10 ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao nhất năm 2023
(Dân trí) - 10 nhóm ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao nhất chiếm hơn 78% tổng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong năm 2023.
Trong năm 2023, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi) đã tiến hành khảo sát nhu cầu tuyển dụng của gần 75.000 lượt doanh nghiệp với số lượng tuyển dụng gần 305.000 chỗ làm việc.
Từ khảo sát trên, Falmi cho biết có 10 nhóm ngành nghề được các doanh nghiệp tuyển dụng lao động nhiều nhất.
Đứng đầu danh sách là ngành kinh doanh thương mại với hơn 91.000 chỗ làm việc, chiếm 29,93% tổng nhu cầu nhân lực. Nhu cầu tập trung ở các vị trí: Trợ lý kinh doanh; giám sát bán hàng; nhân viên bán hàng; nhân viên kinh doanh...
Thứ 2 là ngành dịch vụ phục vụ cá nhân, bảo vệ với gần 32.000 chỗ làm việc, chiếm 10,35% tổng nhu cầu nhân lực. Nhu cầu nhân lực tập trung ở các vị trí: Nhân viên bảo vệ; nhân viên phụ bếp; nhân viên tạp vụ; nhân viên dọn dẹp vệ sinh; nhân viên giữ xe...
Thứ 3 là ngành dịch vụ tư vấn - nghiên cứu khoa học và phát triển cần hơn 22.000 chỗ làm việc, chiếm 7,23% tổng nhu cầu nhân lực. Nhu cầu nhân lực tập trung ở các vị trí: Nhân viên trực tổng đài; nhân viên tư vấn; nhân viên chăm sóc khách hàng...
Thứ 4 là ngành công nghệ thông tin cần hơn 17.000 chỗ làm việc, chiếm 5,58% tổng nhu cầu nhân lực. Nhu cầu nhân lực tập trung ở các vị trí: Nhân viên thiết kế website; kỹ sư phần mềm; kỹ sư mạng máy tính; nhân viên admin; chuyên viên lập trình; nhân viên thiết kế đồ họa...
Thứ 5 là ngành hành chính - văn phòng - biên phiên dịch cần gần 17.000 chỗ làm việc, chiếm 5,49% tổng nhu cầu nhân lực. Nhu cầu nhân lực tập trung ở các vị trí: Nhân viên hành chính; nhân viên phòng tổ chức; trợ lý giám đốc; nhân viên văn phòng, thông dịch viên; nhân viên nhập liệu...
Thứ 6 là ngành kế toán - kiểm toán cần hơn 16.000 chỗ làm việc, chiếm 5,28% tổng nhu cầu nhân lực. Nhu cầu nhân lực tập trung ở các vị trí: Kế toán nội bộ; kế toán thuế; kế toán trường; kế toán kho; kế toán công trình; kế toán tổng hợp; kiểm toán viên...
Thứ 7 là ngành kinh doanh quản lý tài sản - bất động sản cần gần 14.000 chỗ làm việc, chiếm 4,55% tổng nhu cầu nhân lực. Nhu cầu nhân lực tập trung ở các vị trí: Nhân viên kinh doanh bất động sản; môi giới bất động sản; trưởng nhóm kinh doanh bất động sản...
Thứ 8 là ngành kỹ thuật điện - điện lạnh - điện công nghiệp - điện tử cần gần 11.000 chỗ làm việc, chiếm 3,54% tổng nhu cầu nhân lực. Nhu cầu nhân lực tập trung ở các vị trí: Kỹ sư kỹ thuật điện; kỹ sư bảo trì điện công nghiệp; kỹ sư điện năng lượng mặt trời; kỹ sư điện công trình; kỹ sư điện tự động hóa; kỹ sư điện tử viễn thông; trưởng nhóm kỹ thuật điện công nghiệp; giám sát kỹ thuật điện và điện lạnh...
Thứ 9 là ngành cơ khí - tự động hóa cần gần 10.000 chỗ làm việc, chiếm 3,17% tổng nhu cầu nhân lực. Nhu cầu nhân lực tập trung ở các vị trí: Nhân viên thiết kế cơ khí; kỹ sư chế tạo máy; quản đốc xưởng cơ khí; quản lý vật tư cơ khí; trưởng phòng kỹ thuật cơ khí; kỹ thuật viên cơ khí; chuyên viên bảo trì cơ khí; nhân viên vận hành máy cơ khí; thợ hàn - tiện; thợ gia công cơ khí; thợ lắp ráp máy móc...
Thứ 10 là ngành marketing cần hơn 9.000 chỗ làm việc, chiếm 2,99% tổng nhu cầu nhân lực. Nhu cầu nhân lực tập trung ở các vị trí: Nhân viên marketing; nhân viên nghiên cứu thị trường; nhân viên digital marketing; giám đốc marketing; nhân viên thiết kế quảng cáo; nhân viên truyền thông...
Tất cả các ngành nghề còn lại cần tuyển gần 67.000 chỗ làm việc, chiếm 21,89% tổng nhu cầu nhân lực. Nhu cầu nhân lực tập trung ở các vị trí: Tài xế; nhân viên tuyển dụng; quản lý kho; nhân viên giao hàng; kiến trúc sư, nhân viên công nghệ thực phẩm; công nhân may; kỹ thuật viên thiết kế rập; nhân viên pha chế; tư vấn luật pháp…