Yêu cầu rà soát phí BOT đường bộ ở mức hợp lý
(Dân trí) - Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại phiên làm việc với Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) ngày 19/5. Theo đó, Bộ GTVT được giao phối hợp với Bộ Tài chính rà soát mức phí BOT đường bộ ở mức hợp lý, bảo đảm hài hoà lợi ích nhà nước, nhà đầu tư và khả năng chi trả của người sử dụng.
Thông tin từ Văn phòng Chính phủ cho biết, ngày 19/5, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã làm việc với Bộ Giao thông vận tải (GTVT).
Cần tiếp cận công tác xã hội hóa bến xe
Tại buổi làm việc này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành GTVT thời gian tới là hoàn thiện thể chế, trong đó ưu tiên cao nhất là xây dựng những chính sách hiệu quả để thu hút nguồn lực cho các dự án phát triển hạ tầng GTVT.
Phó Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân các dự án đầu tư, thu hút mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức đối tác công-tư (PPP) bao gồm cả nguồn lực trong và ngoài nước.
“Hình thức hợp tác công-tư nên được xác định là ưu tiên trong lĩnh vực phát triển hạ tầng GTVT”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng, tiếp cận công tác xã hội hóa bến xe. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện siết chặt quản lý vận tải và duy trì thực hiện kiểm soát tải trọng phương tiện.
Bộ GTVT được giao phối hợp với Bộ Tài chính rà soát mức phí BOT đường bộ ở mức hợp lý, bảo đảm hài hoà lợi ích nhà nước, nhà đầu tư và khả năng chi trả của người sử dụng. Bộ GTVT cần tăng cường công khai, minh bạch trong lựa chọn nhà đầu tư, phối hợp kịp thời với các bộ, ngành để được hướng dẫn nếu có vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu ngành GTVT chuyển phương thức quản lý hành chính sang phục vụ, hướng tới doanh nghiệp, người dân.
Cần gần 1 triệu tỷ đồng để đầu tư hạ tầng giao thông
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đã báo cáo Phó Thủ tướng, cho biết giai đoạn 2016 - 2020 dự kiến sẽ đầu tư phát triển thêm khoảng 1.524 km để đến hết năm 2020 sẽ có khoảng 2.270 km đường cao tốc.
Để có thể triển khai được các dự án và hoàn thành được mục tiêu phát triển hệ thống đường bộ cao tốc quốc gia như trên, giai đoạn 2016 - 2020 cần khoảng 5.150 tỷ đồng để đối ứng cho các dự án ODA và tối thiểu 25.000 tỷ đồng vốn góp từ NSNN cho các dự án BOT, PPP.
Ngoài ra, với lĩnh vực đường sắt, nhu cầu vốn để thực hiện mục tiêu quy hoạch đến năm 2020 là rất lớn, vào khoảng 227.700 tỷ đồng.
Nhìn chung, tổng nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2016-2020 vào khoảng hơn 955.000 tỷ đồng – lãnh đạo Bộ GTVT cho hay.
Trong số này, gần 348.000 tỷ đồng dự kiến huy động ngoài NSNN và hơn 607 tỷ đồng (tương đương với 60%) cần bố trí từ nguồn vốn có nguồn gốc NSNN (trong đó hơn 221.000 tỷ đồng dự kiến huy động vốn ODA, hơn 131.000 tỷ đồng đã ký kết hiệp định với các nhà tài trợ, hơn 89.000 tỷ đồng tiếp tục kêu gọi ODA trong giai đoạn và hơn 386.000 tỷ đồng đề nghị bố trí từ vốn NSNN và trái phiếu Chính phủ).
“Trước mắt, trong năm 2016 đề nghị ưu tiên bổ sung khoảng 10.000 tỷ đồng vốn đối ứng cho các dự án ODA và ứng trước kế hoạch năm 2017 khoảng 7.000 tỷ đồng cho các dự án giao thông trong nước quan trọng, cấp bách đang được triển khai”, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường kiến nghị.
Bích Diệp