Xung đột tiền tệ Trung - Mỹ sẽ dẫn đến cuộc chiến thương mại

(Dân trí) - Mỹ và Trung Quốc đang cố gắng né tránh một cuộc chiến tranh thương mại, song cả hai bên đều đã sẵn sàng đối phó khi cần thiết.

Xung đột tiền tệ Trung - Mỹ sẽ dẫn đến cuộc chiến thương mại - 1
Cặp tỉ giá Nhân dân tệ/USD đang gây căng thẳng cho kinh tế 2 cường quốc.
 
Trung Quốc đang lặng lẽ chuẩn bị cho một bước nâng giá đồng Nhân dân tệ khiêm tốn sau nhiều tuần vấp phải sự chỉ trích từ các quan chức Mỹ. Thị trường tiền tệ đã dự đoán trước một đợt tăng 3% của Nhân dân tệ so với USD trong năm tới. Tuy nhiên mức tăng ít ỏi này khó có thể làm thỏa mãn số đông những nghị sĩ Mỹ luôn yêu cầu Trung Quốc đẩy giá trị đồng Nhân dân tệ lên 25 - 40% so với USD.

Kenneth G. Lieberthal, một học giả thuộc Brookings Institution đồng thời là cựu cố vấn về Trung Quốc dưới thời Clinton, cho rằng xác suất để nước này chấp nhận một cách thụ động mức thuế bổ sung hoặc trừng phạt về luật pháp của Mỹ là “gần như bằng không”.

Hành động đơn phương của Mỹ chắc chắn sẽ dẫn đến sự trả đũa. Trung Quốc hiện tại là đối tác thương mại lớn thứ hai của Mỹ, sau Canada, đồng thời đang nắm giữ hơn 1.000 tỷ USD trái phiếu chính phủ Mỹ cũng như nợ của các cơ quan chính phủ khác. Vì thế, nếu như có xung đột kinh tế nổ ra thì cũng chưa thể biết được bên nào lợi hại hơn.

Hai cường quốc này đang phụ thuộc chặt chẽ vào nhau trên nhiều phương diện, và có khả năng gây tổn hại đáng kể cho đối phương cũng như cho phần còn lại của kinh tế thế giới - Eswar S. Prasad, kinh tế gia đại học Cornell nhận định trong một cuộc phỏng vấn.

Bên cạnh biện pháp áp thuế trả đũa đối với hàng hóa của Mỹ, Trung Quốc còn có thể ngừng mua trái phiếu chính phủ. Dù rằng điều đó có thể làm tăng lợi tức và kéo giá trái phiếu xuống, đồng thời giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế vốn đang yếu ớt của Mỹ, nhưng nó cũng gây cho Trung Quốc nhiều thiệt hại.

Giá trị các tài sản họ nắm giữ sẽ giảm đáng kể và một trong những thị trường xuất khẩu chính của nước này sẽ bị tổn hại nghiêm trọng - thêm vào đó cuộc chiến có thể lan rộng sang nước khác. Mặc dù tình huống này chưa chắc đã xảy ra, nhưng nếu trở thành sự thật thì đó là điều vô cùng nguy hiểm.

Bộ trưởng tài chính Timothy F. Geithner và phó thủ tướng Trung Quốc Vương Kỳ Sơn đã có cuộc gặp gỡ và thảo luận các vấn đề kinh tế song phương tại Bắc Kinh. Tổng thống Obama và chủ tịch Hồ Cẩm Đào cũng hội đàm tại Washington trong tuần này, cùng với nhiều dịp đối thoại khác được lên kế hoạch.

Các quan chức Trung Quốc bày tỏ rằng họ cũng lo lắng người dân của mình bị mất việc làm. Kim ngạch xuất khẩu khổng lồ của nước này - được đóng góp một phần từ những người tiêu dùng Mỹ - đã đem lại sự thịnh vượng và đảm bảo ổn định xã hội. Vì thế, một sự thay đổi giá trị đột ngột với biên độ lớn của đồng Nhân dân tệ rất có thể sẽ phá vỡ sự ổn định đó, đây rõ ràng không phải điều dễ chịu gì.

Nhà kinh tế Prasad nhận định nếu như các nhà lãnh đạo Trung Quốc không bị chính phủ Mỹ gây sức ép quá mức, và nếu tình hình thuận lợi thì họ có thể nới lỏng để đồng nội tệ tăng lên cao hơn mức dự đoán của thị trường, khả năng là khoảng 5% trong năm tới.

Tuy nhiên, tất cả những động thái đó sẽ không có tác dụng lớn đối với thâm hụt thương mại của Mỹ, nghĩa là cuộc chiến tiền tệ rất có thể bùng phát khi cuộc bầu cử quốc hội tháng 11 đang đến gần, đặc biệt là nếu tỷ lệ thất nghiệp vẫn còn ở mức cao.

Xét trên quan điểm dài hạn hơn, nếu Trung Quốc cho phép nhân dân tệ được trao đổi tự do hơn trên thị trường quốc tế  thì điều đó có thể giúp họ tái cấu trúc nền kinh tế. Trong khi Hoa Kỳ cần tăng dự trữ quốc gia và hạn chế tiêu dùng thì Trung Quốc đang phải đối mặt với những vấn đề hoàn toàn khác.

Biến nhân dân tệ  trở thành một đồng tiền mạnh trên thế giới sẽ nâng cao vị thế kinh tế của Trung Quốc rất nhiều, song câu hỏi đặt ra là liệu họ có thể thành công mà không cần lao vào một cuộc chiến tranh thương mại hay không?

Hoàng Sơn
Theo NYTimes