Xuất siêu tuột dốc nhanh vì nhập khẩu tăng mạnh cuối năm

(Dân trí) - Trong xu hướng nhập khẩu tăng cao hơn nhiều so với xuất khẩu những tháng cuối năm, hiện tượng nhập siêu trở lại đã kéo giảm đà xuất siêu cả năm xuống thấp hơn dự báo. Cụ thể, riêng nhập siêu của tháng 11 đã đạt 400 triệu USD, cộng dồn từ tháng 10, hai tháng cuối năm, Việt Nam nhập siêu hơn 840 triệu USD, kéo giảm xuất siêu từ mốc 3,7 tỷ USD 9 tháng đầu năm chỉ còn 2,85 tỷ USD.

Theo báo cáo về hoạt động thương mại tháng 11 và 11 tháng đầu năm 2016, giá trị xuất khẩu tháng 11/2016 ước đạt 15,6 tỷ USD, giá trị nhập khẩu ước đạt 16 tỷ USD, xu hướng xuất khẩu những tháng cuối năm đang giảm, nhập khẩu tăng trở lại

Với kết quả ước tính trên thì trong 11 tháng/2016, tổng trị giá xuất nhập khẩu dự kiến đạt 316,16 tỷ USD; trong đó giá trị xuất khẩu ước đạt 159,5 tỷ USD, nhập khẩu ước đạt 156,66 tỷ USD.

Sản xuất, tiêu dùng tăng mạnh cuối năm, khiến nhập khẩu gia tăng
Sản xuất, tiêu dùng tăng mạnh cuối năm, khiến nhập khẩu gia tăng

Như vậy, giá trị xuất siêu tính đến tháng 11 đã giảm chỉ còn 2,85 tỷ USD, giảm mạnh so với ... Tính chung, trong hai tháng cuối năm là tháng 10 và tháng 11, nhập siêu của cả nước đã tăng hơn 840 triệu USD, kéo giảm xuất siêu từ 3,7 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm xuống chỉ còn 2,85 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm 2016. Như vậy, kỳ vọng xuất siêu đạt ngưỡng từ 3,5 - 4 tỷ USD không thể đạt được.

Các mặt hàng xuất khẩu lớn nhất trong tháng 11 là điện thoại các loại và linh kiện, ước đạt 3 tỷ USD, tăng 5,8% so với tháng trước. Ước tính đến hết tháng 11/2016, trị giá xuất khẩu mặt hàng này đạt 31,33 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2015.

Tuy nhiên, hoạt động nhập khẩu cùng mặt hàng trong tháng cũng rất cao, trong đó nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 2,6 tỷ USD, ước tính 11 tháng đầu năm, tổng giá trị nhập mặt hàng trên là 25,4 tỷ USD. Ngoài ra, điện thoại các loại và linh kiện nhập khẩu trong tháng 11/2016 tăng, đạt 1,05 tỷ USD, hết tháng 11/2016, nhập khẩu mặt hàng trên ước đạt 9,6 tỷ USD.

Thành tích xuất khẩu mặt hàng điện thoại và linh kiện điện tử thời gian qua luôn dẫn đầu trong nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Tuy nhiên, giá trị gia tăng cho Việt Nam còn thấp do Việt Nam vẫn phụ thuộc nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cao.

Một mặt hàng xuất khẩu khác là dệt may, tháng 11/2016, trị giá xuất khẩu (XK) ước đạt 1,85 tỷ USD, giảm 4,3% so với tháng trước. Hết 11 tháng năm 2016, kim ngạch XK mặt hàng này đạt 21,53 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2015.

Tuy nhiên, trên thực tế, Việt Nam cũng phải nhập khẩu số lượng vải tương đối lớn cho ngành sản xuất, xuất khẩu dệt may. Cụ thể tháng 11/2016, trị giá nhập khẩu ước đạt 950 triệu USD. Ước tính đến hết tháng 11/2016, tổng trị giá NK đạt 9,48 tỷ USD, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2015. Như vậy, giá trị xuất khẩu hàng dệt may khi trừ đi chi phí nhập khẩu nguyên phụ liệu chỉ còn đạt trên 12 tỷ USD trong 11 tháng.

Trong 10 nhóm mặt hàng xuất khẩu chiến lược của Việt Nam, nhiều mặt hàng của Việt Nam đã giảm giá trị trong tháng và 11 tháng qua như: gạo, thủy sản, dầu thô và than - khoáng sản. Trong đó giảm nghiêm trọng nhất là giá trị mặt hàng dầu thô với gần 40% so với cùng kỳ, mặt hàng thủy sản cũng giảm gần 5% giá trị, mặt hàng gạo trên 23% giá trị, than đá cũng giảm trên 49% giá trị. Những mặt hàng xuất khẩu tăng hàng giày dép đạt trên 11,6 tỷ USD, tăng gần 8% so với cùng kỳ, máy móc, thiết bị, phụ tùng đạt 9,3 tỷ USD, mặt hàng gỗ đạt 6,21 tỷ USD...

Trong số 11 mặt hàng nhập khẩu (NK) có giá trị kim ngạch cao, dẫn đầu 11 tháng qua vẫn là máy móc thiết bị đạt 25 tỷ USD, trong đó tháng 11, mặt hàng này đã có kim ngạch nhập gần 2,5 tỷ USD. Ngoài ra, nhập khẩu sắt thép xét cả về lượng và giá trị có mức tăng rất mạnh lên hơn 22% về lượng và trên 7,4%, giá trị đạt hơn 7,3 tỷ USD.

Cuối năm, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tình hình nhập khẩu một số mặt hàng tiêu dùng dịp tết tăng mạnh so với các tháng trong năm, thậm chí so với cùng kỳ năm trước có sự tăng đột biến. Cụ thể, các mặt hàng sữa các loại, rau quả, bánh kẹo và thực phẩm trong tháng 10 và 10 tháng đầu năm đã tăng mạnh, riêng tháng 10, các mặt hàng này đã tăng trên 20% về giá trị. 10 tháng đầu năm, kim ngạch các loại mặt hàng trên đã tăng từ 11 - 17% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài các hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng tiêu dùng, các mặt hàng điện máy, điện gia dụng dịp cuối năm cũng tăng mạnh, tháng 1o, nhập khẩu mặt hàng này có kim ngạch tăng trên 17%, 11 tháng, kim ngạch mặt hàng này tăng trên 30% so với cùng kỳ.

Nguyễn Tuyền