Thủ tướng mong ngân hàng không "lợi nhuận kếch xù" trong khó khăn chung

(Dân trí) - Thủ tướng cho rằng, mặc dù Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng đã rất nỗ lực trong điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, nhưng vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp và người dân.

Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: 5 năm qua, ngành ngân hàng có bước phát triển vượt bậc, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Năm 2020, chúng ta gặp rất nhiều thách thức, đặc biệt là dịch Covid-19.

Ngành ngân hàng, với vai trò huyết mạch của nền kinh tế đã vào cuộc rất sớm với tinh thần "chống dịch như chống giặc"; chủ động có giải pháp ứng phó với tác động của dịch Covid-19, bão lũ, khắc phục khó khăn và hỗ trợ nền kinh tế.

Theo đánh giá của Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, khéo léo, góp phần duy trì ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tăng trưởng tín dụng đạt gần 11%.

"Đặc biệt, tôi đánh giá cao các đồng chí nhiều lần giảm lãi suất điều hành, từ đầu năm đến nay, 3 lần giảm lãi suất điều hành, khoảng 1,5-2%/năm, giảm sâu nhất trong khu vực". Thủ tướng cũng đánh giá cao những nỗ lực, sự chủ động của Ngân hàng Nhà nước trong phối hợp các bộ, ngành làm việc với các đối tác quốc tế để xử lý những vấn đề lớn đặt ra, không để tác động lớn đến quan hệ thương mại, đầu tư của Việt Nam như đánh giá đa phương của Đoàn đánh giá đa phương của Nhóm châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG) về công tác phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố tại Việt Nam; đánh giá của Bộ Tài chính Hoa kỳ và các cơ quan của Hoa Kỳ đối với Việt Nam...

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, mặc dù Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng đã rất nỗ lực trong điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, nhưng vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là đối với lãi suất các khoản cho vay cũ, lãi suất trung dài hạn. Nhiều ngân hàng thương mại có lợi nhuận khá lớn, coi lợi nhuận là tối đa.

Thủ tướng mong ngân hàng không lợi nhuận kếch xù trong khó khăn chung - 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2021. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Do ảnh hưởng của Covid-19 nên nguy cơ nợ xấu gia tăng. Vì vậy, cùng với việc mở rộng tín dụng hỗ trợ phục hồi kinh tế, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng cần có các giải pháp xử lý nợ xấu và hạn chế nợ xấu mới phát sinh. Còn không ít tồn tại, yếu kém và các sai phạm của các tổ chức tín dụng cần tiếp tục được chấn chỉnh và xử lý kịp thời, đặc biệt là đối với các ngân hàng mua bắt buộc, ngân hàng yếu kém và hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân.

"Chúng ta đã đạt thành công lớn nhưng không được chủ quan", Thủ tướng nhấn mạnh và cho hay: "Các nhà nghiên cứu đều nói, tình hình tài chính, tiền tệ quốc tế có thể diễn biến phức tạp, đòi hỏi chúng ta phải tính toán kỹ, có những phương án, đối sách phù hợp kịp thời".

Cụ theo Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước cần tính toán tăng trưởng tín dụng năm 2021 là bao nhiêu để đóng góp vào tăng trưởng vì với Việt Nam, tín dụng vẫn là một kênh quan trọng đối với sự phát triển; cần tập trung hoàn thiện thể chế về tiền tệ, tín dụng, ngân hàng phù hợp với yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

"Bài học kiểm soát lạm phát của nước ta thời gian qua cũng như thời gian đến là bài học xương máu, nếu để lạm phát tăng vọt lên thì trách nhiệm của chúng ta rất lớn". Đi liền với đó, "dứt khoát ngành ngân hàng không để thiếu vốn tín dụng cho các cơ sở sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân, lĩnh vực xuất khẩu, công nghệ cao…", Thủ tướng lưu ý. Ngân hàng không chỉ cho vay vốn mà còn hỗ trợ thiết thực, giúp doanh nghiệp làm sao có phương án sản xuất hiệu quả, bền vững, vừa có lợi cho ngân hàng, vừa có lợi cho doanh nghiệp, đồng thời, cần tiếp tục kiểm soát chặt chẽ rủi ro.

Thủ tướng mong muốn, trong bối cảnh còn khó khăn này, ngành ngân hàng chưa nhằm mục tiêu lợi nhuận mà tiếp tục chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân để hỗ trợ phát triển sản xuất. Câu hỏi mà Thủ tướng đặt ra với các lãnh đạo ngân hàng rằng là "năm nay, ông chia sẻ với người dân thế nào, ông giảm lãi suất làm sao, cho vay các đối tượng thế nào chứ không phải lợi nhuận kếch xù bao nhiêu".

Qua đó ngành ngân hàng cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu của các ngân hàng yếu kém. Đây là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Thủ tướng đặt ra bài toán và yêu cầu đối với ngân hàng là vừa giảm thiểu nợ xấu gia tăng, vừa xử lý thành công nợ xấu tồn đọng, vừa bảo đảm hệ thống các tổ chức tín dụng và từng tổ chức phát triển ổn định, bền vững, trong đó hướng đến mục tiêu có một số ngân hàng thương mại lọt vào tốp đầu các ngân hàng lớn nhất, chất lượng tốt nhất, hiệu quả nhất trong khu vực.

"Chúng ta có 49 ngân hàng thương mại, 51 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1.182 quỹ tín dụng nhân dân với số dư tín dụng đến 9 triệu tỷ đồng, con số rất lớn nên phải giám sát, thanh tra thế nào", Thủ tướng đặt vấn đề.