Yêu cầu của Thủ tướng với ngành ngân hàng và lời hứa của Thống đốc
(Dân trí) - Đối với yêu cầu của Thủ tướng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ tập trung nỗ lực thực hiện, vượt qua khó khăn thách thức để hoàn thành tốt nhiệm vụ trong năm 2021 và những năm tiếp theo.
Ngày 26/12, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2021. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Đặt câu hỏi với các lãnh đạo ngân hàng là "năm nay, chia sẻ với người dân thế nào, giảm lãi suất làm sao, cho vay các đối tượng thế nào", "chứ không phải lợi nhuận kếch xù bao nhiêu", Thủ tướng yêu cầu dứt khoát ngành ngân hàng không để thiếu vốn tín dụng cho các cơ sở sản xuất kinh doanh.
Cảm ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ tập trung nỗ lực thực hiện, vượt qua khó khăn thách thức để hoàn thành tốt nhiệm vụ trong năm 2021 và những năm tiếp theo.
Theo đó, trong năm 2021, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đề nghị toàn ngành quán triệt chủ trương định hướng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục kiên định mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa với các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, hiệu quả để hỗ trợ quá trình phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân với lãi suất hợp lý.
Thống đốc lưu ý, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu đơn vị trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao; thường xuyên theo dõi diễn biến, tình hình trong lĩnh vực được giao phụ trách để chủ động tham mưu đề xuất ban lãnh đạo các biện pháp chỉ đạo, điều hành kịp thời nhằm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra và tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng hoạt động an toàn, hiệu quả và hỗ trợ tốt cho tăng trưởng kinh tế.
Trong đó, Thống đốc yêu cầu các đơn vị tiếp tục tham mưu, đề xuất và chỉ đạo hướng dẫn triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid - 19, các giải pháp tháo gỡ khó khăn về vốn vay cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi thiên tai và biến đổi khí hậu, trong đó có việc sửa đổi, bổ sung Thông tư số 01.
Các đơn vị cũng cần tổng kết Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng giai đoạn 2016 - 2020 nhằm có những đề xuất đối với đề án trong giai đoạn mới. Theo Thống đốc, các đơn vị tăng cường công tác thanh tra giám sát hoạt động của tổ chức tín dụng, đặc biệt là đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, theo dõi nắm bắt kịp thời các diễn biến bất thường có nguy cơ rủi ro để kiến nghị, khuyến nghị, cảnh báo tổ chức tín dụng xử lý kịp thời nhằm ngăn ngừa, hạn chế rủi ro cho hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Đối với các tổ chức tín dụng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đề nghị Chủ tịch Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên và Tổng Giám đốc, Giám đốc các tổ chức tín dụng nâng cao tinh thần ý thức trách nhiệm trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ kinh doanh của tổ chức mình. Trong đó, các tổ chức tín dụng khẩn trương tổng kết, đánh giá kết quả cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, đúc rút các bài học kinh nghiệm và chủ động xây dựng phương án cho giai đoạn 2021-2025.
Các tổ chức tín dụng xây dựng kế hoạch kinh doanh cho năm 2021 phù hợp với định hướng, mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, hoạt động ngân hàng tại nghị quyết của Chính phủ cũng như chỉ thị tới đây của Ngân hàng Nhà nước, tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, giảm chỉ tiêu lợi nhuận để có điều kiện giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp và người dân, nhất là đối với các khoản cho vay cũ, cho vay trung dài hạn.
Cũng theo yêu cầu của Thống đốc, các tổ chức tín dụng mở rộng tín dụng an toàn, hiệu quả, đi đôi với chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu mới phát sinh, đảm bảo tốc độ tăng trưởng theo đúng chỉ tiêu Ngân hàng Nhà nước giao, tập trung tín dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Cùng với đó là tăng cường công tác kiểm soát, kiểm tra nội bộ, xử lý nghiêm các sai phạm để nâng cao kỷ luật kỷ cương, ý thức chấp hành pháp luật và đạo đức nghề nghiệp của nhân viên ngân hàng, góp phần phòng chống ngăn ngừa hạn chế vi phạm pháp luật trong hoạt động ngân hàng.