1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Xuất nhập khẩu tăng gấp 4 lần sau 10 năm Việt Nam gia nhập WTO

(Dân trí) - Theo một báo cáo mới đây về hoạt động xuất nhập khẩu năm 2016, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) cho biết đến hết năm 2016 là đánh dấu 10 năm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã tăng gấp 4 lần, vượt mốc 350 tỷ USD.

Cụ thể, cách đây 10 năm tổng giá trị xuất nhập khẩu cả nước chỉ khoảng 84,7 tỷ USD, hết tháng 12/2007, đạt 100 tỷ USD; 5 năm sau cán mốc 200 tỷ USD và hết tháng 12/2015 cán mốc 300 tỷ USD. Tính đến hết năm 2016, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã đạt 350,74 tỷ USD, gấp 4 lần so với năm 2006.

Tốc độ tăng giá trị xuất nhập khẩu lần lượt qua các năm 2006 - 2007, gấp 1,2 lần, từ năm 2007 - 2012 gấp 2 lần, từ 2012 đến 2015 gấp 1,5 lần và từ 2015 - 2016 gấp 1,16 lần. Tốc độ tăng giá trị xuất nhập khẩu giai đoạn 2006 - 2007 chỉ tăng 1,2 lần, giai đoạn 2015 - 2016 tăng 1,16 lần, dù thấp hơn so với các giai đoạn trước đó, nhưng đây là 2 năm cách nhau liên tiếp, do đó đạt được tốc độ tăng gấp hơn 1 lần so với trước đã là tốc độ tăng cao so với các giai đoạn trước đó.


Sau 10 năm gia nhập WTO, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam tăng 4 lần, độ mở nền kinh tế lớn (ảnh minh hoạ)

Sau 10 năm gia nhập WTO, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam tăng 4 lần, độ mở nền kinh tế lớn (ảnh minh hoạ)

Theo đánh giá của Tổng cục Hải quan, tốc độ tăng trưởng thương mại lớn và tăng nhanh là điều đáng mừng và đó là minh chứng của độ mở của nền kinh tế Việt Nam đang rất cao. Đây là minh chứng, chúng ta đang khai thác được cả lợi thế về điểm mạnh của nền kinh tế trong nước và tranh thủ được các thị trường thế giới.

Dẫn chứng sau 10 năm gia nhập WTO, Tổng cục Hải quan khẳng định, độ mở nền kinh tế Việt Nam đã tăng từ 144% (2017) lên 173% (năm 2016). Từ năm 2012, nền kinh tế đã chấm dứt chuỗi thời gian dài nhập siêu lớn, có xuất siêu từ năm 2012 đến năm 2014, sau đó nhập siêu trở lại năm 2015 (3,6 tỷ USD). Tuy nhiên, hết năm 2016, nền kinh tế quay trở lại trạng thái xuất siêu với 2,5 tỷ USD.

Về đối tác thương mại, trong năm 2016, Việt Nam có 28 thị trường xuất khẩu (đạt trị giá 160,6 tỷ USD) và 21 thị trường nhập khẩu (đạt kim ngạch 159,3 tỷ USD) có kim ngạch 1 tỷ USD. Việt Nam nhập siêu trên 1 tỷ USD từ 7 thị trường, trong đó có 6 thị trường là ở châu Á, nhập siêu lớn nhất là từ Trung Quốc với 28 tỷ USD, nhập siêu từ Malaysia 1,78 tỷ USD, tăng gần 3 lần so với năm 2015. Ngược lại, Hoa Kỳ là thị trường xuất siêu lớn của Việt Nam với kim ngạch đạt 29,75 tỷ USD, tăng 16%, tiếp sau là Hà Lan, Hồng Kông...

Mặc dù thương mại tăng trưởng cao, nhưng hết năm 2016, nhiều nhóm ngành xuất khẩu truyền thống gặp nhiều khó khăn: nông sản cà phê, chè, hạt tiêu, cao su, dầu thô, than đá, gạo... gặp nhiều khó khăn, xuất khẩu suy giảm mạnh. Giá trị xuất khẩu có thặng dư do có sự hỗ trợ, bù trừ của các nhóm hàng công nghiệp điện tử, chế biến, máy móc thiết bị và giày dép.

Tuy nhiên, các mặt hàng này phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và hoạt động của nhóm doanh nghiệp FDI. Tăng trưởng xuất khẩu phụ thuộc vào tăng trưởng nhập khẩu linh phụ kiện, giá trị gia tăng của nền kinh tế còn thấp, các doanh nghiệp FDI chậm chuyển giao công nghệ, kỹ thuật và hiệu quả lan toả còn kém.

Nguyễn Tuyền