Xuất siêu giảm còn 2,6 tỷ USD, nhập khẩu Trung Quốc đạt gần 50 tỷ USD
(Dân trí) - Năm 2016, nền kinh tế tiếp tục xuất siêu nhưng con số không đạt như kỳ vọng, trong khi đó, nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường Trung Quốc vẫn rất cao, chiếm tỷ trọng lớn trong số các thị trường nhập khẩu.
Trong báo cáo mới nhất về tình hình xuất nhập khẩu cuối năm, Tổng cục Thống kê cho biết, xuất siêu 12 tháng năm 2016 đạt 2,6 tỷ USD.
Cụ thể, xuất khẩu năm 2016 đạt 175,9 tỷ USD, nhập khẩu đạt 173,3 tỷ USD, xuất siêu đạt 2,6 tỷ USD. Như vậy, mục tiêu xuất khẩu năm 2016 không đạt yêu cầu từ 3,5 - 4 tỷ USD như kế hoạch đề ra.
Những mặt hàng gia tăng nhập khẩu năm 2016 tập trung phần lớn vào máy móc thiết bị khi có giá trị kim ngạch tăng cao. Trong khi xuất khẩu nhiều mặt hàng đã giảm giá trị, trong đó có gạo, nông sản, than và dầu thô. Điều này khiến giá trị xuất khẩu khu vực trong nước giảm mạnh.
Đáng chú ý, trong xuất khẩu, khu vực kinh tế trong nước đạt 50 tỷ USD, tăng 4,8%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 125,9 tỷ USD, tăng 10,2%. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm nay tăng thấp do giá hàng hóa xuất khẩu bình quân giảm 1,8% so với năm trước, trong đó nhóm hàng nhiên liệu giảm tới 20,1%. Xuất khẩu khu vực FDI vẫn chiếm tỷ lệ rất lớn trên 70% so với tổng xuất khẩu.
Về các mặt hàng xuất khẩu, hiện dệt may là ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất đạt 23,6 tỷ USD, tăng 3,3%; điện thoại và linh kiện đạt 34,5 tỷ USD, tăng 14,4%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 18,5 tỷ USD, tăng 18,4%; giày dép đạt 12,9 tỷ USD. Ngược lại, xuất khẩu một số mặt hàng nông sản và nguyên liệu thô giảm so với năm trước như dầu thô đạt 2,3 tỷ USD, giảm 36,7% (lượng giảm 24,2%); gạo đạt 2,2 tỷ USD, giảm 21,7% (lượng giảm 25,7%); sắn và sản phẩm từ sắn đạt 996 triệu USD, giảm 24,3% (lượng giảm 10,9%).
Về thị trường hàng hóa xuất khẩu năm 2016, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu dẫn đầu với 38,1 tỷ USD, tăng 14% so với năm 2015. Tiếp đến là thị trường EU đạt 34 tỷ USD, tăng 10%; Trung Quốc đạt 21,8 tỷ USD, tăng 26,3%; Nhật Bản đạt 14,6 tỷ USD, tăng 3,4%; Hàn Quốc đạt 11,5 tỷ USD, tăng 29%; riêng xuất khẩu sang thị trường ASEAN đạt 17,4 tỷ USD, giảm 4,8%.
Về nhập khẩu, khu vực kinh tế trong nước đạt 71,1 tỷ USD, tăng 4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 102,2 tỷ USD, tăng 5,1%.
Các mặt hàng nhập khẩu tăng như máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 28,1 tỷ USD, tăng 1,8%; điện tử máy tính và linh kiện đạt 27,8 tỷ USD, tăng 20,1%, sắt thép đạt 8 tỷ USD, tăng 7,3%; chất dẻo đạt 6,3 tỷ USD, tăng 5,5%; nguyên phụ liệu dệt may, giày dép đạt 5,1 tỷ USD, tăng 1,9%.
Một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu giảm so với năm 2015: Điện thoại và linh kiện đạt 10,6 tỷ USD, giảm 0,3%; xăng dầu đạt 4,7 tỷ USD, giảm 11,7% (lượng tăng 14,2%); ôtô đạt 5,9 tỷ USD, giảm 2,3%; trong đó ôtô nguyên chiếc đạt 2,3 tỷ USD, giảm 22,1%...
Về thị trường hàng hóa nhập khẩu năm 2016, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của nước ta với kim ngạch đạt 49,8 tỷ USD, tăng 0,5% so với năm 2015; Hàn Quốc đạt 31,7 tỷ USD, tăng 14,6%; ASEAN đạt 23,7 tỷ USD, giảm 0,3%; Nhật Bản đạt gần 15 tỷ USD, tăng 4,3%; EU đạt 11,1 tỷ USD, tăng 6,7%; Hoa Kỳ đạt 8,7 tỷ USD, tăng 11,6%.
Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu của thị trường Trung Quốc như: sắt thép, máy móc thiết bị và nguyên liệu cho ngành điện tử, dệt may. Mặc dù kim ngạch nhập khẩu năm 2016 tại thị trường Trung Quốc có giảm mạnh so với năm 2015 nhưng giá trị vẫn cao nhất trong các thị trường nhập khẩu.
Cũng trong năm 2016, Tổng cục Thống kê cũng đánh giá tác động của các sự kiện Brexit và sự cố Samsung Galaxy Note 7 (nổ pin) có ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam. Về tác động của sự kiện Brexit đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, Tổng cục Thống kê khẳng định: Không có tác động trực tiếp đến luồng hàng hóa giao dịch giữa 2 quốc gia. Sự cố nổ pin của Samsung, Tổng cục Thống kê cho hay có tác động nhưng không nhiều do DN này đã cơ cấu lại mặt hàng xuất khẩu.
Nguyễn Tuyền