10 sự kiện nổi bật về giáo dục nghề nghiệp năm 2019

(Dân trí) - Trong tuần đầu tiên của năm 2020, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) đã công bố 10 sự kiện nổi bật trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

10 sự kiện nổi bật về giáo dục nghề nghiệp năm 2019 - 1

1. Thể chế, chính sách pháp luật về giáo dục nghề nghiệp tiếp tục được hoàn thiện

Trong năm 2019, nhiều chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp tiếp tục được hoàn thiện, tạo hành lang, cơ chế cho đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Nổi bật là một số chính sách, quy định được cụ thể hóa trong Luật giáo dục sửa đổi và Bộ Luật lao động sửa đổi…

2. Tổ chức thành công Diễn đàn quốc gia “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam” - Skilling up Việt Nam; Hội thảo quốc gia VEC 2019 - “Phát triển giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế”.

3. Lần đầu tiên Việt Nam dành huy chương Bạc tại Kỳ thi tay nghề thế giới.

Kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 45 năm 2019 được tổ chức từ ngày 16/8/2019 đến 28/8/2019 tại KaZan Liên Bang Nga. Kỳ thi năm nay có quy mô tổ chức lớn nhất từ trước đến nay với số lượng nghề thi chính thức là 56 nghề đến từ 63 quốc gia, vùng lãnh thổ của Tổ chức Kỹ năng nghề thế giới; số thí sinh đăng ký dự thi là 1355 thí sinh. Về kết quả kỳ thi, đoàn Việt Nam lần đầu tiên dành 1 huy chương bạc, ngoài ra đoàn còn được trao 8 chứng chỉ nghề xuất sắc.

4. Chất lượng giáo dục nghề nghiệp tăng 13 bậc theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF).

Năm 2019, tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp đạt 2.338 nghìn người, đạt 103,5% kế hoạch năm, bằng 105,8% so với năm 2018; trong đó: trình độ cao đẳng, trung cấp khoảng 568 nghìn người; trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác khoảng 1.770 nghìn người.

Đây là năm thứ 3 liên tiếp kể từ khi hệ thống giáo dục nghề nghiệp được thống nhất quản lý về Bộ LĐ-TB&XH, ngành giáo dục nghề nghiệp đạt vượt chỉ tiêu về tuyển sinh.

Theo thống kê, năm 2019, trên 85% học sinh, sinh viên tốt nghiệp TC, CĐ có việc làm, có trường, có nghề đạt tỷ lệ 100% với mức thu nhập từ 7 đến 10 triệu đồng/tháng...

5. Truyền thông giáo dục nghề nghiệp lan tỏa tích cực, thu hút ngày càng nhiều người học và sự quan tâm của doanh nghiệp, của xã hội; ứng dụng CNTT trong quản lý và kết nối doanh nghiệp được tăng cường.

6. Nhiều hoạt động tôn vinh người dạy, người học và các doanh nghiệp đóng góp

Nhân dịp ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, chiều ngày 19/11/2019 tại Phủ Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã gặp mặt động viên 50 nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp tiêu biểu trên cả nước năm 2019.

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã tổ chức gặp mặt các đại biểu Quốc hội là nhà giáo, nguyên là nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, nhân kỷ niệm 37 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam với sự tham dự của lãnh đạo của Nhà nước và Quốc hội...

7. Thu hút nhiều doanh nghiệp đồng hành đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

Trong nhiều năm qua, một số doanh nghiệp lớn như  Denso Việt Nam, Samsung Electronic Việt Nam đã luôn đồng hành hỗ trợ trong công tác thi tay nghề ASEAN, thi tay nghề thế giới với kết quả thi tay nghề ngày càng tiến bộ, thể hiện trình độ tay nghề của lao động Việt Nam không thua kém trình độ của khu vực và thế giới nếu được quan tâm, đầu tư và tham gia mạnh mẽ của doanh nghiệp…

8. Tổ chức thành công Hội thi thiết bị tự làm, Hội diễn văn nghệ học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp toàn quốc; Hoạt động khởi nghiệp được triển khai tích cực.

Hội thi thiết bị đào tạo tự làm lần thứ 6, năm 2019  diễn ra từ ngày 8 đến ngày 12/9/2019 tại thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế). Có 58 tỉnh, thành phố trên cả nước tham gia Hội thi, với 396 thiết bị của 216 cơ sở giáo dục nghề nghiệp...

Điểm nổi bật là nhiều thiết bị tham dự Hội thi được đánh giá đạt tiêu chuẩn của một "sản phẩm" theo đúng nghĩa sản phẩm thương mại có thể sản xuất đại trà và bán ra thị trường…

9. Triển khai thành công chương trình đào tạo chất lượng cao với 12 chương trình đào tạo chuyển giao từ Úc.

Tiếp cận các chương trình đào tạo tiên tiến trên thế giới là một trong nhiều nội dung góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

Chương trình đào tạo thí điểm theo 12 bộ chương trình chuyển giao từ Úc là chương trình chất lượng cao đầu tiên ở Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Sinh viên sau tốt nghiệp được cấp 2 bằng của Việt Nam và của Úc và có đủ năng lực làm việc tại các doanh nghiệp FDI, hoặc tham gia vào các chương trình xuất khẩu lao động kỹ sư hoặc liên thông lên đại học ở nước ngoài...

10. Hợp tác quốc tế trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp đi vào chiều sâu với nhiều đối tác uy tín.

Trong năm 2019, tăng cường hợp tác quốc tế cũng là một trong nhiều nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục nghề nghiệp.

Việc tăng cường hợp tác với nhiều quốc gia có hệ thống giáo dục nghề nghiệp tiên tiến, nghiên cứu vận dụng có chọn lọc các mô hình đào tạo nghề từ các quốc gia đó vào điều kiện thực tế tại Việt Nam là hướng đi đúng đắn của ngành giáo dục nghề nghiệp trước yêu cầu hội nhập khu vực và quốc tế…

Hoàng Mạnh