Xuất khẩu gạo đánh mất “cơ hội vàng”, doanh nghiệp tiếp tục khó khăn

Đại Việt

(Dân trí) - Tháng 3 – 4/2020 là “thời điểm vàng” cho xuất khẩu gạo vì giá cao. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đã không thể xuất khẩu vì đề xuất “hạn chế xuất khẩu gạo”. Hiện nay, gạo lại tiếp tục bị "ép giá".

Xuất khẩu gạo đánh mất “cơ hội vàng”, doanh nghiệp tiếp tục khó khăn - 1

Xuất khẩu gạo đã mất đi "cơ hội vàng" vào tháng 3 và tháng 4/2020. Ảnh: T.L

Ông Nguyễn Văn Hoàng, đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại Long An cho biết, hiện nay, gạo Việt Nam đang bị các doanh nghiệp Trung Quốc ép giá khiến doanh nghiệp trong nước xuất khẩu gạo sang thị trường này rất khó khăn.

Đặc biệt là gạo nếp, hiện nay, giá gạo nếp chỉ còn 485 USD/tấn nên doanh nghiệp của ông không bán vì giá quá thấp.

“Giá gạo tẻ 5% tấm của Việt Nam hiện nay cũng đang được xuất khẩu với giá 465-469 USD/tấn. Trong khi đó, gạo 5% tấm của Thái Lan đang được xuất khẩu với giá 513 USD/tấn”, ông Hoàng nói.

Cũng theo ông Hoàng, gạo 25% tấm của Việt Nam đang được xuất khẩu với giá chỉ từ 443 – 447 USD/tấn, trong khi giá gạo này của Thái Lan là 494 USD/tấn. Giá gạo đồ của Việt Nam cũng thấp hơn Thái Lan trên dưới 35 USD/tấn.

Theo ông Hoàng, lý do khiến gạo Việt Nam xuất khẩu đi nước ngoài có giá trị kém hơn Thái Lan là do gạo Việt Nam có chất lượng và thương hiệu chưa bằng gạo Thái.

Hiện tại, gạo Việt Nam muốn xuất khẩu qua Trung Quốc phải đi “đường vòng” qua Campuchia. Sau đó, gạo mới từ Campuchia đi sang Trung Quốc. Lý do là Trung Quốc đang áp mức thuế mặt hàng gạo cho Campuchia thấp hơn Việt Nam.

“Vào tháng 3, tháng 4/2020, giá gạo cao thì không cho doanh nghiệp xuất khẩu. Gạo nhiều nhưng hàng không đi được. Còn bây giờ doanh nghiệp phải đi năn nỉ người ta để xuất khẩu. Trong khi đó, việc hạn chế xuất khẩu gạo gây thiệt hại nặng nề cho doanh nghiệp thì không có ai chịu trách nhiệm. Dù trước đó, các chuyên gia và doanh nghiệp cũng đã cảnh báo hạn chế xuất khẩu gạo là không phù hợp”, ông Hoàng nói.

Cũng theo ông Hoàng, dù Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực nhưng gạo Việt Nam xuất khẩu đi châu Âu là không nhiều.

Xuất khẩu gạo đánh mất “cơ hội vàng”, doanh nghiệp tiếp tục khó khăn - 2

Hiện nay, gạo Việt đang bị các doanh nghiệp nước ngoài "ép giá". Ảnh: T.L

Ông Trần Minh Hòa, đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại TPHCM cho biết, ngoài việc các doanh nghiệp Trung Quốc ép giá thì việc Philippines hạn chế nhập khẩu gạo cũng đang khiến các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước gặp nhiều khó khăn.

Bởi, Trung Quốc và Philippines là hai thị trường xuất khẩu gạo lớn của Việt Nam bên cạnh Malaysia. Trong khi đó, việc xuất khẩu gạo sang thị trường châu Âu cũng còn gặp nhiều khó khăn do thủ tục phức tạp.

Theo các chuyên gia ngành xuất nhập khẩu, gạo Việt Nam muốn được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu vào Liên minh châu Âu (EU) phải tuân thủ quy định của Ủy ban châu Âu (EC) về việc mở và tiếp nhận hạn ngạch thuế quan cho gạo có xuất xứ từ Việt Nam.

Để xuất khẩu gạo sang EU phải có giấy chứng nhận xuất xứ hoặc là tự chứng nhận xuất xứ của Việt Nam, đăng ký của Việt Nam, sau đó phải có kèm theo các giấy kiểm dịch.

Ngoài ra, gạo Việt Nam bắt buộc phải đáp ứng các vấn đề về an toàn thực phẩm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường…

Bên cạnh đó, thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng cho biết, đối với gạo thơm, thị trường châu Âu yêu cầu phải có thêm nhiều thủ tục xác nhận của các cơ quan chức năng trong nước.

Do đó, quy trình xuất khẩu mặt hàng này sẽ phát sinh thêm một số thủ tục hành chính. Trong khi đó, thủ tục hành chính thì phải quy định ở mức nghị định.

Chính vì vậy, để đáp ứng yêu cầu của EC đối với xuất khẩu gạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đang gấp rút hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành nghị định về các thủ tục hành chính cho xuất khẩu gạo sang EU được hưởng hạn ngạch thuế quan.

Xuất khẩu gạo đánh mất “cơ hội vàng”, doanh nghiệp tiếp tục khó khăn - 3

Cần tháo gỡ khó khăn cho các DN xuất khẩu gạo. Bởi, nếu gạo xuất khẩu tốt thì người nông dân cũng sẽ được hưởng lợi. Ảnh: T.L

Dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng trong tháng 8/2020, sản lượng gạo của Việt Nam xuất khẩu sang EU vẫn có sự tăng trưởng đáng kể.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT) cho biết, kể từ 1/8, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU đã tăng 80-200 USD/tấn tùy loại so với trước đó. Ước tính trị giá xuất khẩu gạo tháng 8 của Việt Nam vào EU đạt hơn 1,2 triệu USD, tăng 93,5% so với tháng 7 và tăng 35,6% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Hiệp định EVFTA, Liên minh châu Âu (EU) dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm gồm: 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm. Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm, cam kết này giúp Việt Nam có thể xuất khẩu khoảng 100.000 tấn vào EU mỗi năm.

Hiện có 9 loại gạo thơm xuất khẩu sang EU được hưởng hạn ngạch về thuế quan gồm Jasmine 85, ST5, ST20, Nàng Hoa 9, VĐ 20, RVT, OM 4900, OM 5451, Tài nguyên Chợ Đào.

Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, diện tích gieo cấy lúa thơm tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long hàng năm đạt khoảng 1 triệu ha, sản lượng lúa thơm ước đạt 5,5 triệu tấn, tương đương khoảng 3,5 triệu tấn gạo thơm.

Trong khi đó, lượng gạo thơm xuất sang EU được hưởng hạn ngạch ưu đãi về thuế quan là 30.000 tấn, vì vậy tiềm năng xuất khẩu gạo thơm còn rất lớn.

Tổng lượng gạo nhập khẩu vào EU năm 2019 là 2,3 triệu tấn gạo, kim ngạch 1,4 tỷ EUR. Lượng gạo của Việt Nam xuất khẩu vào EU chỉ là 50.000 tấn, trị giá khoảng 28,5 triệu EUR. So với các nước ASEAN khác, xuất khẩu gạo của Việt Nam vào EU chỉ bằng 1/6 của Thái Lan, 1/10 của Myamnar và 1/4 của Campuchia.