DMagazine

Xuất hiện phép thử khắc nghiệt mới cho kinh tế thế giới

(Dân trí) - Vẫn đang trên đà phục hồi hậu Covid-19, kinh tế thế giới lại đối mặt với một phép thử khắc nghiệt mới mang tên hạn hán, tiếp tục làm đứt gãy chuỗi cung ứng, đẩy giá thực phẩm và năng lượng lên cao.

Hạn hán - phép thử khắc nghiệt tiếp theo đối với nền kinh tế thế giới

Vẫn đang trên đà phục hồi hậu Covid-19, kinh tế thế giới lại đối mặt với một phép thử khắc nghiệt mới mang tên hạn hán, tiếp tục làm đứt gãy chuỗi cung ứng, đẩy giá thực phẩm và năng lượng lên cao.

Trong suốt hơn thập kỷ qua, ông Wan Jinjun, một người về hưu 62 tuổi ở Vũ Hán, bơi qua sông Dương Tử hầu như mỗi ngày. Nhưng giờ thì sông hầu như không còn nhiều nước. Ông cho biết ông chưa bao giờ thấy hạn hán như thế này trước đây. "Và mực nước vẫn đang tiếp tục giảm", ông Wan nói.

Hạn hán làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng

Nắng nóng bất thường kéo dài khiến mực nước sông Dương Tử, con sông dài nhất châu Á với khoảng 6.300 km chảy qua Trung Quốc, sụt giảm nghiêm trọng. Năm ngoái, nước dâng cao gần bằng bờ, nhưng hiện tại, mực nước đang ở mức thấp nhất kể từ năm 1865.

Hạn hán đã gây ra cuộc khủng hoảng điện trên diện rộng ở Trung Quốc. Tỉnh Tứ Xuyên ở phía tây nam là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất do phụ thuộc nhiều vào thủy điện. Nhiệt độ tăng cao khiến nhu cầu sử dụng các thiết bị điều hòa, làm mát tăng cao, có nguy cơ gây quá tải cho lưới điện.

Trước tình hình đó, chính quyền địa phương đã kích hoạt phản ứng khẩn cấp cao nhất trong bối cảnh nguồn cung cấp điện bị căng thẳng, gia hạn lệnh từ tuần trước cho nhiều nhà máy đóng cửa hoặc giảm quy mô sản xuất để "để nhường điện cho người dân" cho tới khi nhiệt độ hạ bớt.

Xuất hiện phép thử khắc nghiệt mới cho kinh tế thế giới - 1

Sông trơ đáy vì hạn hán kéo dài (Ảnh: Unsplash).

Ở châu Âu, xung đột Nga - Ukraine làm gián đoạn nguồn cung cấp khí đốt đến khu vực, buộc các nước phải tìm cách tự sản xuất năng lượng. Tuy nhiên, nắng nóng và hạn hán đã làm sâu sắc thêm cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu vào mùa hè này, ảnh hưởng đến sản xuất điện vào thời điểm các nền kinh tế châu Âu đang phải đối mặt với giá dầu và khí đốt cao chưa từng có.

Tại Pháp - nơi sản xuất điện hạt nhân lớn nhất châu Âu, một số nhà máy dọc sông Rhone và Garonne buộc phải giảm sản lượng do nhiệt độ nước sông quá cao, không thể làm mát các nhà máy. Điều này càng làm giảm nguồn cung cấp điện sau khi hàng chục trong số 56 nhà máy hạt nhân của nước này ngừng hoạt động để bảo trì theo kế hoạch.

Hoạt động sản xuất thủy điện cũng bị giáng một đòn mạnh. Trung bình, trong tháng 7, Pháp bị thâm hụt lượng mưa gần 84%. Khi trữ lượng sông và hồ giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 20 năm, chỉ có 4 TWh thủy điện được sản xuất trong tháng 6, mức thấp nhất từng được ghi nhận trong cùng kỳ.

Trong khi đó, Électricité de France (EDF) đưa tin rằng tại Thung lũng Rhone, dãy Alps và vùng Cote d'Azur, nơi chiếm hơn 70% công suất thủy điện của cả nước, sản lượng thủy điện đã giảm 60% kể từ tháng 1, Tân Hoa Xã đưa tin.

Tình hình ở Italy cũng không khá hơn. Phía bắc của Italy, nơi có sông Po - con sông dài nhất đất nước - cũng như các nhà máy thủy điện chính của nước này, đang đối mặt với đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 70 năm qua. Mực nước sông Po giảm gần 50% so với mức trung bình của các năm trước.

Công ty năng lượng Enel cho biết một nhà máy gần Piacenza, phía đông nam Milan, đã ngừng hoạt động vô thời hạn vào tháng 6. Hầu hết nhà máy thủy điện khác không hoạt động hết công suất do mực nước sông Po quá thấp.

Từ tháng 1 đến tháng 5, sản lượng thủy điện đã giảm gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái, theo Utilitalia - liên đoàn các công ty nước của Italy.

Xuất hiện phép thử khắc nghiệt mới cho kinh tế thế giới - 2

Hồ thủy điện không có đủ nước để nhà máy thủy điện hoạt động, gây khủng hoảng điện ở một số nơi (Ảnh: Getty).

Na Uy, nhà xuất khẩu điện số 1 châu Âu với sản lượng thủy điện 137,9 TWh vào năm ngoái, đang lên kế hoạch hạn chế xuất khẩu điện. Thủy điện xuất khẩu từ Na Uy vốn được coi là "pin của châu Âu" và là nguồn thay thế chính cho khí đốt của Nga. Tuy nhiên, nhằm giải quyết tình hình ngày càng trầm trọng của giá cao ảnh hưởng đến người tiêu dùng trong nước, Bộ trưởng Năng lượng và Dầu mỏ Na Uy Terje Aasland nói rằng chính phủ đã sẵn sàng hành động bổ sung nếu tình hình xấu đi. Hành động này có thể liên quan đến các yêu cầu lưu trữ đối với các hồ chứa nước hoặc các hạn chế xuất khẩu, hoặc cả hai.

Sản xuất điện than ở Đức cũng bị ảnh hưởng do nước Rhine bị chìm khiến việc vận chuyển dọc sông trở nên khó khăn hơn. Một công ty vận tải biển địa phương nói với giới truyền thông rằng mặc dù vẫn có thể điều hướng được, nhưng tàu thuyền chỉ có thể chở được khoảng một phần tư công suất của chúng.

Uniper có trụ sở tại Dusseldorf, một trong những công ty cung cấp năng lượng lớn nhất của Đức, cho biết hai trong số các nhà máy điện than của họ ở miền Tây nước Đức có thể hoạt động bất thường cho đến đầu tháng 9 do nguồn cung than không đảm bảo.

Mức sản xuất giảm đã khiến giá cả tăng lên. Vào tháng 7, giá điện ở Pháp và Đức đã gần đạt mức kỷ lục. Trong tuần đầu tiên của tháng 8, hợp đồng điện tương lai cho năm tới ở châu Âu đã vượt quá 550 euro (550 USD) mỗi megawatt giờ, so với mức thấp hơn 100 euro (100 USD) vào năm trước.

Đánh mạnh vào nền nông nghiệp và nông dân

Chỉ 6 tuần nữa là đến vụ thu hoạch lúa mì mùa đông, nhưng Brian Brooks cảm thấy vô vọng. Ông đau đáu nhìn 4.000 ha đất cằn cỗi, nứt nẻ trên khắp trang trại ở vùng đông nam Colorado và sớm dự báo được giá lương thực sẽ tăng cao hơn nữa.

"Bạn đi bộ qua đây và cảm thấy bất lực khi thấy tất cả thành quả của bạn bị thổi bay", Brooks nói.

Còn Xavier Collart Dutilleul, người trồng nho ở tây nam nước Pháp, chia sẻ với Yahoo News: "Những cây nho của chúng tôi đang phải chống chịu với thời tiết khắc nghiệt". Do thiếu mưa, nền đất của vườn nho hữu cơ này trở nên cứng như xi măng và ông dự đoán rằng vụ thu hoạch tới sẽ giảm 30%.

Xuất hiện phép thử khắc nghiệt mới cho kinh tế thế giới - 3

Năng suất cây trồng ở các khu vực hạn hán giảm mạnh (Ảnh: Reuters).

Ở miền bắc Italy, năm nay có rất ít tuyết vào mùa đông và thậm chí ít mưa hơn vào mùa xuân, và nhiệt độ khắc nghiệt của mùa hè đã làm bốc hơi chút hơi ẩm còn lại. Giống như các con sông trên khắp châu Âu, sông Po, vốn là một nguồn tưới tiêu chính trong thung lũng màu mỡ của con sông, đang dần cạn kiệt, trơ đáy, khiến những cánh đồng lúa nơi đây trở nên nứt nẻ.

"Chúng tôi không có nước", Fabrizio Rizzotti, một nông dân trồng lúa, nói với Yahoo News. "Cây cỏ đang chết khô trên cánh đồng".  Ông dự đoán sản lượng gạo carnaroli thu hoạch năm nay chỉ bằng 30% so với năm ngoái.

Tại Tây Ban Nha, nơi cung cấp gần một nửa lượng dầu ô liu của thế giới, Bộ trưởng Nông nghiệp Luis Planas cảnh báo rằng "thu hoạch ô liu năm nay có thể thấp hơn đáng kể so với những vụ trước".

José-Luis Miguel, điều phối viên kỹ thuật của tập đoàn nông nghiệp lớn nhất Tây Ban Nha COAG, nói với Yahoo News: "Chúng tôi đang ở trong một tình huống rất tồi tệ, do tình trạng khan hiếm nước để tưới tiêu". Ông cho biết sản lượng ngũ cốc sẽ giảm 25%.

"Những gì đang xảy ra trong năm nay rất đáng sợ", nhà sinh học Ton Mata kiêm chủ sở hữu vườn nho Recaredo ở vùng cava của Tây Ban Nha, Alt Penedès, cho hay. "Lượng mưa rất ít, trong khi nắng nóng kéo dài và xuất hiện nhiều đợt". Mặc dù mới bắt đầu thu hoạch nhưng anh ấy chắc chắn rằng sản lượng sẽ giảm từ 20% đến 40%.

Mùa hè này, châu Âu đang phá vỡ mọi kỷ lục, từ nhiệt độ cao đến lượng mưa thấp. Gần 2/3 lãnh thổ trong khu vực gồm 27 quốc gia đang phải hoặc sẵn sàng chống chịu với hạn hán. Đài quan sát hạn hán châu Âu cho biết 47% lãnh thổ EU nằm trong tình trạng báo động.

Còn ở Mỹ, 70 triệu ha đất trồng trọt, tương đương 22% diện tích cây trồng của nước này, đang trong tình trạng hạn hán nghiêm trọng, theo Cục Trang trại Hoa Kỳ.

Những tác động khí hậu này gia tăng căng thẳng và lo lắng cho nông dân ở các nước. Họ đang phải đối mặt với chi phí nhân công, nhiên liệu, hạt giống và phân bón tăng chóng mặt - những yếu tố đang đẩy giá lương thực lên cao.

Xuất hiện phép thử khắc nghiệt mới cho kinh tế thế giới - 4

Giá lương thực và nhiều mặt hàng tiếp tục bị đẩy cao (Ảnh: Euronews).

Marc Arnusch, giống như nhiều nông dân, buộc phải chuyển đổi cây trồng và giảm diện tích trồng trọt tại trang trại gần Denver khi giá cả tăng cao và hạn hán kéo dài.

"Chúng tôi trồng ít hơn để cố gắng chống chọi thêm một năm nữa", Arnusch nói. "Bây giờ khi đến cửa hàng tạp hóa, người tiêu dùng cảm giác như bị móc túi".

Theo Cục Thống kê Lao động, giá thực phẩm ở Mỹ tiếp tục leo thang, tăng 9,4% so với năm trước. Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ dự báo giá sẽ tăng ít nhất 5% - 6% trong suốt năm nay.

Xung đột ở Ukraine đang gia tăng thêm những thách thức, khiến giá lương thực toàn cầu tăng cao ngất ngưởng và tạo ra một cuộc khủng hoảng thiếu lương thực, trong đó ngành ngũ cốc của Ukraine và Nga bị cắt đứt phần lớn với thế giới.

Michael Bortz, chủ cửa hàng City Bakery ở Denver, buộc phải tăng giá bánh mì lên khoảng 20% sau khi giá bột mì tăng gần gấp đôi. Nếu giá lúa mì vẫn tiếp tục tăng, ông nói sẽ phải tăng giá một lần nữa.

"Không có cách nào để giải quyết vấn đề đó, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng kiểm soát nó", Bortz nói.

Kinh tế suy thoái và hơn thế nữa

Quá nhiều thách thức đang tấn công nền kinh tế toàn cầu. Châu Âu có nguy cơ suy thoái cao khi giá năng lượng tăng, gây ra bởi cuộc xung đột Nga - Ukraine kéo dài. Lạm phát cao và các đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đang tác động đến tăng trưởng nền kinh tế Mỹ. Trong khi đó, Trung Quốc đang liêu xiêu sau các vụ phong tỏa do đại dịch Covid-19 và khủng hoảng bất động sản.

"Hiện tại, chúng ta đang ở thời điểm khó khăn nhất trong việc ổn định kinh tế", Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết.

Các dự báo về nền kinh tế Trung Quốc trong năm nay đều bị hạ. Các nhà phân tích tại Nomura đã cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của nước này xuống 2,8%, thấp hơn mục tiêu 5,5% chính phủ đặt ra, còn Goldman Sachs cắt giảm dự báo xuống 3%.

Thời tiết khắc nghiệt có thể làm trầm trọng thêm "những khó khăn hiện có" dọc theo chuỗi cung ứng, nguyên nhân chính khiến lạm phát khó hạ xuống, chuyên gia May của Oxford Economics cho biết.

Trong khi đó, mực nước sông Rhine tại Đức đã giảm xuống dưới mức tới hạn, cản trở dòng chảy của các tàu thuyền. Con sông là kênh vận chuyển quan trọng cho hóa chất, ngũ cốc và các loại hàng hóa khác. Việc tìm kiếm các hình thức vận chuyển thay thế rất khó khăn do thiếu lao động.

Xuất hiện phép thử khắc nghiệt mới cho kinh tế thế giới - 5

Mực nước sông Rhine tại Đức giảm sâu, cản trở hoạt động đường thủy (Ảnh: AP).

"Việc đóng cửa các nhà máy trong ngành hóa chất hoặc thép chỉ còn là vấn đề thời gian. Dầu khoáng và vật liệu xây dựng không thể đến nơi đúng hạn, việc vận chuyển hàng hóa khối lượng lớn và nặng không thể thực hiện", Holger Lösch, phó Giám đốc của Liên đoàn các ngành công nghiệp Đức, cho biết trong một tuyên bố.

Carsten Brzeski, người đứng đầu bộ phận vĩ mô toàn cầu của ING, ước tính tình hình này có thể làm giảm ít nhất 0,5 điểm phần trăm GDP của Đức trong nửa cuối năm nay. Kinh tế ở Đức tiếp tục giảm trong tháng 8, theo dữ liệu vừa được công bố, và Brzeski cho rằng đất nước "sẽ cần một phép màu kinh tế" để tránh rơi vào tình trạng suy thoái trong những tháng tới.

Ở miền Tây nước Mỹ, một đợt hạn hán bất thường đang làm cạn kiệt các hồ chứa lớn nhất của quốc gia, buộc chính phủ liên bang phải thực hiện các biện pháp cắt nước bắt buộc mới. Tình hình tồi tệ cũng buộc nông dân phá hủy mùa màng. Theo khảo sát của Liên đoàn Trang Trại Hoa Kỳ, gần 3/4 nông dân Mỹ nói rằng hạn hán năm nay đang ảnh hưởng lớn đến vụ thu hoạch, gây thiệt hại đáng kể về cây trồng và thu nhập.

Đặc biệt, ở California, bang trồng nhiều cây ăn quả và cây lấy hạt, 50% nông dân cho biết họ phải chặt bỏ cây cối và cây trồng lâu năm do hạn hán, điều này sẽ ảnh hưởng đến doanh thu trong tương lai.

"Có những dấu hiệu cho thấy những đợt nắng nóng này không chỉ trở nên dữ dội và thường xuyên hơn. Nó diễn ra theo một cách bất thường, và điều đó sẽ khiến việc thích nghi trở nên khó khăn hơn", chuyên gia Ward thuộc Trường Kinh tế London nói.

Nhiều vùng khác trên thế giới cũng đang chống chọi với nắng nóng và hạn hán như hậu quả của biến đổi khí hậu. Các quốc gia ở vùng Sừng châu Phi đang trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất trong vòng 40 năm, đẩy 22 triệu người dân vào nguy cơ chết đói. Suốt 4 năm qua, lượng mưa ở khu vực này không đủ khiến hàng trăm người phải dời đi. Trong khi đó, hạn hán ở Ấn Độ cũng khiến diện tích trồng lúa giảm 13% trong năm nay, đe dọa nguồn cung lương thực toàn cầu.

"Đây là mùa hè nóng nhất mà tôi biết", anh Luo Yi, một công nhân 26 tuổi ở Vũ Hán cho biết. Công ty của anh đã phải chuyển cảng nổi gần bờ vào đầu năm nay để có thêm chỗ cho việc vận chuyển trên con sông bị hạn hán.

Nội dung: Cẩm Hà (tổng hợp)