 điểm, đầu ra thế nào?” - 4

Theo Ban Tổ chức, Phiên GDVL có 34 doanh nghiệp và 7 trường, cơ sở đào tạo nghề. Tổng số chỉ tiêu gồm 1.106 chỉ  tiêu, trong đó: Lao động phổ thông chiếm 744, lao động có trình độ TC-CNKT  241 chỉ tiêu, thấp nhất là nhu cầu tuyển lao động có trình độ CĐ - ĐH 121 chỉ tiêu, chiếm 10.94% tổng chỉ tiêu tuyển dụng. Ngoài ra, còn có nhiều đối tượng lao động khác như: Lao động tự do, lao động chưa tìm được việc làm, bộ đội xuất ngũ, học sinh, sinh viên trên địa bàn Đông Anh và các khu vực lân cận sẽ đến tham gia tìm việc, học nghề…tại phiên GDVL huyện Đông Anh.

Q.H