Phân luồng học sinh THCS, THPT: Cần tăng sức hấp dẫn của giáo dục nghề nghiệp

(Dân trí) - “Bản thân các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) phải luôn nâng cao sức hấp dẫn thông qua việc nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo. Có vậy mới thu hút được học sinh tốt nghiệp THCS vào học”.

Phân luồng học sinh THCS, THPT: Cần tăng sức hấp dẫn của giáo dục nghề nghiệp - 1

Ông Đỗ Văn Giang - Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) chia sẻ với báo giới tại Hội thảo định hướng nghề và việc làm cho thanh niên trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0.

Chương trình do Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp và Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức hôm 6/12 tại Hà Nội.

Đổi mới giáo dục hướng nghiệp

Theo ông Đỗ Văn Giang, thực tế hoạt động GDNN, tư vấn học đường nhiều năm qua ở các trường THCS, THPT chưa được quan tâm đúng mức, thậm chí nhiều nơi còn bị “bỏ trống”, thiếu tính chuyên nghiệp. Đội ngũ làm công tác tư vấn hướng nghiệp phần lớn là kiêm nhiệm trong các trường THPT còn THCS hầu như không có.

Nhiều cơ sở có làm nhưng chỉ làm một cách hình thức, không có chiều sâu, không có nội dung định hướng rõ ràng, phù hợp. Chưa cung cấp được đầy đủ cho học sinh phổ thông những thông tin GDNN như: Ngành nghề, xã hội đang cần nhân lực sau đào tạo nghề nghiệp; thị trường lao động và cơ hội việc làm; sự hấp dẫn của các ngành nghề đào tạo và các cơ sở đào tạo; chính sách đối với người học và chính sách ưu đãi trong GDNN; về cơ hội khởi nghiệp,…

Phân luồng học sinh THCS, THPT: Cần tăng sức hấp dẫn của giáo dục nghề nghiệp - 2

Thực tế trên đòi hỏi các cơ sở GDNN cần tích cực, chủ động phối hợp cùng các trường đang thực hiện nhiệm vụ giáo dục phổ thông, các doanh nghiệp tham gia vào công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh.

“Hướng nghiệp phải làm cho học sinh thấy rõ thế mạnh của mình và nhu cầu nhân lực của các ngành, nghề, của các địa phương, nhất là nơi mình và gia đình mình đang sinh sống. Từ đó chọn ngành nghề cho phù hợp”, ông Đỗ Văn Giang nhấn mạnh.

Theo đó, cần đào tạo và tuyển dụng cán bộ làm công tác xã hội, thực hiện nhiệm vụ GDHN và tư vấn nghề nghiệp có tính chuyên nghiệp. Quy hoạch lại mạng lưới, đầu tư mở rộng quy mô và nâng cao nặng lực hướng nghiệp, GDNN cho các trường phổ thông, trung tâm GDNN-GDTX.

Phối hợp chặt chẽ giữa trường phổ thông với cơ sở GDNN và DN trong công tác hướng nghiệp để học sinh được nghe và trao đổi trực tiếp với người học GDNN, với DN. Từ đó có hiểu biết về các lĩnh vực ngành nghề, về khởi nghiệp và lựa chọn tương lai.

Liên thông trình độ đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp

Cùng với đổi mới giáo dục hướng nghiệp, thì đổi mới cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh học liên thông giữa các trình độ đào tạo, học lên các cấp học cao hơn cũng là một trong những giải pháp quan trọng tăng sức hút cho GDNN.

Phân luồng học sinh THCS, THPT: Cần tăng sức hấp dẫn của giáo dục nghề nghiệp - 3

“Cần bổ sung cơ chế chính sách khuyến khích học sinh đi học nghề. Tăng mức hỗ trợ kinh phí cho học sinh dân tộc thiểu số, đối tượng khuyết tật, học sinh thuộc diện chính sách và những cơ sở đào tạo học sinh sau tốt nghiệp THCS vào học trong các cơ sở”.

Bên cạnh đó, chương trình đào tạo của các cấp học cần được bảo đảm sự liên thông theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam. Tạo điều kiện cho người học có thể học tập suốt đời nhằm không ngừng nâng cao trình độ, dễ dàng chuyển đổi nghề và được công nhận tích lũy tín chỉ với các kiến thức, kỹ năng đã có.

“Mềm dẻo và linh hoạt quá trình đào tạo. Đa dạng các hình thức đào tạo phù hợp với trình độ học vấn, điều kiện kinh tế và nhu cầu của người học… Bên cạnh đó, khuyến khích các DN, các cơ sở sử dụng lao động tích cực tham gia GDNN và tuyển dụng lao động ở các cơ sở đào tạo nghề”, ông Đỗ Văn Giang đề xuất.

Phân luồng học sinh THCS, THPT: Cần tăng sức hấp dẫn của giáo dục nghề nghiệp - 4

Tại Hội thảo, Đại diện Vụ Vụ Đào tạo chính quy cũng chia sẻ, tại nhiều quốc gia, người học rất quan tâm tới việc học lên trình độ cao hơn sau GDNN. Nhiều quốc gia đã hình thành chính sách liên thông cho phép người học được học lên những bậc cao hơn và miễn trừ việc học lại những kiến thức và kỹ năng thu nhận được ở các cấp bậc học dưới…

Ví dụ Isarel cho phép sinh viên theo học các chương trình đào tạo nghề nghiệp tham gia kỳ thi trung học phổ thông cuối cấp để vào đại học. Thụy Điển sinh viên theo học các chương trình dạy nghề tham gia các khóa học bổ sung để phân loại sinh viên vào học một số trường đại học…

Lê Trịnh